Hôm nay 5-9, khoảng 22 triệu HS-SV từ bậc học mầm non đến ĐH sẽ chính thức bước vào năm học mới 2011 - 2012. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, năm học 2011 - 2012 có ý nghĩa rất quan trọng bởi đây là năm học đầu tiên ngành GD-ĐT triển khai thực hiện “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”.
Đảm bảo có đủ sách giáo khoa học tập
Theo ước tính của Bộ GD-ĐT, năm học 2011 - 2012 toàn ngành GD-ĐT sẽ có 3.756.000 trẻ mầm non đến trường (trong đó nhà trẻ 556.000 cháu, mẫu giáo 3.200.000 cháu). Học sinh phổ thông có 15.140.000 em (tăng 288.000 em so với năm học 2010 - 2011), trong đó tiểu học 7.350.000 em (tăng 301.300 em); THCS 4.960.000 em (giảm 8.300 em); THPT 2.830.000 em (giảm 5.000 em so với năm học 2010 - 2011). Hệ TCCN là 734.000 em; hệ CĐ là 898.000 em và hệ ĐH là 1,58 triệu em.
Tổng cộng số HS-SV từ bậc học mầm non đến ĐH trong năm học này lên tới khoảng 22 triệu em.
Chuẩn bị cho năm học mới, đến nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã phát hành 88,3 triệu bản sách giáo khoa; tặng đầy đủ sách giáo khoa cho con thương binh, liệt sĩ trong cả nước, mỗi em 1 bộ sách giáo khoa và 10 cuốn vở, tổng giá trị 13 tỷ đồng. Ngành giáo dục đảm bảo học sinh trên mọi miền đất nước có đủ sách giáo khoa học tập.
Về công tác cơ sở vật chất, theo báo cáo nhanh của 37 tỉnh thành, cơ bản các đơn vị trong toàn ngành đã khẩn trương tích cực, chuẩn bị và đảm bảo tốt các điều kiện cho năm học mới. Các địa phương cũng đã tiến hành điều tra, nắm chắc lại số trẻ trong độ tuổi đến trường để gửi giấy báo gọi nhập học, thực hiện nhiều biện pháp vận động, tuyên truyền, bảo đảm đưa toàn bộ học sinh 6 tuổi vào lớp 1, học sinh tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6.
Nỗ lực chuẩn hóa đội ngũ giáo viên
Để chuẩn bị cho năm học 2011 - 2012, công tác bồi dưỡng hè cho giáo viên, cán bộ quản lý các trường tiểu học, THCS, THPT và Trung tâm GDTX được ngành giáo dục chuẩn bị chu đáo. Đã có 1.200 báo cáo viên cốt cán về triển khai chuẩn hiệu trưởng trường mầm non và chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học.
Ngoài ra, đã tập huấn 600 cán bộ cốt cán cấp THPT về tổ trưởng chuyên môn; bồi dưỡng cho 430 giáo viên chủ nhiệm lớp cốt cán của các tỉnh, thành phố; bồi dưỡng cho 530 cán bộ cốt cán các tỉnh, thành phố về nội dung giáo dục hòa nhập.
Tổ chức bồi dưỡng về các nội dung chuyên môn sâu cho 2.000 giáo viên cốt cán các trường chuyên trên toàn quốc. Ở các địa phương, 100% đội ngũ giáo viên các sở GD-ĐT đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng hè 2011, các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, công tác chủ nhiệm, năng lực quản lý cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các cấp.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo. Điều này càng có ý nghĩa khi nghị định ra đúng vào dịp bắt đầu năm học mới 2011 - 2012 (chính thức có hiệu lực từ 1-9-2011). Theo đó, ước tính thu nhập của nhà giáo bình quân tăng thêm khoảng 465.000 đồng/người/tháng.
Theo ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT, chế độ phụ cấp thâm niên còn có tác động làm tăng phần hưởng lương hưu sau này đối với nhà giáo. Để được tính hưởng phụ cấp thâm niên, nhà giáo cần có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng). Mức phụ cấp bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.
Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
LÂM NGUYÊN