Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế và Tổ chức UNICEF, nước ta có khoảng 3.500 trẻ em bị chết đuối/năm, nguyên nhân là do các em tắm sông, tắm biển, trượt chân hoặc do chìm thuyền. Đáng lo ngại là thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em chết đuối tập thể, ngay cả các em bơi giỏi cũng thành nạn nhân, do bị các bạn khác níu chìm theo. Rõ ràng cần phải gấp rút hành động, không thể chủ quan và càng đừng thờ ơ với hiểm họa này.
Những tai nạn bi thảm
Chỉ tính từ đầu năm 2012 đến nay, đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ trẻ em chết đuối. Ngày 8-2, tại đập Đắc Kai (xã Trường Xuân, huyện Đắc Song, Đắc Nông), 4 học sinh đã chết đuối khi tắm ở hồ nước thủy lợi. Ngày 28-2, 2 học sinh Trường Tiểu học số 1 (Hòa Hiệp Trung, Đông Hòa, Phú Yên) bị chết đuối trong lúc tắm biển.
Ngày 29-2, một nhóm học sinh Trường THCS Nguyễn Thế Bảo (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) ra bến sông Phong Niên chơi, khi xuống tắm sông 1 em bị cuốn vào vực sâu, các em khác lao theo cứu bạn nhưng bị dòng nước cuốn trôi, kết cục có 3 em bị chết đuối.
Ngày 12-5, 5 trẻ em ở xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai trong đó có 4 chị em ruột, rủ nhau đi nhặt điều, 1 em không may rớt xuống mương nước sâu, các em còn lại nhảy xuống cứu bạn nhưng rồi cả 5 em đều tử vong...
Mùa hè, thời tiết nóng nực, trẻ em thường rủ nhau đi tắm sông, tắm hồ, nhiều em không biết bơi nhưng vẫn ham vui, chủ quan không nghĩ đến hiểm họa. Không chỉ ở nông thôn có sông nước, mà ngay tại các thành phố lớn, nhiều trẻ em cũng rủ nhau đi tắm kênh, đi ngang qua các cây cầu ở các quận 2, 4, 8, 12, Thủ Đức và huyện Bình Chánh (TPHCM), thường thấy nhiều trẻ em liều lĩnh nhảy từ trên cầu xuống nước sâu mà rùng mình.
Trong những vụ tai nạn trẻ em chết đuối, ngoài nguyên nhân trẻ không biết bơi, còn do sự cẩu thả của các đơn vị khai thác đất đá, công trường xây dựng, khi đào bới thi công đã tạo ra các hố nước sâu nhưng không có hàng rào bảo vệ hay biển cảnh báo cho trẻ em biết mà tránh xa.
Như vụ 2 anh em ruột cùng học tại Trường mầm non Thạch Hòa, Hà Nội, bị chết đuối trong rãnh thoát nước sâu của công trường thi công bỏ hoang vào ngày 17-3; hay vụ 2 trẻ em ở Mê Linh, Hà Nội, bị chết đuối do tắm ở hồ nước công trình thuộc dự án của Công ty HUD vào ngày 30-4.
Bối rối trong phổ cập bơi lội
Thực trạng nhiều trẻ em thiệt mạng do tai nạn sông nước đã được cảnh báo từ nhiều năm nay. Năm 2010 Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cùng các ngành liên quan đã phối hợp triển khai chương trình dạy bơi cho học sinh tiểu học nhằm thực hiện đề án phổ cập bơi lội cho học sinh giai đoạn 2011 - 2015. Trong năm học vừa qua, tại TPHCM, các trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4), Bàu Sen (quận 5), Trần Nguyên Hãn (quận 8) và các trường THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh), Võ Văn Tần (quận Tân Bình)… đã thí điểm tổ chức dạy bơi cho học sinh. Tuy nhiên trong số đó chỉ có một vài trường có hồ bơi, còn lại phải thuê hồ bơi nơi khác nên cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo khảo sát, TPHCM hiện có gần 1.750 trường học từ bậc mầm non đến THPT, nhưng chỉ mới có khoảng 30 trường có hồ bơi, chủ yếu là trường mầm non. Khi nhà trường không có hồ bơi riêng, việc đưa học sinh di chuyển đến hồ bơi trong giờ học rất lộn xộn, nhiều trường đăng ký bị trùng giờ, thiếu giáo viên và không đủ hồ bơi. Thế nên, dù Sở Giáo dục - Đào tạo yêu cầu đưa môn học này vào chính khóa, nhưng nhiều trường ở TPHCM cũng chỉ có thể tổ chức học ngoại khóa.
Các trường ở ngay TPHCM còn gặp khó khăn như vậy, huống chi các trường ở tