25% kim ngạch xuất khẩu được tận dụng từ các FTA

Tại diễn đàn hội nhập kinh tế “Diễn tiến tác động hội nhập đến hoạt động thương mại của VN” vừa diễn ra do Trung tâm Thương mại WTO TPHCM đã tổ chức, ông Trương Đình Tuyển – Nguyên Bộ trưởng Thương mại nhìn nhận, việc hội nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã tác động khá toàn diện đến kinh tế VN.

(SGGP).- Tại diễn đàn hội nhập kinh tế “Diễn tiến tác động hội nhập đến hoạt động thương mại của VN” vừa diễn ra do Trung tâm Thương mại WTO TPHCM đã tổ chức, ông Trương Đình Tuyển – Nguyên Bộ trưởng Thương mại nhìn nhận, việc hội nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã tác động khá toàn diện đến kinh tế VN.

Hội nhập đã mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) VN trong việc sử dụng giấy chứng nhận mẫu xuất xứ hàng hóa (ROO) về ưu đãi thuế quan từ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương, khu vực, song phương và đơn phương. Nếu năm 2008, mới chỉ có 13% kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN được sử dụng ROO, đến năm 2010 đã nâng lên mức 25%. Riêng tại một số thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, con số này khá cao, với thứ tự 79%, 28% và 21,7%. Tính bình quân đến nay đã có khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu của VN sang các đối tác đã sử dụng ROO để được ưu đãi.

Thực thi các cam kết trong FTA, đặc biệt WTO với việc công nhận quyền kinh doanh và mở cửa dịch vụ phân phối cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng tác động mạnh đến hoạt động thương mại nội địa, làm thay đổi diện mạo của ngành bán lẻ VN. Các mô hình phân phối hiện đại phát triển nhanh. Theo thống kê sơ bộ, cả nước hiện có 117 trung tâm thương mại, 638 siêu thị và hàng chục ngàn cửa hàng tiện lợi. Doanh thu bán lẻ qua hệ thống này chiếm khoảng 25% tổng doanh số bán lẻ, riêng tại TPHCM là 35%.

Để tận dụng tốt hơn các cơ hội từ hội nhập nhằm thúc đẩy xuất khẩu, theo khuyến cáo của các chuyên gia, cần có tư duy chính sách thương mại mới, dựa trên 6 nguyên tắc:

Một là, xây dựng một khung khổ chính sách thương mại mới, đồng bộ và toàn diện, kết hợp với chính sách đầu tư, chính sách cạnh tranh và chính sách điều tiết thị trường.

Hai, các chính sách thương mại nên hướng cả vào chiếm lĩnh những ngành hàng, xâm nhập vào các chuỗi giá trị, chứ không chỉ là thâm nhập thị trường nước ngoài vì chính sách nhập khẩu và thương mại nội khối cũng hết sức quan trọng.

Ba, xây dựng năng lực thể chế để có thể thiết kế và thực hiện các biện pháp bảo hộ hợp pháp, tinh tế và khoa học trong phạm vi của các cam kết.

Bốn, lấy người tiêu dùng làm chủ thể cho các biện pháp bảo hộ hợp tác cũng như các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng cáo, quảng bá hình ảnh và sản phẩm trong nước thông qua nhiều hình thức đa dạng.

Năm, trong một số lĩnh vực, mặt hàng chiến lược, chính sách thương mại cần được thực hiện lô gích hơn.

Cuối cùng, cần chính sách mới trong việc ưu tiên hình thành một số liên minh ngành hàng chiến lược để chủ động điều tiết và thích ứng với sự biến động bất thường của giá cả thế giới.

TH.H.

Tin cùng chuyên mục