Dịch cúm A/H1N1 tại Việt Nam-Thêm 2 trường hợp nhiễm bệnh

Máy đo thân nhiệt không phát hiện được ca bệnh
Dịch cúm A/H1N1 tại Việt Nam-Thêm 2 trường hợp nhiễm bệnh

Ngày 1-6, lãnh đạo Bộ Y tế đã trực tiếp làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người TPHCM, Sở Y tế và các bệnh viện đang cách ly, giám sát các ca nhiễm cúm A/H1N1 về công tác phòng chống, điều trị dịch bệnh này.

Máy đo thân nhiệt không phát hiện được ca bệnh

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn (trái) tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Tg.Lâm

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn (trái) tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Tg.Lâm

Theo báo cáo của BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân T., ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên tại Việt Nam, BV đã cách ly và tiến hành các bước xét nghiệm đúng quy trình. Sau khi kết quả cho dương tính với virus cúm A/H1N1 đã áp dụng ngay phác đồ điều trị mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban hành.

BS Trần Tịnh Hiền, PGĐ bệnh viện, cho biết kiểm tra dịch hầu vào sáng qua, bệnh nhân T. đã có phản ứng âm tính với cúm A/H1N1 và không còn sốt. Tuy nhiên, vẫn tiếp tục theo dõi sát sao sức khỏe của bệnh nhân.

BS Nguyễn Văn Châu, GĐ Sở Y tế TPHCM, cũng đã báo cáo Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn chi tiết về các biện pháp cách ly giám sát khẩn cấp đối với những người đã tiếp xúc với bệnh nhân T., kể cả người thân trong gia đình và một số hành khách đi cùng chuyến bay với bệnh nhân từ Mỹ về Việt Nam ngày 26-5 vừa qua.

Theo bệnh nhân T., trước khi về Việt Nam, anh có đến nhà một số bạn bè tại Mỹ (trong đó có 5 người Việt Nam) để chào từ biệt. Sau khi khởi hành từ Chicago và quá cảnh tại Hồng Công (Trung Quốc), anh thấy khó chịu trong người do nóng sốt, ho, mệt mỏi. Về đến Việt Nam, anh có khai báo các triệu chứng chảy nước mũi, ho trong tờ khai tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, khi đi qua máy đo thân nhiệt của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đặt tại cửa khẩu sân bay thì không phát hiện ra anh đang bị bệnh!

Về việc máy đo thân nhiệt không phát hiện được trường hợp của bệnh nhân T., Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn cho rằng máy đo thân nhiệt chỉ có thể phát hiện những trường hợp nghi ngờ khi họ có biểu hiện thân nhiệt cao. Tuy nhiên, trong 2 đến 3 ngày đầu mắc cúm A/H1N1, dù thân nhiệt chưa cao, bệnh nhân vẫn có khả năng lây bệnh. Mặt khác, có những trường hợp lúc vừa đến Việt Nam đang trong thời gian ủ bệnh và hôm sau hoặc vài ngày sau mới phát sốt, có biểu hiện lâm sàng nhiễm bệnh.

Thêm 2 mẹ con dương tính với cúm A/H1N1

Chiều 1-6, BS Nguyễn Văn Châu, GĐ Sở Y tế TPHCM, thông báo đã có thêm 2 trường hợp dương tính với virus cúm A/H1N1. Đó là 2 mẹ con chị N.T.N.P (41 tuổi) và cháu trai N.H.H (9 tuổi), Việt kiều Mỹ ngụ tại P10, Q8, TPHCM.

Trước đó, 2 mẹ con đã bay từ California (Mỹ) và quá cảnh tại Hàn Quốc trên chuyến bay OZ731, nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 26-5. Đến ngày 30-5, cháu H. phát sốt, mệt mỏi, chán ăn nên ngày hôm sau (31-5) được đưa đến BV Nhi đồng 1 kiểm tra sức khỏe. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và cho kết quả đã nhiễm cúm A/H1N1.

Ngay lập tức, lãnh đạo BV Nhi đồng 1 thông báo cho Sở Y tế TPHCM và được chỉ đạo lấy thêm mẫu bệnh phẩm của người mẹ là chị P. gửi BV Bệnh nhiệt đới để xét nghiệm virus cúm A/H1N1. Và đến sáng qua, kết quả xét nghiệm từ BV Bệnh nhiệt đới cho thấy chị P. cũng đã nhiễm virus cúm A/H1N1. Cũng ngay trong sáng 1-6, bệnh phẩm của 2 mẹ con nói trên đã được gửi đến Viện Pasteur TPHCM xét nghiệm lại và kết quả cũng cho dương tính với virus cúm A/H1N1.

Theo BS Nguyễn Văn Châu, trên chuyến bay OZ731 cùng với 2 mẹ con chị P. nói trên còn có 241 hành khách khác, trong đó có 173 hành khách được xác định đang lưu trú tại TPHCM, số còn lại đi các tỉnh. Riêng 3 người thân của 2 mẹ con nói trên cũng đã được cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm virus cúm A/H1N1 và cho kết quả vào hôm nay (2-6).

Điều đáng lo ngại, theo BS Nguyễn Văn Châu, là trường hợp chị P. dương tính với virus cúm A/H1N1 nhưng không có biểu hiện lâm sàng của bệnh nên đây được xem là trường hợp người lành mang bệnh dịch. Qua đó, cho thấy rằng, nhiều hành khách về Việt Nam từ vùng dịch tuy chưa khởi phát bệnh nhưng cũng có nguy cơ nhiễm bệnh.

Trao đổi với báo chí chiều 1-6, BS Nguyễn Văn Châu cũng khẳng định tỷ lệ giám sát đối với số hành khách tiếp xúc với các ca nhiễm cúm A/H1N1 nói trên chỉ ở mức 40% - 50%. Chẳng hạn, trong số 188 hành khách đi cùng chuyến bay với bệnh nhân T. nhiễm cúm A/H1N1, Sở Y tế TPHCM đã xác định được 125 người lưu trú tại TPHCM nhưng hiện mới chỉ giám sát cách ly được 47 người. Theo BS Châu, số còn lại đã di chuyển đi nơi khác, đã thay đổi địa chỉ hoặc đã quay trở về Mỹ nên không thể giám sát được. Trường hợp 173 hành khách đi cùng chuyến bay với mẹ con chị P. dương tính với cúm A/H1N1, Sở Y tế TPHCM cũng chưa giám sát hết được.

Tường Lâm – Quốc Khánh

Chính phủ yêu cầu lập phương án ứng phó dịch cúm A/H1N1

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H1N1 và dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả ở người, hôm qua 1-6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về chủ động lập phương án ứng phó khi dịch cúm A/H1N1 xâm nhập vào Việt Nam.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ và các cơ quan liên quan kiên quyết không để thiếu vật tư, phương tiện phòng chống dịch; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thường xuyên việc bảo dưỡng và đề xuất các loại máy móc, thiết bị y tế hiện có để sẵn sàng sử dụng, đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch cả trước mắt và lâu dài.

* Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 1-6, số trường hợp được xác định nhiễm virus cúm A/H1N1 trên thế giới đến nay ít nhất đã là 15.922 người ở 57 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Tại những nước đã có dịch cúm A/H1N1, số trường hợp mới bị nhiễm bệnh vẫn tiếp tục gia tăng. 

L.Nguyên - V.A.

Tin cùng chuyên mục