Bổ sung mức đóng BHXH

Chiều 28-12, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã cung cấp thông tin định kỳ tháng 12 về chủ đề mà hiện dư luận và người lao động cả nước quan tâm, đó là căn cứ và cách tính tiền lương để đóng BHXH theo quy định mới của Luật BHXH (sửa đổi) - sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2016.

(SGGP).- Chiều 28-12, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã cung cấp thông tin định kỳ tháng 12 về chủ đề mà hiện dư luận và người lao động cả nước quan tâm, đó là căn cứ và cách tính tiền lương để đóng BHXH theo quy định mới của Luật BHXH (sửa đổi) - sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2016.

Theo ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban thu BHXH Việt Nam, bắt đầu từ ngày 1-1-2016, tỷ lệ đóng BHXH của doanh nghiệp và người lao động vẫn giữ nguyên mức 26% (trong đó 8% là của người lao động), tuy nhiên cấu thành tiền lương làm căn cứ đóng BHXH có nhiều điểm mới và thay đổi so với hiện hành. Trong đó, đối với những lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do đơn vị sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH được áp dụng theo lộ trình được quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật BHXH, gồm: Từ 1-1-2016 đến 31-12-2016 (1 năm), tiền đóng BHXH được tính trên mức lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động (có thêm khoản phụ cấp lương trong khi trước đây chỉ tính trên mức lương cơ bản). Sau đó, từ ngày 1-1-2018 trở đi ngoài mức lương, phụ cấp lương còn có thêm các khoản bổ sung khác cũng được xem là căn cứ để tính tiền đóng BHXH. “Còn đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước, hưởng lương theo hệ số, hiện đang đóng BHXH theo hệ số lương thì từ 1-1-2016 trở đi sẽ được tính tiền đóng BHXH theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động”, ông Trần Đình Liệu cho biết.

Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Minh Huân và ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đều cho rằng, việc bổ sung thêm các khoản thu nhập của người lao động, được gọi là phụ cấp lương và có ghi trong hợp đồng lao động là giải pháp để nâng cao mức lương hưu và các chế độ hỗ trợ phúc lợi cho người lao động khi về già, đến tuổi nghỉ hưu, hết tuổi lao động, tránh tình trạng tại không ít doanh nghiệp, mặc dù thu nhập thực tế của người lao động khá cao nhưng mức lương hưu được nhận khi đến tuổi nghỉ hưu lại rất thấp do mức đóng thấp như hiện nay khi doanh nghiệp chỉ áp dụng mức đóng BHXH cho người lao động trên mức lương cơ bản hoặc lương tối thiểu vùng ghi trong hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Sỹ Lợi, vướng mắc hiện nay là chưa có các nghị định và sau đó là các thông tư hướng dẫn việc triển khai các chính sách mới của Luật BHXH bắt đầu có hiệu lực vào đầu tháng 1-2016. Đồng thời, theo quy định thì khoảng 7.200 doanh nghiệp với 1.171.000 lao động thuộc các doanh nghiệp nhà nước và cổ phần cần phải xây dựng lại thang bảng lương để phù hợp với quy định mới của Luật BHXH. Theo đó, Bộ LĐTB-XH cần phải chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp thống nhất với người lao động về khoản nào là lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác… Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, Bộ LĐTB-XH hiện đang nỗ lực khẩn trương để ban hành sớm nhất thông tư hướng dẫn mức đóng BHXH theo quy định mới của Luật BHXH về tính BHXH dựa trên mức lương và phụ cấp lương để doanh nghiệp và cơ quan bảo hiểm xã hội áp dụng.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục