
Trong thị trường bia nội địa Việt Nam hiện nay, Sabeco – Bia Sài Gòn là thương hiệu bia đầu tiên phải nhắc đến. Được xem là nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam, chiếm lĩnh 35 % thị phần trên thị trường bia, các dòng sản phẩm của Tổng công ty Bia – Rượu - NGK Sài Gòn (tên tiếng Anh SABECO) như Bia Sài Gòn xanh, Bia Sài Gòn đỏ, Bia 333, Bia Sài Gòn Special đã và đang trở thành thức uống thông dụng cho mọi người, mọi nhà.

Nhà máy Bia Sài Gòn (nay là Tổng Công ty Bia-Rượu - NGK Sài Gòn) đến nay vừa tròn ba thập kỷ xây dựng và phấn đấu – cột mốc thời gian quý báu để ta cùng nhìn lại hành trình xuyên suốt những tháng năm nỗ lực hết mình vươn lên, khẳng định một thương hiệu bia của Sài Gòn, bia của Việt Nam: 30 năm với những kỷ niệm “lần đầu tiên” đầy ghi nhớ.
Nhìn vào lực lượng công nhân hùng hậu gần 4000 người với quy mô bề thế của Sabeco hiện nay, hẳn không ít người sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi biết rằng trước khi được khai sinh với tên Nhà máy Bia Sài Gòn (1-6-1977), công ty đã có bề dày lịch sử tồn tại. Năm 1875, một người đàn ông có tên Victor Lauren đã xây tại Việt Nam một phân xưởng nhỏ, cơ sơ vật chất thô sơ nhà gạch lợp ngói, nhà hơi đốt bằng củi, sử dụng công nghệ thủ công của miền Nam nước Pháp.
5 năm sau đi vào hoạt động chính thức, sản xuất bia, nước ngọt và nước đá, rồi chính thức sáp nhập vào hệ thống hãng BGI của Pháp (1927). Thời đó, với đội ngũ kỹ thuật giỏi và quá trình đổi mới, nâng cấp công nghệ, nhà máy này đã khép kín quy trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm trên toàn phạm vi miền Nam. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đại diện hãng BGI đã ký kết biên bản bàn giao lại cơ sở lúc này đã xập xệ, xuống cấp cho Công ty Rượu Bia Miền Nam quản lý (22-6-1977) và được đổi tên thành Nhà máy Bia Sài Gòn, chuyển sang thời kỳ mới – hoạt động theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung của nền kinh tế XHCN.
Ngay trong năm đầu tiếp quản, tập thể cán bộ công nhân viên nhà máy đã phải nỗ lực duy trì sản xuất, khắc phục vô vàn khó khăn, thách thức: hệ thống thiết bị xuống cấp; nguyên liệu tồn kho cạn dần trong khi nguồn bổ sung không được bao nhiêu; nhiên liệu được cung cấp thiếu thốn và nhỏ giọt; phụ tùng tồn kho để sửa chữa đã cạn; sức mua của người dân suy giảm, nhiều đơn vị thương nghiệp giảm chỉ tiêu nhập hàng; đời sống người lao động lao đao.
Mặc dầu lãnh đạo công ty lúc bấy giờ hết sức tích cực chủ động xoay sở tìm cách tháo gỡ nhưng cũng chỉ đủ để sản xuất cầm chừng, thậm chí có lúc chỉ sản xuất để giữ men. Trong bối cảnh sóng gió đó, toàn nhà máy đã một lòng phát huy sức mạnh tập thể, phát động, thực thi hiệu quả hàng loạt các phong trào thi đua, cải tiến hợp lý hóa giữ vững sản xuất. Năm 1985, kỳ tích cuối cùng đã xuất hiện: Nhà máy sản xuất được 760 tấn Malt từ lúa mì, nhờ đó mà có đủ nguyên liệu để sản xuất liên tục. Cùng năm đó, hệ thống chiết bia lon được lắp đặt hoàn chỉnh, sản phẩm bia lon đầu tiên do Việt Nam ra đời, tạo nên kỳ tích “đúp” (double) cho nhà máy.

Để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, nhà máy còn thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học như dùng Ezim để giảm tiêu hao nguyên liệu nhập, dùng Matures để rút ngắn chu kỳ lên men tăng sản lượng. Bằng vào tinh thần sáng tạo, nhà máy đã tạo được cú “lội ngược dòng” ngoạn mục. Tháng 2 -1992, thị trường bia Việt Nam lần đầu tiên biết đến bia chai Sài Gòn dán nhãn với kiểu dáng đẹp, ưu thế hơn hẳn so với loại chai 500ml trước.
Các sản phẩm bia lon 333, Bino, Gấu Trắng cũng được đưa ra thăm dò trên thị trường, trong đó bia lon 333 được cả thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng từ đó đến nay. Các sản phẩm của nhà máy được người tiêu dùng tín nhiệm, không đủ hàng cung cấp cho các dịp lễ, tết. Quy mô tổ chức của nhà máy cũng ngày càng lớn mạnh do có sự sáp nhập của Nhà máy Nước đá Sài Gòn, Nhà máy Cơ khí Rượu Bia, Nhà máy Nước khoáng ĐaKai, cùng với việc thành lập 2 liên doanh với nước ngoài sản xuất lon nhôm (Công ty Carnaud Metalbox Sài Gòn) và bao bì thủy tinh (Công ty Thủy tinh Malaya-Việt Nam).
Giữa năm 1997, cơn bão khủng hoảng tài chính tiền tệ trên thế giới và khu vực nổ ra, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế Việt Nam nói chung và Công ty Bia Sài Gòn nói riêng. Cùng thời điểm, công ty cũng gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các loại bia địa phương, bia liên doanh và nước ngoài: Sản phẩm bia lon có lúc đã tồn kho trên 800.000 thùng.
Trước tình hình đó, Công ty Bia Sài Gòn vẫn tiếp tục kiên trì thực hiện chương trình đầu tư cải tạo cơ sở, nâng cao sản lượng, chất lượng, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, giữ vững tốc độ tăng trưởng. Hàng loạt thiết bị được khẩn trương đầu tư, lắp đặt: 28 tank TBF (1994), đưa hai máy phát điện 1.500KV/ máy vào hoạt động, hoàn thành dây chuyền sản xuất nút chất lượng cao với miếng lót bằng nhựa PVC đảm bảo cung cấp đủ nút; hoàn thành dây chuyền chiết bia chai số 2 công suất 30.000 chai/ giờ và đưa vào hoạt động hệ thống lọc số 2 công suất 300hl/giờ.
Đến cuối năm 1995, 80% thiết bị sản xuất chính của công ty được đổi mới. Lần lượt trong các năm 1994, 1996 Công ty Bia Sài Gòn tung ra những sản phẩm mới: sản phẩm bia chai Sài Gòn được chụp giấy bạc ở đầu chai tạo tính thẩm mỹ, tăng khả năng chống hàng giả và bia chai xuất khẩu “Sài Gòn Export” 355ml bước đầu được thị trường chấp nhận.
Từ chỗ lao đao trên bờ vực phá sản, Công ty Bia Sài Gòn đã vươn mình trở thành một doanh nghiệp có tiềm năng, kinh doanh hiệu quả và hơn thế nữa đã góp phần vực dậy một số doanh nghiệp đang lâm vào cảnh khó khăn như Công ty Bia Sóc Trăng, Công ty Rượu Bình Tây... tiến bước sang giai đoạn phát triển vững vàng.
Chuẩn bị cho những bước tiến mạnh mẽ trong thế kỷ 21, công ty đã lập dự án đầu tư thay thế toàn bộ các tank lên men thế hệ cũ bằng các tank outdoor, đồng thời lập luận chứng kinh tế, kỹ thuật xây dựng nhà máy bia mới và hiện đại với công suất giai đoạn đầu 100 triệu lít/ năm bằng nguồn vốn tự có của công ty.
Đồng thời, công ty cũng nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm mới Bia chai Sài Gòn Special – loại bia cao cấp được sản xuất từ 100% Malt hướng tới đối tượng người tiêu dùng thu nhập cao. Sản phẩm dòng công ty sản xuất nhận được tín nhiệm của người tiêu dùng được bình chọn vào “5 ngành hàng nước giải khát được ưa thích nhất”, “Thương hiệu tín nhiệm” trong 22 năm (1977-1999), “Hàng Việt Nam chất lượng cao” cùng rất nhiều giải thưởng, huy chương, bằng khen cao quý khác.
Hệ thống chi nhánh, các thành viên và các lĩnh vực hoạt động cũng được mở rộng hơn trước rất nhiều trở thành Tổng công ty Bia –Rượu - NGK Sài Gòn – một doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh với tầm cỡ tập đoàn, đầu ngành đại diện cho Bia - Rượu - NGK Việt Nam đủ sức đứng vững và đi lên mạnh mẽ khi Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới.
LAN PHƯƠNG - DIÊN PHÚ