Dạy con… phòng vệ

Kinh nghiệm - Chia sẻ

“Mẹ ơi, bạn T. bắt con phải cho bạn ấy 20.000 đồng. Con nói rằng mẹ tớ không bao giờ cho tớ tiền khi đi học, muốn mua thứ gì thì xin phép mẹ. Vậy mà bạn ấy lại bảo con ngu quá và không biết cách nói dối để mẹ cho tiền. Nếu không đưa tiền, bạn ấy sẽ nghỉ chơi với con…”. Nghe con gái học lớp 2 kể lại, tôi nhẹ nhàng trấn an con: “Đừng lo lắng, đừng sợ bạn sẽ nghỉ chơi”.

Về đến nhà, tôi giảng giải cho con hiểu việc bạn T. ép mình đưa tiền là sai và bạn ấy không có quyền làm việc đó. Trong lớp có rất nhiều bạn để con chơi và nếu bạn T. không muốn chơi với con thì cũng không sao. Tôi cũng dò hỏi xem bạn T. có bắt ép các bạn khác đưa tiền không thì con trả lời là có, mấy bạn sợ bị nghỉ chơi nên cũng thỉnh thoảng đưa tiền cho T. Sau khi tìm hiểu kỹ càng, tôi hướng dẫn con cách phản ứng lại khi T. yêu cầu đưa tiền. Lúc đầu cháu tỏ ra sợ sệt nhưng nhờ mẹ khuyến khích, động viên, con gái tôi đã dũng cảm nói thẳng với T. là “bạn mà bắt mình đưa tiền, mình sẽ nói với cô chủ nhiệm”. Sự đáp trả thẳng thắn, kiên quyết đó đã có tác dụng và sau đó T. không bắt nạt con gái tôi nữa.

Để giúp cha mẹ T. uốn nắn suy nghĩ non nớt và hành vi chưa đúng của T, tôi gọi điện trao đổi với họ. Họ cũng giật mình khi biết chuyện con mình còn nhỏ mà đã có biểu hiện trở thành “thủ lĩnh” trong lớp, thích ra oai, bắt nạt bạn bè. Hơn nữa họ cũng rút kinh nghiệm không cho con mang theo nhiều tiền khi đi học.

Từ bài học dạy con cách ứng phó với nạn bắt nạt học đường, tôi luôn đồng hành và lắng nghe những gì xảy ra ở trường để giúp con tự vệ, tránh xa cái xấu. Dần dần cháu trở nên mạnh mẽ hơn, biết bảo vệ bản thân và còn hướng dẫn các bạn khác. Khi có các nhóm bạn mâu thuẫn với nhau, con tôi tìm cách giảng hòa và thấy dấu hiệu căng thẳng thì tìm cách báo cho lớp trưởng, giáo viên chủ nhiệm biết.

Để con mình không trở thành nạn nhân bị bắt nạt, bị tổn thương tâm lý từ nạn bạo lực học đường, các bậc cha mẹ hãy gần gũi con, lắng nghe những câu chuyện ở trường, ở sau cổng trường. Từ đó, giúp con tự bảo vệ bản thân, tránh xa những biểu hiện xấu, mất an toàn và dám tố cáo sự thật. Điều quan trọng là giúp con rèn luyện sự dũng cảm, nuôi dưỡng tính trung thực và lòng nhân ái, bao dung, để ứng xử linh hoạt với mọi tình huống có thể xảy ra.

DIỆU ANH

Tin cùng chuyên mục