Sinh động bài học về Bác Hồ

1.
Sinh động bài học về Bác Hồ

1. Buổi sáng cuối tuần, trên tầng 2 của Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM, một nhóm học sinh của Trường THCS Huỳnh Tấn Phát (quận 7) cùng chơi trò đố vui. Đứng trước tấm bản đồ hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ năm 1911 đến năm 1941, bắt thăm trúng câu hỏi “Bạn hãy cho biết nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước?”, một bạn trong nhóm chọn bảng mica có khắc chữ “Sài Gòn” và gắn lên địa danh TPHCM. Liền khi đó, đèn trên bản đồ sáng lên, báo hiệu đó là đáp án đúng. Đèn cũng cháy sáng tương tự khi một bạn khác gắn tấm mica có chữ “Pháp” lên vị trí nước Pháp trên bản đồ khi trả lời câu hỏi “Bạn hãy cho biết tên đất nước mà Bác Hồ ký tên Nguyễn Ái Quốc viết và gửi “Bản yêu sách” 8 điểm của nhân dân An Nam tới Hội nghị Versailles?”. Câu trả lời nào không được sáng đèn, cả nhóm lại cùng nhau suy nghĩ, thảo luận cho đến khi có được đáp án chính xác. Tiếng cười đùa rộn vang làm cho buổi tìm hiểu về hoạt động yêu nước của Bác Hồ không bị khô khan.

Ở khu vực đối diện, hơn 20 học sinh của Trường Tiểu học Anh Việt Mỹ (quận 4) đang cùng chơi trò ghép hình. Khung cảnh làng Sen - nơi Bác Hồ sống những ngày ấu thơ, Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước dần hiện lên theo từng mảnh nhỏ được ghép lại. Và với các em, những chuyện kể về cuộc đời Bác Hồ được nghe trên lớp trở nên gần gũi, dễ nhớ hơn.

Học sinh TPHCM đến với “Không gian khám phá”.

2. Những hình thức chơi mà học sinh động trên được Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM thiết kế, tổ chức tại “Không gian khám phá” đặt trên lầu 2 của bảo tàng. Vào đây, các em như bước vào sân chơi bổ ích và đầy màu sắc. Những kiến thức về quê hương, về gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những chặng đường lịch sử, gian khổ của Người bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc được truyền tải nhẹ nhàng đến các em qua những trò chơi hỏi - đáp, ghép hình; trải nghiệm một số nghề mà Người đã từng làm khi ở nước ngoài như vẽ tranh, làm báo; trả lời trắc nghiệm trên máy vi tính... Ngoài ra, 3 kệ sách với hơn 200 quyển sách như Sưu tập truyện Bác Hồ với thiếu nhi, Bác Hồ với thanh niên Việt Nam, Lược sử nước Việt bằng tranh, Kể chuyện Điện Biên Phủ, Cùng em tìm hiểu Hoàng Sa - Trường Sa, tác phẩm văn học thiếu nhi, truyện cổ tích... cũng thu hút sự quan tâm của các bạn nhỏ. Các bộ cờ tướng, cờ vua, cờ tỷ phú cũng có sẵn để các em và phụ huynh giải trí, cùng chơi vui.

Khánh thành vào ngày 9-7-2014, đúng dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM (1979 - 2014), sau gần 2 tháng hoạt động, mô hình “Không gian khám phá” tại bảo tàng này đã thu hút sự quan tâm của nhiều lượt bạn trẻ. Dù đối tượng phục vụ bảo tàng nhắm đến ban đầu chỉ là học sinh dưới 14 tuổi, nhưng thực tế nhiều bạn thanh niên, sinh viên cũng đến tham gia. Vừa hoàn thành một số câu trắc nghiệm về tiểu sử Bác Hồ trên máy vi tính, bạn Trần Công Khanh (sinh viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM) kể: “Nghe đứa em trong nhà đi với bạn bè về kể mô hình này, tôi thấy lạ nên đến xem sao. Quả thật, cách học về Bác Hồ như thế này không gây nhàm chán, mang tính từ chương. Đây là phương thức làm tăng thêm lòng kính yêu của chúng ta đối với Bác Hồ nhưng lại không sáo rỗng, giáo điều”. Ngồi nhìn con trai 3 tuổi đang thích thú tô vẽ, anh Lê Đăng Nguyên (ngụ quận 2) hào hứng nói: “Tôi nghĩ mô hình này cần thiết cho mọi người. “Không gian khám phá” giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh không theo lối dạy cứng nhắc mà bằng cách kích thích tự tìm hiểu. Sau này tôi sẽ tiếp tục dẫn con quay lại để con tôi tự khám phá, tự học hỏi”.

“Không gian khám phá” không chỉ là nét mới thành công trong hoạt động của Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM mà còn là sân chơi bổ ích cho giới trẻ TP, nhất là học sinh - sinh viên!

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục