Gia nhập WTO

20% hay 50% doanh nghiệp dệt may phá sản?

20% hay 50% doanh nghiệp dệt may phá sản?

Một đánh giá của hãng tin kinh tế-tài chính Hoa Kỳ Bloomberg, rằng sau 2 năm Việt Nam gia nhập WTO thì 50% doanh nghiệp dệt may có nguy cơ phá sản. Nhận định này dựa trên phát biểu của một lãnh đạo doanh nghiệp may xuất khẩu lớn đã gây chấn động trong toàn ngành.

Thực tế ngành dệt may đang gặp nhiều khó khăn và phải điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới. Nhưng liệu có đến 50% doanh nghiệp phá sản hay chỉ khoảng 20%, theo như nhận định của ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam. Chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Aân quanh vấn đề này.

20% doanh nghiệp sẽ phá sản?

20% hay 50% doanh nghiệp dệt may phá sản? ảnh 1

Các sản phẩm veston của May Nhà Bè được xuất khẩu mạnh vào thị trường Nhật Bản. Ảnh: P.N.

-Phóng viên: Nhiều nhận định cho rằng khi gia nhập WTO thì ngành dệt may Việt Nam sẽ là ngành được hưởng lợi. Vậy dự đoán trong hơn 2.000 doanh nghiệp dệt may Việt Nam có nguy cơ biến mất một nửa sau 2 năm gia nhập WTO, liệu có là hiện thực. Phải chăng sự chuẩn bị của chúng ta trong thời gian qua chưa đủ lực để cạnh tranh?

-Ông Lê Quốc Ân: Theo tôi, khi Việt Nam nhập WTO thì ngành dệt may Việt Nam thực sự khó khăn, nhưng bên cạnh đó, cũng có điều kiện phát triển nhờ không bị áp đặt hạn ngạch, đó là điều chắc chắn.

Tuy nhiên, doanh nghiệp nào phát triển còn là ẩn số. Bởi vì theo tôi, sẽ có những nhân tố mới xuất hiện, những doanh nghiệp năng động sẽ có điều kiện bật lên và những doanh nghiệp không có thương hiệu, không biết cách sử dụng lao động, không có chiến lược phát triển rõ ràng (không có thị trường và khách hàng ổn định) thì sẽ phá sản. Như vậy, nguy cơ này xảy ra đối với cả doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn nếu không hội tụ các điều kiện trên.

Do vậy, nhìn lại thực lực các doanh nghiệp hiện nay, tôi có thể đưa ra một nhận định khác, khoảng 20% doanh nghiệp dệt may sẽ gặp khó khăn và đứng trước nguy cơ phá sản. Điều này cũng là tất yếu.

-Trong cuộc chơi này, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhiều tiềm lực và có khả năng sẽ thắng. Theo ông, điều đó có phải là một hiện thực trong bức tranh phát triển ngành dệt may tới đây?

-Tôi đồng ý với nhận định này. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ là một nhân tố phát triển rất mạnh trong vài năm tới, vì họ hội tụ cả ba điều kiện: sử dụng lao động rẻ tại chỗ; có trình độ quản lý sản xuất; có thị trường ổn định. Có những công ty may ở nước ngoài chỉ có thương hiệu, có đội ngũ thiết kế mẫu và marketing giỏi, có kỹ thuật và quản lý tốt, nhưng họ không có nhà máy ở chính quốc mà chỉ tổ chức sản xuất ở những nơi có lợi thế như Việt Nam. Họ sẽ thắng vì công ty mẹ có thị trường và có hệ thống tiêu thụ tốt.

Nói như vậy không có nghĩa doanh nghiệp Việt Nam kém hơn. Những doanh nghiệp trong nước nếu hội tụ các yếu tố trên, có mối quan hệ với các tập đoàn lớn, có hợp đồng ổn định 50 triệu USD trở lên cũng sẽ hoạt động tốt và có điều kiện phát triển. Một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ nếu biết khai thác tốt thị trường nội địa sẽ sống khỏe.

-Theo nhận định của ông, chúng tôi thấy hướng phát triển sắp tới của ngành dệt may sẽ lạc quan hơn nhận định bi quan vừa qua.

-Thực tế cho phép tin tưởng vào sự phát triển lạc quan của ngành. Trước hết, trong 3 tỷ USD xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ trong năm nay, có thể thấy gần 50% là các sản phẩm phi quota. Thị trường EU tăng trưởng khoảng 20%, với kim ngạch khoảng 1,2 tỷ USD.

