Ngày 29-7, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015. Tại đây, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (thay kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ) hiện nay. Kết quả kỳ thi này sẽ sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường ĐH-CĐ xét tuyển. Sau khi lấy ý kiến toàn xã hội, các chuyên gia, Bộ GD-ĐT sẽ công bố phương án vào tháng 9-2014 để thực hiện từ năm 2015.
Các trường và địa phương cùng làm
Theo dự thảo, kỳ thi sẽ được tổ chức vào tuần thứ 2 của tháng 6 hàng năm. Địa điểm coi thi được bố trí thành từng cụm theo địa bàn tỉnh, thành. Tại mỗi tỉnh, thành có thể có một hoặc một số cụm thi tập trung ở thành phố, thị xã, trị trấn. Các điểm thi là các trường THPT và các trường ĐH-CĐ. Bộ GD-ĐT sẽ thảo luận với các tỉnh, thành để quyết định phương án thành lập các cụm thi quốc gia. Địa điểm chấm thi cũng sẽ được thành lập các cụm chấm thi theo vùng, miền. Đặc biệt, Hội đồng coi thi, chấm thi là thành viên, cán bộ, giáo viên của sở GD-ĐT và cán bộ, giảng viên của các trường ĐH-CĐ. Trong tương lai, việc ra đề thi sẽ do trung tâm đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia đảm nhận.
3 phương án môn thi
Về môn thi, hiện Bộ GD-ĐT vẫn lấy ý kiến về 3 phương án. Phương án 1 sẽ thi theo môn, thi 8 môn gồm toán, văn, lý, hóa, sinh, sử, địa, ngoại ngữ. Có 8 buổi thi trong 4 ngày. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (còn gọi là môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại. Kết quả của 4 môn thi này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và được sử dụng cho việc đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo. Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH-CĐ quy định. Phương án 2 sẽ thi theo bài. 8 môn học ở lớp 12 THPT gồm toán, văn, sử, địa, lý, hóa, sinh, ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi, gồm: bài thi toán, bài thi văn, ngoại ngữ, bài thi khoa học tự nhiên (gồm lý, hóa, sinh), bài thi khoa học xã hội (gồm sử, địa). Có 5 buổi thi trong 2,5 ngày. Mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi gồm 3 bài thi bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ; 1 bài thi do học sinh tự chọn từ khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Phương án 3 cũng thi theo bài nhưng 11 môn ở lớp 12 THPT, gồm: toán, văn, lý, hóa, sinh, sử, địa, ngoại ngữ, tin học, công nghệ, giáo dục công dân được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi là bài thi toán - tin (gồm toán, tin); bài thi khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh, công nghệ); bài thi khoa học xã hội (gồm văn, sử, địa, giáo dục công dân); bài thi ngoại ngữ. Có 4 buổi thi trong 2 ngày. Mỗi thí sinh đều phải thi cả 4 bài thi nói trên. Phương án này được coi là gọn nhẹ nhất, ít tốn kém nhất vì chỉ thi 2 ngày.
Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ, đối với môn ngoại ngữ, với những học sinh không được học hoặc được học trong điều kiện không bảo đảm chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ, chỉ phải thi các môn/bài thi tương ứng với mỗi phương án (gồm 2 môn thi/bài thi bắt buộc và 1 môn thi/bài thi tự chọn). C ác thí sinh có thể đăng ký nhiều đợt trong năm, vào thời gian phù hợp và kết quả các kỳ thi này được sử dụng trong xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ.
Vẫn còn ý kiến khác nhau
Tại hội nghị, hầu hết các địa phương đồng tình chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ xét tuyển ĐH-CĐ. Đa số ý kiến cho rằng năm 2015 nên thi theo phương án 1, tức là vẫn thi theo các môn vì phù hợp với cách dạy và học hiện nay, không gây xáo trộn, tâm lý hoang mang trong học sinh; từ năm 2016 trở đi mới nên thi theo phương án 2, 3 tức là thi theo bài để có thời gian chuẩn bị cho cả thầy và trò về đổi mới cách dạy và học. Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn đề xuất, năm 2015 nên thực hiện phương án 1, thi theo các môn. Còn năm 2016 thực hiện phương án 2, tích hợp các bộ môn. Sau khi có thời gian thực hiện thì cần tiếp tục nghiên cứu để thực hiện phương án 3. “Cả 3 phương án đều tốt, có thể thực hiện theo lộ trình, từng bước thực hiện từ phương án 1 đến phương án 3”, ông Lê Hồng Sơn nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội và một số địa phương khác lại chọn thi theo phương án 2. Thận trọng quá sẽ làm chậm lộ trình đổi mới giáo dục. Bộ GD-ĐT cũng cần sớm thống nhất phương án thi để công bố cho xã hội. Ông Bùi Đức Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng ủng hộ phương án 2 để nâng cao khả năng tích hợp, tổng hợp, vận dụng của học sinh. Tuy nhiên, nếu thi theo bài thì nên thực hiện từ năm 2016. Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang đề xuất, không nên bắt buộc thi môn ngoại ngữ, nhất là học sinh vùng khó khăn mà nên giao cho địa phương ở đâu dạy tốt, học tốt ngoại ngữ thì mới thi.
|
LÂM NGUYÊN