Bài 1: Quá đà, tai hại

LTS:
Bài 1: Quá đà, tai hại

Mặt trái của mạng xã hội

LTS: Mạng xã hội ra đời đã tạo nên những đột phá mạnh mẽ, nhất là trong việc kết nối thông tin ngày càng nhanh chóng. Không gian mạng rộng mở mang đến nhiều giá trị cho cộng đồng. Tuy nhiên, với mức độ lan truyền nhanh chóng và tính khó kiểm soát của thông tin từ mạng xã hội, đã dẫn đến không ít hệ lụy rất đáng quan ngại.

Từ khi mạng xã hội ra đời, đặc biệt là Facebook, đã xuất hiện hàng loạt những hiện tượng cố tình tạo ra những trò lố lăng nhằm gây chú ý trong dư luận, bất chấp những tác động xấu đến cộng đồng. Cũng từ mạng xã hội, những vấn đề tưởng chừng nhỏ bé, lại được nâng tầm qua những lần like (thích), share (chia sẻ). Và có khi, tác hại từ những cái click chuột ấy để lại là không nhỏ.

Những méo mó từ mạng xã hội Facebook gây tác động xấu đến cộng đồng

Nâng lên được, dìm xuống được

Ngay sau khi mạng xã hội Facebook đăng tải hình ảnh một vị bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) bỏ dép, giẫm một chân lên giường bệnh để thăm khám cho một bệnh nhân lớn tuổi, dư luận đã dậy sóng. Có ý kiến cho rằng, việc một bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân với tư thế khó coi như vậy chứng tỏ là bác sĩ coi thường bệnh nhân và nghề nghiệp. “Cần phải kỷ luật thật nặng, bác sĩ mà không có đạo đức thì không thể làm nghề y”, một ý kiến trên mạng xã hội Facebook phê phán. Với “sức lan tỏa” khủng khiếp, chỉ một ngày sau khi bức ảnh trên xuất hiện trên mạng xã hội, đã có hàng ngàn lượt chia sẻ, tải về và kèm theo đó là hàng ngàn lượt bình luận, chủ yếu là lên án, xỉ vả vị bác sĩ kia. Nhiều báo mạng, qua đó cũng lấy lại tấm ảnh trên, đăng lại và yêu cầu Bệnh viện Đa khoa huyện Lâm Thao phải kỷ luật thích đáng vị bác sĩ “không có y đức” trong ảnh.

Ngay sau đó, bác sĩ T.Q.H. đã giải thích lúc đó bị đau chân, bệnh nhân lớn tuổi bị lãng tai, không có ai hỗ trợ nên bác sĩ phải gác chân lên giường, sát với bệnh nhân để có thể hỏi bệnh, cũng như có thể để xoay lưng bệnh nhân lại thăm khám được kỹ hơn. Tuy nhiên, bức ảnh chỉ ghi lại hình ảnh lúc bác sĩ H. đưa chân lên giường, không có hình ảnh bác sĩ đang hỏi han, chữa trị hay những video clip tương tự nên tác động để lại là quá lớn.

Sau khi truyền thông lên tiếng, với sức ép quá lớn từ mạng xã hội, Sở Y tế Phú Thọ và Bệnh viện Đa khoa huyện Lâm Thao đã quyết định xử phạt thật nặng bác sĩ H. mà không xem xét đầy đủ các yếu tố dẫn đến hành động được cho là “không có y đức” kia. Hội đồng kỷ luật bệnh viện đã quyết định đưa ra hình thức kỷ luật đối với bác sĩ H. là miễn nhiệm chức trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh; không được hưởng chế độ bổ sung thu nhập tăng thêm trong thời hạn 12 tháng (kể từ tháng 6-2015 đến hết tháng 5-2016). Đồng thời, bác sĩ H. cũng buộc phải kiểm điểm sâu sắc trước toàn thể cán bộ bệnh viện.

Đến đây, cũng lại từ mạng xã hội, xuất hiện những lời cảm thán về mức phạt quá nặng với vị bác sĩ H. Nhiều người từng quen biết bác sĩ H. đã nói về những điều tốt đẹp mà anh đã làm được trong cuộc sống và nghề nghiệp; nhiều đồng nghiệp gọi đây là một “tai nạn nghề nghiệp” đáng tiếc và mức xử lý như vậy là quá nặng… “Mạng xã hội thật khủng khiếp, chỉ một bức ảnh mà có thể khiến một người bình thường lên bờ, xuống ruộng”, một người dùng Facebook kết luận.   

