Hồi sinh xóm lồng đèn Phú Bình

Hưng thịnh suốt một thời gian dài, rồi lại chật vật vì không cạnh tranh nổi với lồng đèn điện tử của Trung Quốc, làng lồng đèn Phú Bình (phường 5, quận 11, TPHCM) đang hồi sinh khi người tiêu dùng có xu hướng quay lại với lồng đèn truyền thống.
Hồi sinh xóm lồng đèn Phú Bình

Hưng thịnh suốt một thời gian dài, rồi lại chật vật vì không cạnh tranh nổi với lồng đèn điện tử của Trung Quốc, làng lồng đèn Phú Bình (phường 5, quận 11, TPHCM) đang hồi sinh khi người tiêu dùng có xu hướng quay lại với lồng đèn truyền thống.

        Một thời vang bóng

Theo lời các cụ cao niên ở xóm lồng đèn Phú Bình, lúc hưng thịnh có khoảng 80 % hộ dân ở đây làm lồng đèn. Lồng đèn làm ra bao nhiêu được các đại lý bỏ mối ở TPHCM, cánh thương lái từ miền Tây gom hết bấy nhiêu. “Ngày trước, bình quân mỗi mùa Trung thu tôi bán được 6.000 - 7.000 cái lồng đèn. Chợ Lớn và phố lồng đèn Lương Nhữ Học là 2 nơi tiêu thụ nhiều nhất sản phẩm của Phú Bình. Nhiều hộ chỉ tính doanh thu bán lẻ tại nhà thôi, có hôm thu được vài triệu đồng” - ông Trần Mạnh Uyển, một người chuyên làm lồng đèn ở Phú Bình cho biết.

Từ năm 2007, lồng đèn điện tử có xuất xứ Trung Quốc bắt đầu tràn vào thị trường Việt Nam. Trong cuộc cạnh tranh với lồng đèn truyền thống, lồng đèn điện tử với những thế mạnh như mới lạ, bắt mắt, thiết kế đa dạng, phát ra tiếng nhạc đã chiếm lĩnh thị trường. Khi những chuyến xe chở lồng đèn rời xóm Phú Bình trở nên hiếm hoi, thì đấy cũng là lúc những hộ làm nghề quay lưng với lồng đèn.

Bà Nguyễn Thị Phương Mai với hơn 40 năm làm nghề lồng đèn truyền thống. Ảnh: QUANG KHOA

Bà Nguyễn Thị Phương Mai với hơn 40 năm làm nghề lồng đèn truyền thống. Ảnh: QUANG KHOA

Trước sự cạnh tranh khốc liệt của lồng đèn điện tử, các hộ làm lồng đèn ở Phú Bình đã cố gắng thích ứng với thị trường bằng cách đa dạng hóa mẫu mã. Ngoài các loại lồng đèn truyền thống như bướm, cá, gà, rồng, máy bay, họ còn sáng tạo thêm những mẫu lồng đèn mang hình dạng nhân vật trong phim như Tôn Ngộ Không, Tiểu Yến Tử… nhưng vẫn không cạnh tranh nổi với lồng đèn Trung Quốc. Lồng đèn truyền thống dần rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn. Đỉnh điểm có lẽ là mùa Trung thu năm 2011, giá nguyên liệu đầu vào như tre, giấy bóng kính tăng, người làm lồng đèn vẫn không dám tăng giá bán. Nhưng làm ra cũng chẳng mấy ai mua, không ai mua nên phải hạ giá, đã hạ giá rồi mà vẫn ế. Lợi nhuận bị sút giảm nghiêm trọng. Những năm trước đó, người làm lồng đèn lời khoảng 4.000 đồng/chiếc như lúc này chỉ còn khoảng 2.000 đồng/chiếc, thậm chí có người còn bị lỗ.

Ông Trần Mạnh Uyển cho biết từ chỗ có hơn trăm hộ làm lồng đèn, đến nay chỉ còn khoảng 7 hộ, hộ nào giỏi lắm bán cũng được hơn ngàn cái, còn không chỉ vài ba trăm cái.

        Hồi sinh

Để hoàn thành, chiếc lồng đèn phải trải qua rất nhiều công đoạn như chẻ tre, làm khung, dán giấy bóng, vẽ hình... Nên những hộ làm lồng đèn phải chuẩn bị rất lâu, lúc nào rảnh rỗi là mang tre ra chẻ, tạo hình làm khung. Khoảng 2 tháng trước Trung thu, họ mới mang khung tre ra dán giấy bóng kính, vẽ hình và hoàn thành những công đoạn cuối cùng để cho ra thành phẩm.

Dù mất rất nhiều thời gian, công sức, sự tỉ mỉ để hoàn thành một chiếc lồng đèn nhưng khi hết mùa Trung thu vẫn không bán được thì bắt buộc phải “xử lý” chúng. Các hộ làm lồng đèn phải xé bỏ giấy bóng kính, rồi xếp khung tre để ở góc nhà, chờ năm sau đến mùa Trung thu mang ra dán lại. Nhiều nhà chật chội, không có không gian nên phải vứt bỏ lồng đèn, lại phải tốn một khoản tiền cho dịch vụ thu gom rác.

Ông Nguyễn Văn Ga, người làm lồng đèn từ những năm 1980, tâm sự: “Làm lồng đèn ngày càng bấp bênh, số lượng bán ra ít mà giá lại giảm. Dù vậy nhưng năm nào tôi cũng mua tre, giấy bóng kính về làm, lời ít nhiều gì cũng làm. Mấy chục năm nay đã vậy rồi, bây giờ cũng vậy, bỏ đi tiếc lắm. Ngày nào còn khỏe, tôi còn làm”.

Cuối tháng 9-2012, dư luận bàng hoàng vì vụ việc lồng đèn điện tử Trung Quốc chứa chất độc gây ung thư. Thời điểm lúc ấy trùng với những ngày cuối của mùa Trung thu, nên lồng đèn điện tử Trung Quốc bị tẩy chay.

“Mùa trung thu năm nay có sự khởi sắc so với mấy năm trước. Tính đến giờ, tôi đã bán hơn 2.000 chiếc lồng đèn dù mùa Trung thu vẫn chưa hết. Năm nay lồng đèn bán chạy hơn mấy năm trước. Hồi đầu mùa, một số đại lý tại Chợ Lớn không dám lấy hàng nhiều vì sợ không bán được. Nhưng khi bán được, họ đến hỏi thêm thì tôi không còn nữa, làm thêm cũng không kịp” - bà Nguyễn Thị Phương Mai, người có thâm niên hơn 40 năm làm lồng đèn, chia sẻ.

Thị trường tiêu thụ lồng đèn truyền thống đã có những tín hiệu tích cực, mang lại nhiều kỳ vọng cho bà con ở xóm lồng đèn Phú Bình. Người tiêu dùng đã quay trở lại chọn lồng đèn truyền thống giúp xóm lồng đèn Phú Bình từng bước hồi sinh.

QUANG KHOA - NGỌC QUÝ

Tin cùng chuyên mục