Bảo tồn phải vì lợi ích của dân

Thời gian gần đây, câu chuyện bảo tồn di tích liên tiếp “nóng” với vụ việc xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc, trùng tu chùa Một Cột - Diên Hựu, người dân ở làng cổ Đường Lâm kêu cứu. Nhiều vấn đề đã được đặt ra xung quanh những vụ việc này, trong đó ít nhiều liên quan đến sự thiếu trách nhiệm, thậm chí là hứa suông của cơ quan quản lý nhà nước. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam về vấn đề này.
Bảo tồn phải vì lợi ích của dân

Thời gian gần đây, câu chuyện bảo tồn di tích liên tiếp “nóng” với vụ việc xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc, trùng tu chùa Một Cột - Diên Hựu, người dân ở làng cổ Đường Lâm kêu cứu. Nhiều vấn đề đã được đặt ra xung quanh những vụ việc này, trong đó ít nhiều liên quan đến sự thiếu trách nhiệm, thậm chí là hứa suông của cơ quan quản lý nhà nước. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam về vấn đề này.

ông Nguyễn Túc

ông Nguyễn Túc

- Phóng viên: Thưa ông, suy nghĩ của ông về các vụ việc vừa qua, nhất là xung quanh lá đơn xin trả lại di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm của một số hộ dân ở đây?

>> Ông NGUYỄN TÚC: Thời gian gần đây tôi theo dõi rất kỹ về những vụ việc này, từ Đàn Xã Tắc đến trùng tu chùa Một Cột, rồi đến vụ việc của bà con Đường Lâm. Quan điểm của tôi là bảo tồn phải gắn với phát triển, chỉ bảo tồn mà không phát triển là không thể được. Bảo tồn di tích phải gắn với chăm lo đời sống của nhân dân ở khu vực có di tích. Nếu bảo tồn di tích mà để người dân khu di tích phải sống khổ sở, không được lợi gì thì việc bà con nhân dân Đường Lâm đòi trả lại danh hiệu di tích là chuyện dễ hiểu. Vì thế, dù bất cứ ở đâu, nguyên tắc bảo tồn gắn với phát triển phải được kết hợp hài hòa. Một khi các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan có chức năng về bảo tồn không thực hiện được điều đó thì nhân dân sẽ bất bình.

- Trong 3 vụ việc đó, ông cho rằng các cơ quan chức năng đã làm hết trách nhiệm để bảo đảm hài hòa lợi ích đó chưa?

Trong 3 vụ việc vừa qua, có thể thấy rõ, ở khu vực Đàn Xã Tắc, ai cũng biết là phải bảo tồn, nhưng kể từ lúc các nhà khảo cổ, nhà sử học cho rằng phát lộ Đàn Xã Tắc Thăng Long thì cũng chưa thực sự chứng minh được việc phải bảo tồn. Trong khi hàng ngày người dân đi qua khu vực này luôn phải chịu cảnh tắc đường rất khổ vì thế chính quyền phải tìm cách xây cầu vượt. Đến khi có phương án xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc thì các nhà khảo cổ, sử học và chính quyền lại chưa thống nhất được với nhau. Vì thế tôi cho rằng, các cơ quan bảo tồn, các cơ quan quản lý nhà nước phải kết hợp với nhau để giải quyết bức xúc cho dân, vừa để thực hiện tốt việc bảo tồn như mong muốn.

Hay vụ trùng tu chùa Một Cột, tại sao phải để đến mức Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì chùa Một Cột phải có đơn gửi UBND TP Hà Nội với thông điệp: “Sau 30 ngày nữa kể từ ngày gửi đơn, nếu không có ý kiến của các cấp chính quyền, nhà chùa đành phải dỡ ngói và hạ giải, đảo ngói toàn bộ chùa và nhà Mẫu để tạm thời tránh dột nát khi mùa mưa bão sắp tới”.

Tôi được biết, từ năm 2008, UBND quận Ba Đình đã lập kế hoạch đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Một Cột với kinh phí hơn 31 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào đầu năm 2013, song đến nay, các bước tiến hành để trùng tu ngôi cổ tự vẫn chỉ nằm trên giấy. Trong khi chùa đang xuống cấp từng ngày, người trụ trì bức xúc lắm rồi, họ liên tục đề đạt nguyện vọng được trùng tu nhưng cơ quan quản lý cứ bảo chờ. Chờ không được, chùa sắp đổ, trụ trì mới đòi tự làm. Ở đây, nếu chúng ta không giải quyết bức xúc này có thể sẽ lặp lại câu chuyện của chùa Trăm Gian, để người dân tự trùng tu, ảnh hưởng đến di tích thì khó mà cứu vãn. Đặc biệt với vụ việc ở Đường Lâm, chúng ta đều đã rõ. 10 năm mà quy hoạch làng cổ chưa có, người dân tự nhiên bị tước quyền cơi nới, sửa sang nhà cửa. Họ đã đề đạt bức xúc bao nhiều lần mà chính quyền không giải quyết. Thế nên, họ đòi trả lại danh hiệu di tích quốc gia cũng là điều dễ hiểu.

Tôi cho rằng, qua những vụ việc này các cơ quan quản lý phải rút ra bài học cho mình. Trước khi trách dân, cơ quan quản lý phải trách mình trước, phải tự đặt mình vào vị trí người dân ở những nơi đó để làm hết trách nhiệm quản lý nhà nước, để hiểu những bức xúc của dân, để xử lý sớm những khó khăn của dân. Các cơ quan quản lý nhà nước đừng bắt dân phải chờ thêm nữa, đừng bắt họ phải khổ sở vì bảo tồn.

- Phải chăng người dân sống trong khu vực di tích cũng phải chấp nhận hy sinh lợi ích của mình để phục vụ bảo tồn?

Bảo tồn - phát triển phải gắn kết với nhau, nhưng trên hết, bảo tồn phải vì lợi ích của dân chứ không thể bắt người dân hy sinh một cách vô lý. Theo tôi, để giải quyết hài hòa cả 2 lợi ích bảo tồn và phát triển, chúng ta một mặt vận động nhân dân để làm công tác bảo tồn di sản của ông cha, một mặt phải có chính sách để nhân dân thấy họ cũng là người được hưởng lợi từ việc bảo tồn đó, cả về vật chất lẫn tinh thần. Điều quan trọng hơn, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo tồn phải làm đến nơi đến chốn, đừng để nhân dân có cảm giác cơ quan quản lý chỉ hứa suông, chỉ để đạt được mục tiêu bảo tồn mà không quan tâm đến sự phát triển của người dân.

- Theo ông, các vụ việc này phải được giải quyết theo hướng nào?

Cực chẳng đã bà con Đường Lâm mới đòi trả lại danh hiệu di tích, hơn ai hết họ cũng muốn bảo tồn di sản của cha ông trên đất quê hương mình. Vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước phải nhanh chóng vào cuộc giải quyết bức xúc của dân và phải cam kết trong thời gian nào sẽ kết thúc những bức xúc này. Các vụ khác thì cũng tương tự như vậy. Chứ không thể để người dân tiếp tục phải đợi kéo dài từ năm này sang năm khác. Các cơ quan quản lý phải thực sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm, không nên đùn đẩy.

Phan Thảo (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục