Phát triển thành phố về phía Đông

Chuyện của đường và xe
Phát triển thành phố về phía Đông

Cho đến bây giờ, cụm từ trên đã quá quen thuộc trên các phương tiện truyền thông và trong cả suy nghĩ của người dân. Bởi cả vùng đất sình lầy phía Nam TPHCM đã trở thành vùng đất vàng với nhiều khu đô thị mới, các khu công nghiệp, khu chế xuất; những đại lộ rộng thênh thang… Thế nhưng vào thời điểm sau khi đất nước mở cửa với chính sách đổi mới (từ năm 1986), ông là một trong những người đề xuất ý tưởng này. Ông là Phan Chánh Dưỡng, giáo viên dạy môn vật lý, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận.

Chuyện của đường và xe

Ông Phan Chánh Dưỡng

Ông Phan Chánh Dưỡng

Ông tự nghiệm ra rằng khi xây dựng và phát triển một doanh nghiệp, nếu xét ở góc độ kinh tế thì đấy là phạm trù kinh tế vi mô. Ấy vậy nên quyết định rời bỏ chức vụ Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Chợ Lớn (Cholimex), một doanh nghiệp nhà nước tầm cỡ vào thập niên 80 của thế kỷ trước là… chuyện nhỏ! Bởi trong đầu ông, ngay sau đổi mới, đã có chuyện lớn.

Sau đổi mới, ông đã phác thảo ra ý tưởng vĩ mô, mà ông nói đại khái cho dễ hiểu là: Nếu xe là công cụ giao thông thì đường cũng là công cụ giao thông, nhưng xe và đường khác nhau. Xe là phương tiện di chuyển từ nơi này đến nơi khác trên tổng thể là con đường, vì nếu không có con đường thì xe chạy bằng cách nào. Từ đó tôi nghĩ rằng việc kinh doanh phải trên nền tảng phát triển kinh tế - xã hội một cách nhân văn, bởi chiếc xe và con đường là hai khái niệm không thể tách rời. Con đường tốt, sạch đẹp thì thu hút nhiều xe chạy. Tôi rời Cholimex để đem nhiệt huyết của mình hình thành ra một con đường mới, rộng, sạch đẹp, ít trạm thu phí theo định hướng mở cửa toàn diện, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước.

Chữ tín giá bao nhiêu?

Luật lệ kinh doanh đặt ra, tạo điều kiện cho nhiều người có công ăn việc làm, cho các nhà đầu tư đến làm giàu và mặc nhiên khi càng có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư thì chữ tín của nền kinh tế ấy đã tăng vọt. Một khi các doanh nghiệp làm giàu được thì sự đóng góp cho xã hội sẽ gia tăng, uy tín xã hội lên cao. Minh chứng rằng từ ý tưởng “phát triển TPHCM về phía Đông”, các nhà đầu tư đã đến vùng đất sình lầy hoang hóa Nhà Bè (cũ), mở đầu là Khu chế xuất - Khu công nghiệp Tân Thuận. Sau đó hình thành Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu công nghiệp Long Hậu…

Và một khi vùng đất phía Đông ấy phát triển, nhiều đại lộ, đường lớn, cầu mới, dự án nhà ở cao tầng… được đầu tư xây dựng. Khu Nam TPHCM trở thành đô thị kiểu mẫu, các nhà đầu tư ồ ạt bỏ tiền vào kinh doanh, buôn bán. Ông nói rằng chữ tín của môi trường kinh doanh khi ấy đã quá tốt. Và nếu ông đầu cơ, sẽ mua nhiều đất, nhà giá rẻ nhưng ông không làm thế. Nên cũng không có gì ngạc nhiên khi thấy sau 15 năm hình thành chỉ với 1 con dấu, 1 tờ quyết định, trụ sở thuê mướn…, mãi đến năm 2003, trụ sở riêng của Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận mới được xây dựng chính thức!

Hỏi chuyện được - mất trong suốt quãng thời gian ấy đến nay, ông nói nhanh, gọn: Nhà nước được chữ tín, không bỏ đồng vốn nào ngoài vùng đất sình lầy; môi trường kinh doanh trở nên uy tín và trong đó riêng tôi cũng có uy tín vì chứng minh suy nghĩ mình là đúng. Nếu có mất, chỉ mất cái... nghèo thôi.

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại KCX Tân Thuận. Ảnh: Cao Thăng

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại KCX Tân Thuận. Ảnh: Cao Thăng

Lời chưa... nói!

Ông là giáo viên chuyên lý, học hành cũng chẳng có bằng cấp gì nhiều nhưng nói về kinh tế, kinh doanh thì ai cũng muốn tìm đến ông tham khảo, xin lời khuyên. Ông nói rằng luật đưa ra, phải xem luật đó bảo vệ ai, quảng đại quần chúng hay nhóm lợi ích; luật đưa ra có làm tăng uy tín xã hội và môi trường kinh doanh, có đem lại lợi nhuận về nhiều mặt cho xã hội hay không? Chứ như trường hợp Lê Văn Luyện giết người tàn bạo mà không xử bắn chỉ vì luật thì e chưa ổn. Vì luật đưa ra để bảo vệ con người sống tốt với nhau. Nếu không xử bắn Luyện, vậy chúng ta chỉ ung dung bảo vệ luật do chúng ta đưa ra, còn mặc cho xã hội có thể có thêm những Lê Văn Luyện khác.

Không cần phải xem có giống luật bên Mỹ, bên Pháp, bên Anh hay không mà cần xem luật đã phù hợp với xã hội ta chưa? Trong kinh doanh nếu luật chưa chặt thì các doanh nghiệp (thiếu uy tín theo nghĩa bóng) chỉ biết móc từ túi người khác cho đầy túi mình, mặc nhiên thờ ơ không đóng góp cho xã hội, không tạo lợi ích gì cho người dân, nhà nước. Vụ việc mấy ông bầu, các ông trùm ngân hàng đang làm “rùm beng” dư luận cũng do luật có kẽ hở và họ biết “lách luật” để thôn tính ngành tiền tệ, tài chính.

Mạo muội hỏi: “Có khi nào ông thất tín chưa?”, ông buồn buồn đáp: “Có, một lần và mãi mãi”. Đó là khi ông mạnh dạn hứa hẹn với nhà đầu tư Lawrence S.Ting về các chế độ, chính sách ưu đãi và cam kết về môi trường đầu tư uy tín. Để rồi đến khi ông không thực hiện được lời hứa năm nào, nhà đầu tư xưa qua đời và ông nợ lại Lawrence S.Ting một lời xin lỗi. Thế nên từ sau khi nghỉ hưu, ông đã nhận điều hành Quỹ hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting như một hành động trả ơn với người bạn cũ.

Minh Anh

Tin cùng chuyên mục