Giới trẻ truy cập mạng xã hội mọi lúc mọi nơi, từ quá cà phê đến nơi làm việc. Ảnh: NGỌC TRƯƠNG

“Thánh bóc” và bài học cho sự quá đà

Toàn cảnh vụ việc “gây bão” cộng đồng mạng lớn nhất thời gian qua có thể tóm tắt như sau: Đầu năm 2015, trên mạng xã hội xuất hiện trang fanpage có tên Thánh cô cô bóc với lời giới thiệu: “Chuyên gia bóc và lật tẩy showbiz”. Với những bài viết “hậu trường thâm cung bí sử” của hàng loạt người nổi tiếng như Ngọc Trinh, Khắc Tiệp, Phượng Chanel, Đàm Vĩnh Hưng, fanpage này luôn có tới hàng chục ngàn lượt theo dõi dù đã bị đánh sập nhiều lần. Phần lớn thông tin tế nhị, nhạy cảm của nhân vật bị “bóc” đều chưa được kiểm chứng, cũng không có chứng cứ cụ thể kèm theo. Thế nhưng nó vẫn có sức lan tỏa dữ dội trong cộng đồng mạng và gây ảnh hưởng không ít đến hình ảnh của doanh nhân, nghệ sĩ. Trong suốt quá trình tồn tại, Thánh cô cô bóc chưa bao giờ lộ diện nên thân thế của “thánh cô” luôn khiến nhiều người thắc mắc. Chính vì thế, thông tin Thánh cô cô bóc bị khám xét nhà và bắt giữ khẩn cấp ngày 11-6 gây sững sờ cho không ít người. Theo đó, Thánh cô cô bóc tên thật là Trần Thị Hương Giang, ngụ tại một ngõ sâu trên đường La Thành, quận Ba Đình, Hà Nội. Người này bị bắt khẩn cấp vì hành vi “lợi dụng tự do ngôn luận xâm phạm lợi ích hợp pháp của công dân”.

Tiếp đó, chiều 18-6, trong chuyên án triệt phá “Tập đoàn Thánh bóc”, cơ quan CSĐT đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp thêm đối tượng Nguyễn Thị Lan Phương, quê Điện Biên, thường trú tại Hà Nội. Trong đường dây “tập đoàn Thánh bóc”, Phương sử dụng tên Minh Minh Phan. Phương bị cơ quan CSĐT, Bộ Công an điều tra hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, quyền tự do báo chí, tự do hội họp, đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân”, theo Điều 258, Bộ luật Hình sự.

Vụ việc coi như tạm khép lại khi các thành viên bị bắt và “tập đoàn” này cũng lên tiếng xin lỗi những người liên quan và tuyên bố đóng cửa Facebook riêng. Tuy nhiên, dư luận vẫn tiếp tục quan tâm đến kết quả xử lý các đối tượng liên quan, bởi qua đó sẽ góp phần cảnh báo những trường hợp tương tự, góp phần làm lành mạnh hóa môi trường mạng xã hội, vốn ngày càng trở nên quan trọng trong đời sống mà sự gắn kết với công nghệ internet đã trở nên không thể thiếu như hiện tại.

Đi kèm với những thông tin, bức ảnh không được kiểm chứng trên các mạng xã hội để lại hậu quả nghiêm trọng, một vấn đề khác cũng được đặt ra, đó là trang thông tin của những nhà mạng với những nội dung thông tin theo kiểu “tích hợp” không thể kiểm soát. Vào trang https://vn.yahoo.com ngày 27-6, ngay trang nhất là một rừng những thông tin “trời ơi đất hỡi”: Chú khỉ đột đẹp trai nhất đến mức các cô gái ồ ạt đến thăm sở thú; Giới trẻ khỏa thân ở vườn nho khiến người dân phát hoảng; Vợ nhiệt tình tác hợp chồng cho kẻ thứ ba; “Tôi có vợ rồi, có thai thì phá chứ sao?”; Vì sao ngày càng nhiều người bị “tắt sex?”… Với những trang mạng đăng tải thông tin kiểu này, không rõ vai trò của những nhà quản lý nhà nước về lĩnh vực này ở đâu?

GIA BÌNH - DIỆU THUẬN

Tin cùng chuyên mục