Xuất khẩu hàng hóa: Khai thác cơ hội từ các kênh phân phối

Tại Hội nghị Tham tán thương mại năm 2016 khu vực phía Nam do Bộ Công thương vừa tổ chức, hầu hết ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp (DN) cho rằng, họ đang gặp rất nhiều khó khăn bởi những quy định mới từ các nước sở tại. Nếu không có sự tháo gỡ kịp thời, chắc chắn hàng hóa bị ứ đọng, còn DN sẽ mất thị trường.
Xuất khẩu hàng hóa: Khai thác cơ hội từ các kênh phân phối

Tại Hội nghị Tham tán thương mại năm 2016 khu vực phía Nam do Bộ Công thương vừa tổ chức, hầu hết ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp (DN) cho rằng, họ đang gặp rất nhiều khó khăn bởi những quy định mới từ các nước sở tại. Nếu không có sự tháo gỡ kịp thời, chắc chắn hàng hóa bị ứ đọng, còn DN sẽ mất thị trường.

Người dân Pháp đang dùng thử sản phẩm của Việt Nam trưng bày tại Tuần hàng Việt Nam tại Pháp. Đây là các xúc tiến hiệu quả để hàng Việt tăng khả năng thâm nhập thị trường. Ảnh: CTV

Thêm nhiều quy định mới

Theo bà Tô Tuệ Lan, Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Bình Thuận, thời gian gần đây, các DN xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu gặp phải rất nhiều rủi ro. Trong đó, rủi ro lớn nhất là về thanh toán vì hiện vẫn chưa có đơn vị thứ 3 hỗ trợ DN thanh toán theo hình thức D/P. Các DN châu Âu, đặc biệt là DN Ý thường ép DN xuất khẩu phải chấp nhận hình thức giao hàng trước từ 15-30 ngày sau đó mới thanh toán, chỉ cần một chuyến đối tác không trả tiền đúng hẹn, DN sẽ phải điêu đứng vì trị giá mỗi đơn hàng thường lên tới hàng trăm triệu USD.

Mặt khác, vấn đề bảo hiểm cũng đang trở nên nóng bỏng. Mặc dù các DN đều mua bảo hiểm cho tất cả các lô hàng nhưng khi xảy ra sự cố lại không được bảo hiểm và DN không biết cầu cứu ai. Đặc thù của xuất khẩu thủy sản đi container đông lạnh, vì vậy DN phải chịu rủi ro liên quan đến nguồn điện cung cấp để đảm bảo đông lạnh, trong khi cơ quan bảo hiểm không giải quyết các trường hợp liên quan đến nhiệt độ khi vận chuyển. Riêng đối với mặt hàng sò điệp là đặc sản của tỉnh Bình Thuận, có rất nhiều lợi thế vì chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh, thì nay cũng điêu đứng do các đối tác đưa ra quy định mới về thời gian chế biến. Theo bà Tô Tuệ Lan, hiện mặt hàng sò điệp đang trong tình trạng ứ đọng, không thể xuất khẩu được. Việc kiểm tra các chỉ tiêu và giám sát khắt khe của nhà nhập khẩu ngay tại các vùng đánh bắt cũng khiến DN gặp nhiều khó khăn. Nếu chính phủ và các bộ, ngành không có những cuộc tiếp xúc với các quốc gia nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm tránh nguy cơ mất thị trường.

Là mặt hàng đang có nhiều thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu, tuy nhiên theo ông Phan Minh Thông, Công ty cổ phần Phúc Sinh, một trong những DN xuất khẩu tiêu lớn nhất Việt Nam, mặt hàng tiêu đang gặp nhiều vấn đề, nổi bật là vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu trong sản phẩm. Ông Thông cho rằng, DN xuất khẩu chỉ có thể làm tốt các quy trình chế biến sạch, còn hạn chế dư lượng thuốc trừ sâu phải bắt đầu từ khâu trồng trọt, tồn trữ. Chính vì việc không thể chủ động giải quyết được vấn đề này nên xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Mỹ và châu Âu trong năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn.

Tương tự, với mặt hàng gạo, nhiều DN cho biết, xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ hiện đang gặp khó khăn và rủi ro lớn vì không biết được danh mục và hạn mức các chất cấm mà Mỹ quy định đối với gạo. Gạo xuất khẩu vào Mỹ của các DN bị thụ động, phụ thuộc hoàn toàn vào sự phán quyết của cơ quan hải quan Mỹ, nếu cơ quan này kiểm định đạt yêu cầu thì DN được giao cho khách hàng, nếu không phải mang về.

