Siết chặt quản lý tài sản cho, biếu, tặng

Số “đẹp” là tài sản công

(SGGPO).- Sáng 4-4, tiếp tục chương trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, hội nghị đã thảo luận về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến là các quy định về quản lý, sử dụng tài sản được cho, biếu, tặng. 

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, pháp luật hiện hành (cụ thể là Quyết định 64/2006/QĐ-TTg, Nghị định 29/2014/NĐ-CP) đã nêu cụ thể điều kiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước được nhận và không được nhận quà tặng; xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với quà tặng; xử lý quà tặng trong trường hợp việc tiếp nhận phù hợp về đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị chỉ được nhận quà tặng theo đúng quy định của pháp luật, đối với quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng thì đại diện cơ quan, đơn vị phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự thảo luật này quy định việc giao tài sản công cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phải phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản (khoản 2 Điều 28, khoản 1 Điều 48), thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, đồng thời giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, trong đó có tài sản do các tổ chức, cá nhân cho, tặng các cơ quan, đơn vị của Nhà nước.

“Bên cạnh đó, cũng nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp nhận các tài sản cho/biếu/tặng trong thời gian vừa qua tuy không nhiều, nhưng có một số trường hợp đã bị lợi dụng gây dư luận không tốt, việc thực hiện các quy định của pháp luật (Nghị định của Chính phủ) chưa nghiêm. Do đó, cần bổ sung các quy định về điều kiện được tiếp nhận, xử lý đối với các loại tài sản cho/biếu/tặng tại văn bản dưới luật vào dự thảo luật, theo hướng: nghiêm cấm tiếp nhận đối với tài sản là ô tô và phương tiện làm việc cho cá nhân dưới hình thức cho/biếu/tặng”, ông Hải giải trình và cho biết thêm, loại ý kiến này đề nghị chỉ cho phép tiếp nhận các loại tài sản trên để phục vụ cho hoạt động từ thiện, nhân đạo và các loại tài sản chuyên dùng như: xe chuyên dùng phục vụ cấp cứu, văn hóa xã hội, thể thao, nghiên cứu khoa học, phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai....

Phát biểu tại phiên họp, ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đồng tình với quan điểm cho rằng, dự thảo luật cần phải quy định chặt chẽ hơn vấn đề này, bởi ranh giới cho việc sử dụng tài sản được cho/ biếu/ tặng vào mục đích công và nhu cầu cá nhân trong những trường hợp này rất khó xác định, dễ nảy sinh những vấn đề tiêu cực. “Nếu là doanh nghiệp tặng, cho tài sản thì sẽ phát sinh tình trạng đối xử mất công bằng giữa các doanh nghiệp trong cùng tham gia một dự án, trên cùng một địa bàn”, ĐB Nhưỡng bình luận. Theo ông Nhưỡng, cần phải quy định rõ cả mục đích sử dụng và có thể đưa các tài sản này vào hệ thống đấu giá để thực hiện công tác xã hội, từ thiện…

Tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích thêm, việc nhận các quà tặng, quà biếu của các tổ chức trong và ngoài nước, hay qua hình thức ODA cho mục đích an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo là hết sức bình thường. Tuy nhiên, thời gian qua dư luận băn khoăn chủ yếu là các trường hợp biếu tặng ô tô, những trường hợp này sẽ được áp dụng theo các quy định, thủ tục về xác lập tài sản nhà nước, theo định mức, chế độ đã quy định. Cơ quan soạn thảo, thẩm tra sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật để ngăn chặn tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật. 

 Số “đẹp” là tài sản công

“Một số ý kiến đề nghị bổ sung số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp, quyền sở hữu trí tuệ, tài sản vô hình, thương hiệu, cơ sở dữ liệu... vào nội dung phân loại tài sản công tại Điều 4. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung vào khoản 6 Điều 4 của Dự thảo luật tài sản công là “kho số khác phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật”. Một số loại tài sản công cụ thể như cơ sở dữ liệu, thương hiệu, tài sản vô hình... xin cho thể hiện tại các điều khoản cụ thể khi quy định về chế độ quản lý, sử dụng của từng loại tài sản”.

Trích dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)

 ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục