Huy động tổng lực phòng chống dịch tay chân miệng

Trước tình hình bệnh dịch tay chân miệng (TCM) đang lây lan nhanh, hôm qua, 18-8, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1439/CĐ-TTg yêu cầu UBND các tỉnh, thành tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống để sớm khống chế và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Huy động tổng lực phòng chống dịch tay chân miệng

(SGGP).- Trước tình hình bệnh dịch tay chân miệng (TCM) đang lây lan nhanh, hôm qua, 18-8, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1439/CĐ-TTg yêu cầu UBND các tỉnh, thành tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống để sớm khống chế và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Điều dưỡng bệnh viện Nhi Đồng 1 chăm sóc cho bệnh nhi mắc bệnh TCM. Ảnh: MAI HẢI

Điều dưỡng bệnh viện Nhi Đồng 1 chăm sóc cho bệnh nhi mắc bệnh TCM. Ảnh: MAI HẢI

Theo đó, để sớm khống chế và ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần nắm chắc tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời căn cứ Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm và quyết định của Thủ tướng về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm để thực hiện việc công bố dịch và công bố hết dịch đúng thời điểm.

Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo hệ thống y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện điều trị và giường bệnh, tổ chức tốt phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị để kịp thời tiếp nhận điều trị sớm bệnh nhân, hạn chế tối đa biến chứng và tử vong do bệnh TCM. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên toàn quốc (đặc biệt là các trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ gia đình) phối hợp với ngành y tế trên địa bàn triển khai các biện pháp thiết thực để phòng bệnh TCM trong mùa tựu trường năm học 2011-2012.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có Chỉ thị số 06/CT-BYT về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh TCM. Theo chỉ thị, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, TP có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc giám sát, xử lý ổ dịch triệt để, không để dịch lan rộng kéo dài.

* Ngày 18-8 Sở Y tế TPHCM có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TPHCM chưa công bố dịch bệnh này. Lý do được ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế đưa ra là dù số bệnh mắc cao nhưng dịch bệnh hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát của ngành y tế thành phố và đang có xu hướng giảm; chưa có bằng chứng xác định về sự biến đổi tác nhân gây bệnh, đồng thời phác đồ điều trị mới của Bộ Y tế cho thấy có hiệu quả rất cao, làm giảm tỷ lệ tử vong so số mắc; Bệnh dịch xảy ra trong thời điểm không có thiên tai, thảm họa...

Thường xuyên báo cáo chủ tịch UBND tỉnh, TP về diễn biến tình hình dịch bệnh và tham mưu công tác phòng chống dịch tại địa phương.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, các địa phương thực hiện việc công bố dịch theo Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25-10-2010 của Thủ tướng quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

Cùng với đó, lãnh đạo sở y tế các tỉnh thành có trách nhiệm chỉ đạo trung tâm y tế dự phòng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, làm sạch nền nhà, bề mặt bàn ghế, đồ chơi, vật dụng của trẻ trong các hộ gia đình, nhóm trẻ tập trung, nhà trẻ, mẫu giáo bằng nước xà phòng, hóa chất khử khuẩn thông thường hoặc Chloramin B. Thống kê phân tích đặc điểm dịch tễ, các yếu tố nguy cơ để tập trung hoạt động phòng chống dịch có hiệu quả. Phối hợp với cơ quan thông tin địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục về các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, thường xuyên rửa tay cho trẻ. Việc tuyên truyền phải đến được từng tổ dân phố, gia đình trong cộng đồng. Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn quản lý chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu, điều trị, đặc biệt chú trọng phân tuyến điều trị, bảo đảm điều trị bệnh nhân trong trường hợp xảy ra dịch lớn.

Đối với lĩnh vực dự phòng phòng chống dịch TCM, Cục Y tế dự phòng phải chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát xử lý các ổ dịch tại các địa phương. Phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh, tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc các đơn vị y tế dự phòng thực hiện kế hoạch phòng chống dịch.

Trong lĩnh vực điều trị, Cục Quản lý khám chữa bệnh có trách nhiệm tổ chức tập huấn cho các đơn vị, địa phương về công tác chẩn đoán, điều trị bệnh TCM. Chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị cần thiết cho công tác điều trị, tăng cường các cơ sở điều trị trong trường hợp dịch lan rộng, kéo dài. Kịp thời hỗ trợ các địa phương trong việc chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân.

Chiều tối 18-8, Sở Y tế TPHCM cho biết vừa ghi nhận thêm 2 ca tử vong do dịch tay chân miệng (TCM), nâng tổng số ca mắc do dịch bệnh này có địa chỉ cư ngụ tại TPHCM lên 24 ca. Đó là bé V.L.Đ (nữ, 7 tháng tuổi, ngụ KP5, P14, Q6), tử vong sáng 18-8. Bé Đ. khởi phát bệnh ngày 15-8 với triệu chứng nôn ói nhiều. Sau đó bé nhập BV Nhi đồng 1 và được chẩn đoán mắc TCM biến chứng nặng dẫn đến tử vong dù đã được cấp cứu tích cực. Trường hợp thứ 2 là bé N.L.N. (nữ, 3 tuổi, ngụ KP7, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân) nhập viện ngày 15-8. Triệu chứng khởi phát bệnh đầu tiên của bé N. là sốt, đau họng. Bé N. nhập BV Nhi đồng 2 được 3 ngày thì tử vong do mắc dịch bệnh TCM độ 4.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục