Mê hồn trận giá thuốc

Không chỉ “chịu trận” vì giá thuốc liên tục tăng với lý do muôn thuở là tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên liệu tăng, người bệnh còn phải gánh chịu nhiều sự bất hợp lý từ hệ thống phân phối lẻ dược phẩm hiện nay. Với đủ kiểu làm giá từ các tầng nấc trung gian, các chiêu thức của trình dược viên và sự tự ý phân bố giá cả của các nhà thuốc đã làm nên một mê hồn trận về giá thuốc.
Mê hồn trận giá thuốc

Không chỉ “chịu trận” vì giá thuốc liên tục tăng với lý do muôn thuở là tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên liệu tăng, người bệnh còn phải gánh chịu nhiều sự bất hợp lý từ hệ thống phân phối lẻ dược phẩm hiện nay. Với đủ kiểu làm giá từ các tầng nấc trung gian, các chiêu thức của trình dược viên và sự tự ý phân bố giá cả của các nhà thuốc đã làm nên một mê hồn trận về giá thuốc.

Bao giờ người bệnh mới hết bị “hành” vì giá thuốc? Ảnh: ĐỨC TRÍ

Bao giờ người bệnh mới hết bị “hành” vì giá thuốc? Ảnh: ĐỨC TRÍ

  • Chênh lệch đến 38% 

Kết quả khảo sát về giá thuốc trong công trình nghiên cứu mới đây của nhóm sinh viên trường đại học Y Dược TPHCM, khiến nhiều người giật mình vì độ chênh lệch giá thuốc của một số nhà thuốc trên cùng một địa bàn.

Theo nhiều dược sĩ, dù số lượng thuốc khảo sát còn tương đối hạn chế (8 mặt hàng) ở những nhà thuốc tiêu biểu nhưng vấn đề được đặt ra đã phản ánh được thực trạng chung với đủ kiểu làm giá của thị trường dược phẩm hiện nay. Các sản phẩm khảo sát được lựa chọn theo tiêu chí đa dạng, từ các loại thuốc thông dụng không kê đơn, các thực phẩm chức năng đến các loại thuốc kháng sinh, chuyên khoa, đặc trị bán theo đơn.

Việc khảo sát được thực hiện ở các nhà thuốc tư nhân (NTTN), các chuỗi nhà thuốc GPP (đạt chuẩn thực hành tốt nhà thuốc) và không GPP.

Kết quả khảo sát trên 8 mặt hàng cho thấy, có những mặt hàng được bán ở những chuỗi nhà thuốc lớn như Mỹ Châu, Sapharco, Vimedimex cao hơn từ 10% - 38% so với giá trung bình của các NTTN như: Amoxicillin 500 (giá ở các NTTN 7.250 đồng/vỉ, tại Mỹ Châu và Vimedimex cao hơn 10%; Sapharco cao hơn 38%); Lavimudin (giá 9.325 đồng/viên, Mỹ Châu cao hơn 2%; Sapharco cao hơn 18% và Vimedimex cao hơn 7%); Paraceramol (giá 2.880 đồng/vỉ, tại Mỹ Châu cao hơn 4%; Sapharco +21% và Vimedimex + 4%). Ngược lại, ở các chuỗi nhà thuốc đạt chuẩn GPP khác như Eco, V-phano, các mặt hàng này lại giảm hơn so với các NTTN từ 4%-10%. 

Không chỉ đến công trình này mà chuyện hệ thống phân phối dược phẩm còn nhiều bất cập, đặc biệt về giá đã được chính các quan chức trong ngành dược thừa nhận như một tình trạng nhức nhối của ngành hiện nay. Trong nhiều lần trả lời phỏng vấn giới truyền thông, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang thừa nhận: Việc có quá nhiều tầng nấc trung gian trong hệ thống phân phối dược phẩm hiện nay chính là nguyên nhân đẩy giá thuốc lên cao. 

Tuy nhiên, qua khảo sát này, bức tranh phân phối dược phẩm lại lộ ra thêm một “khoảng mờ” mới về giá. Theo phân tích của giới chuyên môn, nguyên nhân giá thuốc ở một số nhà thuốc thuộc chuỗi nhà thuốc đạt chuẩn GPP thấp hơn giá mặt bằng chung ở các nhà thuốc tư nhân là do các doanh nghiệp nhập hàng cho tất cả các nhà thuốc của hệ thống, nên số lượng hàng rất nhiều, tỉ lệ được chiết khấu cao hơn các NTTN, giá nhập vào vì thế cũng thấp hơn.

