Hà Tĩnh: Nhiều xã vẫn ngập trong biển nước

 Cứu sống 2 học sinh bị lũ cuốn trôi
Hà Tĩnh: Nhiều xã vẫn ngập trong biển nước

(SGGPO).- Sáng nay 16-10, tại địa bàn các xã vùng trên như, Hương Đô, Phúc Trạch, Hương Trạch… thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh nước lũ đã rút xuống, tranh thủ lúc trời tạnh mưa, người dân và chính quyền địa phương đang tập trung triển khai công việc khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh môi trường sau lũ. 

Hà Tĩnh: Nhiều xã vẫn ngập trong biển nước ảnh 1

Dọn dẹp vệ sinh sau lũ tại Trường Tiểu học Hương Trạch, xã Hương Trạch, Hương Khê

Cũng trong buổi sáng, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, Đồn Biên phòng Phú Gia, Đồn Biên phòng Bản Giàng, đoàn thanh niên huyện Hương Khê đã có mặt tại các xã vùng trên của huyện Hương Khê để giúp đỡ bà con nhân dân khắc phục hậu quả, nước rút đến đâu dọn dẹp vệ sinh đến đấy để sớm ổn định lại đời sống.

Trong khi đó tại các xã vùng thấp trũng của huyện Hương Khê, như Hương Thủy, Hương Giang, Hà Linh, Phúc Đồng, Gia Phố… mực nước lũ vẫn đang ngập cao, nhiều thôn xóm, trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế bị nước lũ cô lập. Theo ghi nhận của phóng viên SGGP, trong sáng 16-10, tại địa bàn xã Phương Điền, Phương Mỹ, huyện Hương Khê, tình hình diễn biến mưa lũ vẫn đang phức tạp, toàn bộ đồng ruộng, đường giao thông đều bị ngập nước trắng xóa, sâu từ 2-3m, thậm chí có nhiều nơi bị ngập 5-6m, hàng trăm ngôi nhà dân, trường học, trụ sở UBND xã, trạm y tế bị chia cắt cô lập hoàn toàn với bên ngoài, phương tiện đi lại bằng thuyền nhỏ.

Nhà dân ở vùng rốn lũ Phương Mỹ, huyện Hương Khê vẫn ngập chìm trong biển nước

Ông Nguyễn Văn Ninh, Chủ tịch UBND xã Phương Điền cho biết, toàn xã có có 600 hộ dân với 2.296 nhân khẩu, đến thời điểm này vẫn còn 50 hộ dân bị ngập sâu trong nước từ 2-3m, còn phía ngoài đường và đồng ruộng bị ngập sâu 5-6m. Đến trưa 16-10 nước lũ tuy đã có dấu hiệu rút xuống, nhưng rất chậm chỉ được khoảng 20-30cm, dự kiến khoảng 5-7 ngày nữa thì nước lũ tại địa bàn mới có thể rút hết nếu như Nhà máy thủy điện Hố Hô không tiếp tục xả lũ. Hiện tại khó khăn nhất của người dân Phương Điền là thiếu nước sạch, các nhu yếu phẩm khác.

Cũng trong sáng 15-10, nhiều đoàn từ thiện trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh đã mang theo hàng ngàn thùng mì tôm trực tiếp đến hỗ trợ cho người dân vùng lũ ở xã Phương Điền, Phương Mỹ… huyện Hương Khê.

Tiếp nhận hàng cứu trợ người dân vùng lũ ở xã Phương Mỹ, Phương Điền, huyện Hương Khê

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện chỉ đạo chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, lũ; đặc biệt tập trung cho công tác cứu hộ, sơ tán dân cư vùng nguy hiểm, bị cô lập đến nơi an toàn; tổ chức chi viện lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân, tuyệt đối không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm, nước uống. Tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm người bị mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại. Tổ chức kiểm tra, canh gác, hướng dẫn giao thông tại các bến đò dọc, đò ngang, các ngầm qua sông suối để tránh xảy ra các trường hợp thiệt hại về người do bất cẩn. Sẵn sàng phương án chuẩn bị "4 tại chỗ" tại các địa phương, đơn vị để chủ động cung ứng khi cần thiết.

Cùng với tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, chuẩn bị phòng chống bão số 7 - Sarika, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đang chuẩn bị ứng phó với xả tràn hồ Kẻ Gỗ. Theo lãnh đạo UBND huyện Cẩm Xuyên, theo công điện của UBND tỉnh Hà Tĩnh, lúc 7 giờ ngày 17-10-2016, hồ Kẻ Gỗ sẽ xã tràn với lưu lượng 200 - 300m3/s tùy theo thời tiết. Huyện Cẩm Xuyên đang chuẩn bị các phương án ứng phó theo tinh thần “4 tại chỗ”, lên phương án chi tiết cho việc di dời tại chỗ 1.914 hộ dân (3.700 nhân khẩu) vùng trũng đến nơi tránh trú an toàn; chuyển đàn gia súc, gia cầm đến các gò cao, huy động lực lượng giúp dân dời chuyển, kê cao tài sản, đồ dùng vật dụng gia đình tránh không bị ngập trong nước; chủ động bố trí lực lượng canh gác, cảnh giới, hướng dẫn giao thông, bảo vệ an toàn người và phương tiện khi tham gia giao thông trên địa bàn.

 Cứu sống 2 học sinh bị lũ cuốn trôi

Sáng 15-10, em Nguyễn Hùng Bá và Võ Văn Đạt (học sinh lớp 8, Trường THCS Vũ Diệm, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) chở nhau bằng xe đạp điện đến lớp. Khi đến đoạn qua cầu Đồng Huề, thôn Đông Huề, xã Vượng Lộc thì ngã xe và bị nước lũ cuốn trôi cả người và phương tiện.

Lúc này, anh Võ Phong (34 tuổi, trú tại thôn Đông Huề, xã Vượng Lộc) đang đi đánh bắt cá ở gần đó nghe thấy tiếng kêu cứu đã chạy đến nhảy xuống bơi ra kịp thời cứu sống được em Bá đưa lên bờ. Cùng lúc, anh Võ Huân (28 tuổi, cán bộ đoàn xã Vượng Lộc) đang đi kiểm tra tình hình mưa lũ ở gần đó nghe tiếng kêu cứu cũng chạy đến nhảy xuống dòng nước lũ bơi ra cứu được em Đạt  đưa vào bờ an toàn.

  
DƯƠNG QUANG
 

Tin cùng chuyên mục