Gia tăng bệnh tay chân miệng
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), chỉ riêng trong tuần qua, toàn thành phố có 287 ca bệnh tay chân miệng (tăng 87% so với trung bình 4 tuần trước). Tổng số ca bệnh tay chân miệng tích lũy từ đầu năm đến nay là 2.289 ca.
Bác sĩ CKII Nguyễn Đình Qui, quyền Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM, cho biết, khoa đang điều trị nội trú cho khoảng 50 bệnh nhi, trong đó 40% mắc bệnh tay chân miệng, số còn lại mắc các bệnh truyền nhiễm khác. Điều này chứng tỏ số lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng đang có xu hướng tăng dần. Hầu hết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt nhiều ngày liên tục, kèm theo các mụn nước nổi đỏ ở tay, chân, thậm chí vết loét ở họng làm cản trở việc ăn uống của trẻ.
Bác sĩ CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức, khuyến cáo, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ thành dịch do virus đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Trẻ bị bệnh tay chân miệng có các biểu hiện: sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông… Nếu không quan sát kỹ, có thể nhầm lẫn với các bệnh phát ban hay thủy đậu.
Các chuyên gia dịch tễ lưu ý, đến nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị, và bệnh tay chân miệng chủ yếu được điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau do các vết loét gây nên và điều trị các biến chứng (nếu có). Đối với trường hợp nhẹ, chỉ cần thuốc giảm đau, an thần, tuy nhiên trẻ cần được theo dõi kỹ để xử trí kịp thời những biến chứng có thể xảy ra. Bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày, những nốt hồng ban sẽ lặn đi, không để lại sẹo; nhưng nếu nguyên nhân gây bệnh là do virus Entero 71 thì có thể dẫn đến tử vong do biến chứng viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi… nếu không được xử trí kịp thời.
Không chủ quan với sốt xuất huyết
TS-BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, cho hay, thời gian qua, địa phương ghi nhận trên 250 ca sốt xuất huyết (giảm khoảng 33% so với cùng kỳ). UBND quận Gò Vấp đã chỉ đạo UBND 16 phường huy động mọi nguồn lực tham gia kiểm soát và xử lý hiệu quả các điểm nguy cơ phát sinh muỗi, lăng quăng tại địa bàn. Tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức cố tình làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Thị Ngọc Dung thông tin, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, đa số người dân cảnh giác trước dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng nên hiện số ca mắc mới sốt xuất huyết trên địa bàn chưa có dấu hiệu tăng. Tổng số ca sốt xuất huyết nội trú và ngoại trú cộng dồn từ ngày 1-1 đến ngày 23-4 là 268 ca. So với cùng kỳ năm 2023 giảm 60,7% (268/682).
Hiện dịch sốt xuất huyết chưa phải vào đỉnh dịch, tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch có thể xảy ra. Vì vậy, UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát các loại hình nguy cơ theo hướng dẫn của HCDC. Ở các điểm đã phát hiện lăng quăng, lực lượng chức năng phải kiểm tra lại hàng tuần. “Trong trường hợp vẫn còn lăng quăng, lực lượng chức năng sẽ lập biên bản, chuyển UBND phường xử phạt nghiêm”, bà Lê Thị Ngọc Dung nhấn mạnh.
Huyện Hóc Môn ghi nhận 114 ca sốt xuất huyết, có 457 điểm nguy cơ. “Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng nếu công tác giám sát ổ dịch không được cơ sở giám sát chặt, do đó huyện đặt mục tiêu 100% ổ dịch được điều tra, xử lý kịp thời, giảm 5% tỷ lệ mắc bệnh/100.000 dân so với năm 2023”, bác sĩ CKII Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn, cho biết.
Các quận, huyện khác và TP Thủ Đức cũng đã và đang thực hiện công tác giám sát sốt xuất huyết từ tổ dân phố đến trường học, doanh nghiệp… nhằm khoanh vùng, xử lý kịp thời ổ dịch, không để lây lan rộng. Đồng thời tiếp tục tổ chức nhiều đợt diệt lăng quăng, diệt muỗi, vệ sinh nhà cửa, môi trường tại nơi ở, làm việc của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, đơn vị và tại các khu vực đang xảy ra ổ dịch; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý các điểm nguy cơ, xử lý triệt để các ổ dịch, hoạt động truyền thông đại chúng để người dân hưởng ứng thực hiện.
TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết - Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cảnh báo, hiện khoa đang điều trị nội trú 30 bệnh nhi sốt xuất huyết (3-16 tuổi), trong đó có 2 ca sốc nặng. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền qua muỗi, gây các triệu chứng giống như cúm nặng, đôi khi có thể dẫn tới biến chứng và gây tử vong, được gọi là sốt xuất huyết dengue nặng. Khi có các triệu chứng như: da và kết mạc xung huyết, có biểu hiện xuất huyết da, chảy máu chân răng hoặc máu cam…, người bệnh phải được đưa ngay đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.