Có thể thấy sự phát triển về chất của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi nhìn vào thị trường Nhật Bản, một thị trường không phân biệt đối xử, sẵn sàng mua khi hàng rẻ và chất lượng tốt. Ơû thị trường này, Việt Nam vươn từ vị trí thứ tư lên thứ hai, sau Trung Quốc, vượt qua Hàn Quốc và Ý. Tất nhiên, khoảng cách giữa vị trí thứ nhất và thứ hai rất lớn, Trung Quốc chiếm tới 87% thị phần còn Việt Nam chỉ có 3%.

3 việc phải làm ngay

-Nguy cơ bị đào thải vẫn rất lớn khi có đến 50% doanh nghiệp trong nước vẫn làm gia công và 50% còn lại làm FOB ở dạng cấp thấp nhất. Các doanh nghiệp trong nước để tồn tại và phát triển cần có sự chuyển biến nhanh để tăng khả năng cạnh tranh, đúng không thưa ông?

-Đúng vậy. Sản xuất dạng FOB có ba cấp, cao nhất là làm tất cả, từ thiết kế mẫu, thu xếp nguồn nguyên, phụ liệu, đến xây dựng được thương hiệu và có thị trường. Cấp trung bình là có thiết kế và nguyên liệu của mình, thương hiệu của khách hàng, nhưng mình sản xuất. Cấp thấp nhất là làm theo thiết kế của khách hàng, nguyên phụ liệu do họ chỉ định, doanh nghiệp trong nước chỉ được tính thêm vào giá 5%-10%. Đây là hình thức chủ yếu các doanh nghiệp trong nước đang làm và phải chịu mọi rủi ro nếu có.

Do vậy, để tăng khả năng cạnh tranh, các doanh nghiệp phải xác định ngay chiến lược rõ ràng, sản xuất mặt hàng nào là chủ lực để có biện phát thực hiện chuyên môn hóa; thị phần nhắm vào đâu, cao cấp, trung bình hay bình dân để có cách tiếp thị phù hợp; đánh giá đối thủ cạnh tranh là ai để có đường lối cạnh tranh đúng…

-Chúng tôi cũng biết ngành dệt may hiện nay tuy có tốc độ phát triển cao, nhưng còn thiếu nhiều điều kiện để phát triển ổn định như thiếu lao động, không có nguồn nguyên liệu ổn định. Vậy, để tăng khả năng cạnh tranh các doanh nghiệp phải làm gì?

-Tôi cho rằng có ba việc cần làm ngay với ngành dệt may. Thứ nhất, cần nhanh chóng tái cấu trúc lại địa bàn sản xuất, theo đó quy hoạch nên nhắm vào khu vực có nhân công rẻ, không bị biến động trong vòng 5-10 năm.

Thứ hai, chuyển phương thức kinh doanh từ gia công sang FOB. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có trình độ quản lý tốt, có đội ngũ thiết kế mẫu và marketing giỏi, tổ chức được nguồn nguyên liệu…

Thứ ba, cần tăng tốc thực hiện thương mại điện tử, trong đó nên ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để quản lý các nguồn lực (thiết kế mẫu, quản lý nhân lực, quản lý khách hàng và sản xuất, marketing…) và đẩy mạnh việc kinh doanh qua mạng.

Ở đây, tôi đặc biệt nhấn mạnh yếu tố ứng dụng CNTT vào quản lý các nguồn lực, vì Trung Quốc còn yếu điểm này, do vậy chúng ta nên nhanh chóng tận dụng cơ hội để vươn lên.

-Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

VĂN MINH HOA thực hiện

Mới đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vita’s) đã khẩn cấp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét lại quyết định của Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu đối với xơ sợi polyste và sợi filament từ 0% lên 5%.

Theo ý kiến của Vita’s, đây là các loại nguyên liệu đầu vào quan trọng của ngành dệt sợi, trong nước chưa sản xuất đủ sản lượng và chủng loại, nhu cầu nhập khẩu các loại sợi polyeste trên 100.000 tấn/năm và 90% nhu cầu sợi filament. Việc tăng thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng này không bảo hộ được đại đa số các doanh nghiệp sản xuất trong nước và cũng không xuất phát từ ý kiến của tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp trong ngành là Vita’s.

Xu thế hội nhập buộc các nước phải giảm thuế và chỉ đánh thuế để bảo hộ sản xuất trong nước thì quyết định tăng thuế ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán hàng, đến nay nguyên liệu về đến cảng bị đánh thuế 5% khiến các doanh nghiệp lao đao vì giá thành sản phẩm sẽ bị đội lên, không thể bán được hàng.

Tin cùng chuyên mục