Xây dựng vùng rau an toàn

Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) là một trong những xã phát triển mạnh về diện tích trồng rau cho TPHCM. Do đó, Sở NN-PTNT đã phối hợp với địa phương xây dựng nhiều vùng rau an toàn trên địa bàn xã. 
Tổ sản xuất rau an toàn ấp Đình (tiền thân của Công ty TNHH Sản xuất rau an toàn Tân Trung) là một trong những tổ hợp tác đầu tiên được thành lập (tháng 9-1997) mà người đứng đầu làm cầu nối giúp nông dân phát triển kinh tế là anh Nguyễn Hoàng - hiện là giám đốc công ty.
“Ngay những ngày đầu thành lập, tôi luôn tâm huyết việc phải bảo vệ và đưa lợi ích của nông dân lên hàng đầu. Chính điều này đã giúp tôi có thể kết nối các hộ thành một tập thể lớn. Đây là bước đệm vững bền cho sự ra đời của công ty mà chúng tôi đã và đang có”, anh Hoàng tâm sự. 
Xây dựng vùng rau an toàn ảnh 1 Trung tâm Khuyến nông TPHCM xem chất lượng cơ giới hóa trên mô hình trồng rau ăn lá của một thành viên trong Công ty Tân Trung
Ra đời với mục đích tạo sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các thành viên, ban đầu Tổ sản xuất rau an toàn ấp Đình có 5 thành viên, do anh Nguyễn Hoàng làm tổ trưởng. Đến năm 2002, tổ được nâng cấp và đổi tên thành Liên tổ sản xuất rau an toàn Tân Trung, với gần 100 xã viên của 5 tổ hợp tác (tổ sản xuất ấp Đình, tổ ấp Xóm Đồng, tổ ấp Bến Đò, tổ ấp Giòng Sao và tổ ấp Cây Da). Liên tổ có tổng diện tích đất sản xuất 60ha, trong đó 50ha trồng rau ăn quả (bầu, bí, dưa leo, khổ qua, đậu bắp…) và 10ha trồng rau ăn lá (mồng tơi, dền, cải xanh, cải ngọt…). Anh Nguyễn Hoàng vẫn là người quản lý, làm cầu nối giữa nông dân với các đơn vị thu mua. 
Năm 2008, Liên tổ sản xuất rau an toàn Tân Trung được các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT TPHCM (Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Kiểm định giống cây trồng vật nuôi, Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp…) hỗ trợ tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn; hỗ trợ kết nối giữa liên tổ với các doanh nghiệp thu mua tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ trang thiết bị xây dựng nhà sơ chế, bao bì đóng gói…
Đến năm 2009, Liên tổ sản xuất rau an toàn Tân Trung nhận được sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Canada (CIDA), thành lập nhà sơ chế đóng gói theo dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản, giúp các xã viên xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng.
Với vai trò tổ trưởng, anh Hoàng chủ động liên hệ và ký hợp đồng cùng các đơn vị tiêu thụ sản phẩm; đồng thời vận động bà con có kế hoạch gieo trồng cụ thể, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu rau cung ứng cho đối tác. Anh Nguyễn Hoàng còn là người đi đầu trong việc tiếp cận thị trường, giúp bà con sản xuất đa dạng nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Theo đó, mỗi ngày các xã viên cung cấp cho đối tác (hệ thống Co.opmart, các công ty, bếp ăn tập thể trên địa bàn TP) gần 3,5 tấn rau củ quả. Nhưng quá trình đô thị hóa ngày càng cao, kéo theo nguồn nhân lực trẻ “đầu quân” về nội thành tham gia các ngành công nghiệp (như may mặc, cơ khí…), vì thế số xã viên giảm đi rất nhiều. Để củng cố hoạt động sản xuất rau an toàn, anh Hoàng và các thành viên khảo sát, chọn ra những hộ có nhu cầu gắn bó với cây rau, cùng chung tay xây dựng tập thể lớn mạnh; cuối cùng chốt con số thành viên cho liên tổ là khoảng 40 người. Sau đó, mọi người quyết định nâng cấp liên tổ rau thành Công ty TNHH Sản xuất rau an toàn Tân Trung.
Hiện nay, công ty có gần 50 hộ đăng ký với diện tích 27ha, trong đó có 7ha trồng rau ăn lá, 20ha trồng rau ăn quả và 10 hộ trồng rau theo thời vụ; mỗi ngày cung cấp 3,5 - 5 tấn sản phẩm cho đơn vị thu mua. Qua đó, người trồng rau thu lãi 9 triệu đồng/tháng/ha.
Anh Nguyễn Hoàng cho biết: “Có được thành quả như hôm nay là nhờ sự mạnh dạn của xã viên và bà con nông dân trong việc thay đổi tập quán canh tác, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất theo chương trình tập huấn, tạo sản phẩm an toàn. Nhờ vậy đã xây dựng được niềm tin, hợp tác lâu dài, bền vững giữa những thành viên trong công ty và các kênh siêu thị, doanh nghiệp tiêu thụ”.

Tin cùng chuyên mục