Về vấn đề này, ông Đào Trần Nhân, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, thừa nhận, gần đây nước này có rất nhiều quy định mập mờ khiến bản thân ông Nhân cũng không thể hiểu cụ thể để báo cáo cho Bộ Công thương. Tuy nhiên, để tránh rủi ro ở mức thấp nhất, riêng về lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, DN cần xem lại các luật, giữ lại hồ sơ các lô hàng, cần sẵn sàng đáp ứng yêu cầu kiểm tra tại chỗ của Hoa Kỳ. Nếu DN từ chối việc kiểm tra, chắc chắn sẽ không xuất khẩu được vào nước này. Mặt khác, hồ sơ cũng luôn trong tư thế đảm bảo rằng sản phẩm sản xuất là an toàn đối với người tiêu dùng.

Tận dụng lợi thế

Bên cạnh những quy định, rào cản mới từ các thị trường, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn vì phải xuất khẩu qua khâu trung gian. Bất cập của hình thức phân phối qua trung gian là ký hợp đồng xuất khẩu xong DN không biết hàng hóa của mình được phân phối tại đâu. Thậm chí, nhiều mặt hàng còn không được in nhãn mác sản xuất tại Việt Nam. Vì không nắm được hàng hóa bán ở đâu nên DN không tiếp cận, nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, không thay đổi kịp theo thị hiếu người tiêu dùng và không cạnh tranh được với hàng hóa của các quốc gia khác.

Theo tính toán của ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, hiện nay hàng Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài phần lớn qua khâu trung gian thay vì xuất khẩu trực tiếp vào chuỗi phân phối. Điển hình như mặt hàng cà phê 90%; đồ gỗ 80%; da giày hơn 70%… Xuất khẩu qua khâu trung gian không tạo ra giá trị thương hiệu, sản phẩm của DN bị ép giá, dẫn đến DN không chú trọng về chất lượng, mẫu mã nên giảm giá trị cạnh tranh trên thị trường.

Để hàng Việt Nam có thể tiếp cận được hệ thống phân phối thế giới, Bộ Công thương đã xây dựng Đề án Thúc đẩy DN Việt tham gia trực tiếp mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 3-9-2015.

Mục tiêu của đề án là tăng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp hàng Việt Nam thông qua các mạng lưới phân phối lớn của nước ngoài mở chi nhánh tại Việt Nam như Big C, Aeon, Lotte Mart, Metro; thúc đẩy, mở rộng xuất khẩu trực tiếp hàng Việt Nam thông qua các mạng phân phối lớn khác như Walmart, Carefour; phấn đấu giảm tỷ trọng xuất khẩu qua trung gian đối với các mặt hàng cà phê, dệt may, da giày, đồ gỗ. Trong đó cà phê xuống dưới 80%, đồ gỗ còn khoảng 50%. Trong 2 năm 2014 và 2015, nhiều DN phân phối đã làm rất tốt việc đưa hàng Việt vào bán trong các hệ thống siêu thị tại nước ngoài.

Tại buổi làm việc với Bộ Công thương về chủ đề này, phần lớn các tham tán thương mại khẳng định, nội dung, mục tiêu của đề án rất thiết thực. Tuy nhiên, để đưa hàng Việt vào chuỗi phân phối nước ngoài hiệu quả, cần đưa đề án này vào chương trình trọng điểm quốc gia, coi đó là một mục tiêu để phấn đấu. Ngoài ra, DN Việt cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ tất cả các khâu, chuẩn bị hàng mẫu, cho đến cách thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Ở mỗi thị trường khác nhau, yêu cầu hàng hóa có những tiêu chuẩn khác nhau. Do đó, muốn hàng Việt ra nước ngoài thuận lợi, DN cần có những cách tiếp cận phù hợp với từng thị trường. Để tạo thuận lợi cho DN, các cơ quan chức năng cần giảm thiểu thời gian, thủ tục hành chính về thủ tục hải quan, tạo điều kiện cho hàng hóa được thông quan dễ dàng.

Hội nhập cũng đồng nghĩa với các rào cản thuế quan được dỡ bỏ, thay vào đó hàng rào thương mại ở mỗi quốc gia sẽ mọc lên ngày càng nhiều nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. Việt Nam đang ở trong tiến trình hội nhập rất sâu rộng, nếu DN không vượt qua được các hàng rào thương mại, chắn chắn sẽ khó phát triển trong giai đoạn mới.

KIM CHUNG

Tin cùng chuyên mục