Con gái tuổi “giày thủy tinh”

Dạo này con gái thức khuya, cứ viết cái gì cả đêm. Mẹ hỏi thì nói: “Cô cho nhiều bài lắm”. Để ý, mẹ thấy không bình thường. Mỗi lần mẹ đi ngang là chuyển sang tập vở khác, hay cố tình như đang soạn tìm một thứ gì đó. Tính tình thất thường, nói năng bắt đầu chướng, mang tính thách thức, như kiểu “con thích, đã làm sao”, “ai khiến mẹ quan tâm”, “con đâu cần mẹ thương quá như thế”, “đủ rồi, mẹ nói nhiều thế, sao mẹ không chán”... Mẹ buồn, có giận thì con giả điếc, làm ngơ như không thấy, không biết, không nghe.

Gần sáng, con mệt quá mới đi ngủ. Mẹ bật dậy, ra bàn học, mò mẫm tìm xem con có để lại dấu tích gì, chỉ thấy máy vi tính chưa tắt. Cảm giác có gì đó con giấu giếm. Đứa con gái vốn hồn nhiên, vô tư, bây giờ thành một đứa bí ẩn. Tâm lý cha mẹ khi không kiểm soát được con thật khó chịu. Tất cả mọi hoạt động và những chuyển biến trên gương mặt con mỗi ngày bị mẹ quan sát và để ý nhiều hơn. Những câu hỏi soi mói không  tránh được. Càng soi mói, mẹ càng bị con phản ứng. Sự bất hòa giữa hai phía tăng theo cấp số nhân. Con như muốn xa lánh. Bức tường vô hình giữa mẹ và con được dựng lên từ lúc nào.

Tuổi 14 đến 17, con như đang đi trên đôi giày thủy tinh. Con muốn được khẳng định thế giới riêng của mình và con không cho ba mẹ quyền áp đặt quá nhiều như trước. Khái niệm con ngoan phải biết nghe lời đã bắt đầu lung lay. Làm sao đây khi bạn thấy tất cả những hành xử của mình với con lúc này là hợp lý và cần  thiết? Ngược lại, con của bạn lại cảm thấy bị bức bối, tổn thương và tìm mọi cách để tránh sự kiểm soát của cha mẹ, để khẳng định cái tôi của bản thân. Nguy cơ khác biệt hai thế hệ trở thành sự chống đỡ lẫn nhau. Con luôn cảm thấy cha mẹ không hiểu mình và ngược lại cha mẹ chỉ thấy con ngu ngốc, thậm chí hỗn láo. Con cái đang tuổi phát triển, nhiều thay đổi còn cha mẹ cũng ở tuổi mãn chiều, khó tính hơn. Điều này lý giải vì sao nhiều gia đình đến khúc này cha mẹ bất hòa với con cái và càng đẩy con cái ra xa mình.

Yêu con là một chuyện, để hiểu con đôi khi cha mẹ phải rất cố gắng, rất nhẫn nại, gỡ rối cho con từng chút một, từ từ lái con đò chòng chành đi qua khúc sông khó. Hãy đặt mình vào cảm xúc của con, hãy coi con như bạn. Hai người bạn đang cùng gặp một hoàn cảnh, hay chí ít con cũng giống bạn hồi đó, để con mở lòng, giãi bày những bí mật mà con đang muốn giấu. Bạn làm sao cho con thấy việc đó mẹ hiểu và mẹ là người chịu nghe con nhiều nhất. Đừng vội vì những cuộc đối thoại đầy bất mãn của cả hai mà làm cha mẹ và con cái xa nhau hơn.

HẠNH TRANG

Tin cùng chuyên mục