Hơn nữa, do quy định của Bộ Y tế, doanh nghiệp có chuỗi nhà thuốc đạt chuẩn GPP được tham gia nhập khẩu trực tiếp, không phải qua nhiều tầng nấc trung gian nên sự chênh lệch giá không cao, tốt hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, cùng một vấn đề này, nhìn nhận lại giá của các nhà thuốc của hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu, Sapharco, Vimedimex khi tất cả các đơn vị này đều có các nhà thuốc hoạt động theo dạng hệ thống chuỗi nhưng vì sao giá vẫn cao hơn thì chưa có câu trả lời?! 

Mua thuốc tại một cửa hàng. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Mua thuốc tại một cửa hàng. Ảnh: ĐỨC TRÍ

  • Tăng - Giảm - Tăng: Chóng mặt! 

Nhiều chủ nhà thuốc cho rằng, giá thuốc tăng liên tục khiến họ cũng không thể nhớ nổi thời gian qua, giá thuốc đã tăng bao nhiêu đợt, bao nhiêu phần trăm và giá điều chỉnh ấy đã được cơ quan quản lý cho phép hay chưa? Nối tiếp các đợt tăng giá từ đầu năm đến nay, ngay trong đầu tháng 8 này, nhiều mặt hàng dược phẩm lại tiếp tục tăng giá.

Cụ thể, ngay trong đầu tháng 8, nhiều nhà thuốc đã nhận được thông báo của công ty cổ phần Merap về việc điều chỉnh giá tăng (đã có VAT) kể từ ngày 1-8 đối với bốn mặt hàng kháng sinh, kháng viêm và điều trị đau bao tử là Stomex 20mg từ 106.000đ lên 126.000đ/hộp 16 viên (tăng gần 19%), Strase 10mg từ 125.000đ lên 135.000đ/hộp 50 viên (tăng 8%), Metiny 100mg từ 176.000đ lên 198.000đ/hộp 20 viên (tăng 12,5%) và Metiny 200mg từ 144.000đ lên 155.000đ/hộp 10 viên (tăng 7,6%). 

Từ ngày 27-7 cũng có gần 10 mặt hàng của Công ty Solvay Pharma tăng giá trở lại 8-9%. Theo các nhà thuốc, trình dược viên của Công ty Zuellig Pharma (nhà phân phối cho các công ty dược phẩm lớn của nước ngoài) cho biết, lần tăng giá này đã được cơ quan chức năng chấp thuận.

Tuy nhiên, một số chủ nhà thuốc cho biết: Trước đây, nhiều công ty khi muốn điều chỉnh giá còn gửi văn bản thông báo trước, nay các trình dược viên chỉ báo miệng hoặc gửi tin nhắn cho biết là xong. Vì vậy, trong tràn lan các mặt hàng thuốc hiện nay, chính chủ các nhà thuốc cũng không thể biết mặt hàng nào do công ty tự ý tăng, mặt hàng nào được cơ quan chức năng cho phép. 

Trở lại với kết quả từ công trình trên, nhiều dược sĩ cho rằng, kết quả khảo sát này chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” về giá thuốc hiện nay. Trên thực tế, còn rất nhiều mặt hàng đến tay người tiêu dùng với độ chênh lệch vô tội vạ như vậy. Và việc giá thuốc tăng như thế nào, được phép hay không được phép, tăng bao nhiêu phần trăm, bao nhiêu lần trong một năm thì ngay cả những người buôn bán sành sỏi cũng chưa chắc đã biết được. Việc mua thuốc giá hợp lý hay không hợp lý chỉ còn là chuyện hên – xui với người tiêu dùng khi lạc vào mê hồn trận này.

Theo ghi nhận của Báo SGGP ngày 17-8 tại một số nhà thuốc ở TPHCM cho thấy giá thuốc của một số công ty vừa bị Cục Quản lý Dược “thổi còi” vào tháng 6-2009 về chuyện tự ý tăng tăng giá, thì nay có hai công ty tăng giá trở lại.

Cụ thể, 36 mặt hàng của Công ty Alcon Pharmaceuticals Ltd tăng giá ở mức 8% kể từ ngày 1-8. Đơn cử một số mặt hàng có giá tăng cao là Natacyn 15ml từ 804.000đ lên 867.000đ (chưa có VAT), Aldactone 25mg từ 174.000đ lên 188.000đ, Travatan 2,5ml từ 189.000đ lên 204.000đ, Ponstan 500mg từ 150.000đ lên 162.000đ...

KIM LIÊN

Tin cùng chuyên mục