Xây dựng thương hiệu làng mai Bình Lợi - Bình Chánh

Nhiều năm nay nông dân ở xã Bình Lợi đã bỏ cây mía, chuyển dần sang trồng mai vàng và đang từng bước tạo nên thương hiệu làng mai Bình Lợi - Bình Chánh. 
Xây dựng thương hiệu làng mai Bình Lợi - Bình Chánh ảnh 1 Hoa mai vàng Bình Lợi - Bình Chánh 
Xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TPHCM) là xã thuần nông, đất sản xuất nông nghiệp là đất phèn, nguồn nước tưới chủ yếu là sông rạch tự chảy theo thủy triều, người dân ở đây trước giờ đa số là trồng mía. Những năm gần đây, do trồng mía cho thu nhập thấp và giá cả bấp bênh, chủ trương của TP là khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao giá trị kinh tế. 
Từ chủ trương này, nhiều năm nay nông dân ở xã Bình Lợi đã bỏ cây mía, chuyển dần sang trồng mai vàng và đang từng bước tạo nên thương hiệu làng mai Bình Lợi - Bình Chánh. Thương hiệu này không chỉ được tạo nên bởi những hộ trồng mai với diện tích lớn, mà còn bởi sự nhạy bén nắm bắt thị trường và tập trung sản xuất giống mai “đặc trưng” của những hộ dân ở đây. 
Ông Trương Thái Ngọc, Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, cho biết xã có hơn 1.500ha đất nông nghiệp, trong đó có 249ha/147 hộ trồng mai vàng, thu nhập bình quân khoảng 500 triệu đồng/ha/năm. Những năm qua, cây mai đã đem lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho nông dân Bình Lợi. Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn xã bán được khoảng 70ha mai thành phẩm, thu nhập trên 100 tỷ đồng/năm/toàn xã. Không dừng lại ở đó, hiện xã đang có chủ trương kêu gọi nông dân tiếp tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng không hiệu quả sang trồng mai vàng. Bởi đây là nguồn thu chính của nhiều nông dân quanh vùng, tạo động lực phát triển kinh tế gia đình và góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng vững mạnh hơn.
Để hỗ trợ việc trồng mai ngày đạt chất lượng về kỹ thuật, giống và nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, cuối năm 2017, Trung tâm Khuyến nông TPHCM đã hỗ trợ 27 hộ nông dân trồng mai Bình Lợi - Bình Chánh thực hiện cơ giới hóa máy phun thuốc trên cây mai. Sau khi nhận máy và sử dụng, nhiều hộ nông dân ghi nhận đã tiết kiệm được nhiều chi phí về thời gian, công lao động, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng và chi phí khác trong quá trình sản xuất rất nhiều.
Ông Võ Ngọc Đẹp, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM, lưu ý: “CLB cần quan tâm nâng giá trị cây mai (như tạo dáng mai, đa dạng, phù hợp nhu cầu thị trường), tiến tới xây dựng thương hiệu mai Bình Lợi - Bình Chánh. Đồng thời, tổ chức các hội hoa xuân mai vàng Bình Lợi vào những năm tới, để giới thiệu về giống mai đặc trưng của địa phương. Đây là mô hình chuyển đổi cây trồng gắn liền với xây dựng nông thôn mới đã mang lại hiệu quả, giúp người trồng mai có đời sống khá hơn, tạo cho địa phương có sự phát triển. Từ đó tác động đến nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường, tiến đến xây dựng nền nông nghiệp TP nói chung và cây mai vàng của địa phương nói riêng ngày càng có lợi nhuận cao”.

Tin cùng chuyên mục