Chung sức đồng lòng thi đua lao động, xây dựng tiềm lực kinh tế cho đất nước

Chung sức đồng lòng thi đua lao động, xây dựng tiềm lực kinh tế cho đất nước

(SGGP). – Sáng 17-5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 4, TPHCM. Cử tri Cao Ngọc Lân (phường 16) phát biểu: Dã tâm muốn độc chiếm biển Đông của Trung Quốc đã có từ rất lâu vì đây là khu vực có trữ lượng dầu rất lớn lại là tuyến hàng hải quan trọng. Do vậy, Việt Nam cần kiên trì đấu tranh với Trung Quốc bằng còn đường ngoại giao, hòa bình nhưng rất kiên quyết, không nhân nhượng, đồng thời đề xuất Quốc hội trưng cầu ý dân để xử lý các tình huống ở biển Đông.

Cử tri Phạm Đình Toàn (phường 3) cho rằng, tổ chức công đoàn phải bám sát các công ty, xí nghiệp cũng như tâm tư của các công nhân để tránh tình trạng nhiều người bị kẻ xấu lợi dụng việc biểu tình phản đối Trung Quốc để kích động, đập phá các công ty nước ngoài như vừa qua.

Cử tri Hoàng Thị Xuân (phường 15) mong muốn Việt Nam cần có biện pháp đấu tranh kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn và phải có thời gian cụ thể chứ không thể để hoạt động của Trung Quốc diễn ra trong vùng biển thuộc chủ quyền của ta.

Ở một góc nhìn khác, cử tri Hoàng Lê Bình lo lắng khi hiện nay nền kinh tế của Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam. Rất nhiều công trình quan trọng như khai khoáng, thủy điện của chúng ta đang do các nhà thầu của nước này thi công, trong khi đầu tư trực tiếp vào nước ta thì rất ít. Bên cạnh đó, thương lái Trung Quốc lại có những kiểu buôn bán không giống ai khi vào Việt Nam như thu mua lá khoai, lá điều, rễ tiêu... để phá hoại sản xuất của Việt Nam. Đây là những bằng chứng cho thấy âm mưu thâm độc của Trung Quốc. Do vậy, Quốc hội cần có đánh giá nghiêm túc, xem xét chỉnh sửa, bổ sung các vấn đề còn bất cập trong các luật về đầu tư, đấu thầu, lao động để quản lý chặt chẽ hơn, tránh quá phụ thuộc vào Trung Quốc.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với công nhân tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (Bình Dương). Ảnh: Giản Thanh Sơn

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với công nhân tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (Bình Dương). Ảnh: Giản Thanh Sơn

        Bình tĩnh, đoàn kết

Ghi nhận tất cả ý kiến tâm huyết của bà con cử tri đối với hình hình khó khăn của đất nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ: Chúng ta luôn muốn hòa bình để ổn định phát triển đất nước nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, không chấp nhận bất kỳ sự xâm hại nào đến quốc gia. Khi tình hình càng phức tạp càng phải bình tĩnh, đoàn kết để tạo sức mạnh lớn. Trong bối cảnh hiện nay, theo Chủ tịch nước, cái gì còn yếu kém thì phải vươn lên, phải khắc phục (như lãng phí, quan liêu, tham nhũng…), đó mới là biểu hiện cao nhất của lòng yêu nước.

Chiều 17-5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm và kiểm tra thực tế hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Bình Dương, nơi vừa qua đã xảy ra tình trạng mất trật tự an ninh, gây thiệt hại về tài sản cho nhà đầu tư.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đã báo cáo với Chủ tịch nước, cho biết, xuất phát từ bức xúc trước hành động Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, công nhân một số doanh nghiệp tại Bình Dương đã xuống đường bày tỏ lòng yêu nước. Lợi dụng việc tụ tập đông người, một số đối tượng đã lôi kéo, kích động, ép buộc công nhân có hành vi đập phá hàng rào, dây chuyền sản xuất, tài sản của doanh nghiệp; gây cản trở giao thông, hành hung bảo vệ, chống người thi hành công vụ.

Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đã bắt giữ, xử lý các đối tượng cầm đầu quá khích; tổ chức các đoàn công tác đến gặp gỡ nhà đầu tư để động viên, chia sẻ khó khăn; thống kê, đánh giá thiệt hại. Trước hệ lụy một số ít doanh nghiệp ngừng sản xuất sẽ kéo theo nguy cơ nhiều doanh nghiệp trong chuỗi liên kết không thể hoạt động được, tỉnh Bình Dương kiến nghị Chính phủ có chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng hỗ trợ vốn vay ưu đãi, thuế suất tương xứng với khoản thiệt hại. Bình Dương sẽ xem xét việc bảo hiểm xã hội cho người lao động; trước mắt, bằng mọi biện pháp đưa 25.000 công nhân đang nghỉ việc trở lại làm việc.

Nhấn mạnh chính sách nhất quán của Việt Nam luôn ghi nhận đầu tư nước ngoài là thành phần không tách rời của nền kinh tế, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ rõ: Những vụ việc trên không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của doanh nghiệp nước ngoài. Chính tại nơi từng để lại dấu ấn tốt về cải cách hành chính, thu hút đầu tư - Bình Dương phải tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp trở lại làm ăn đồng thời phải tiếp tục thu hút đầu tư mới.

Chủ tịch nước cũng dành thời gian thăm Khu công nghiệp VSIP I tại Bình Dương; thăm Tập đoàn Esquel Group, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Hồng Công (Trung Quốc), tạo việc làm cho 5.000 lao động. Do tác động tiêu cực của những hoạt động gây rối tại Bình Dương vừa qua, sản xuất của doanh nghiệp bị gián đoạn, một bộ phận công nhân phải nghỉ việc.

Thăm hỏi các công nhân lao động trong dây chuyền, Chủ tịch nước lưu ý, bày tỏ lòng yêu nước là chính đáng. Càng yêu nước, công nhân càng phải chung sức đồng lòng, thi đua lao động, cùng Đảng, Nhà nước xây dựng tiềm lực kinh tế cho đất nước.

Công nhân Công ty Esquel Garment Manufaturing (Bình Dương) đã trở lại làm việc bình thường. Ảnh: GIẢN THANH SƠN

Công nhân Công ty Esquel Garment Manufaturing (Bình Dương) đã trở lại làm việc bình thường. Ảnh: GIẢN THANH SƠN

        Kiên quyết không để xảy ra biểu tình trái pháp luật

Ngày 17-5, Văn phòng Chính phủ phát hành thông báo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, kiên quyết không để xảy ra biểu tình trái pháp luật và xử lý nghiêm khắc những người có hành vi tuyên truyền kích động. Đồng thời, tuyên truyền vận động nhân dân không tham gia biểu tình trái pháp luật, hỗ trợ giúp đỡ nhau phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống, giữ gìn an ninh trật tự và góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành chức năng, lãnh đạo các tỉnh, thành phố thông báo đến các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài: Chính phủ Việt Nam và chính quyền các địa phương kiên quyết thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết theo đúng pháp luật và các cam kết quốc tế của Việt Nam để bảo đảm an ninh và an toàn tuyệt đối cho các cơ quan, doanh nghiệp và người nước ngoài tại Việt Nam.

Chỉ thị cũng nêu rõ, những ngày qua, bằng các biện pháp đồng bộ, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 697/CĐ-TTg ngày 15-5 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an ninh, trật tự. Tình hình an ninh và trật tự an toàn xã hội đã được bảo đảm. Chính quyền các địa phương đã trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ và hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường.

Công an TPHCM cho biết, qua lấy lời khai những người bị tạm giữ, khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết và hình ảnh camera bảo vệ, xác minh các biển số, số khung, số máy của các xe để lại hiện trường; Công an quận Thủ Đức và Công an TPHCM đã xác định được một số người đã có hành vi gây rối trật tự công cộng; chống người thi hành công vụ và chiếm đoạt tài sản tại Khu công nghiệp Bình Chiểu, Khu chế xuất Linh Trung 1 và 2. Công an TPHCM yêu cầu những người vi phạm đến tự thú, trình báo và nộp lại tài sản đã chiếm đoạt tại công an các phường Bình Chiểu, Linh Trung, Linh Xuân hoặc tại Công an quận Thủ Đức.

Công an TPHCM đã chỉ đạo Công an quận Thủ Đức không tạm giữ và thực hiện chính sách khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn nhìn nhận vi phạm và chủ động khắc phục hậu quả.

NHÓM PV

>> Kêu gọi thanh niên Việt Nam “Hãy yêu nước đúng cách”

>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Ngăn chặn tình trạng manh động, phá hoại cơ sở sản xuất

Tin cùng chuyên mục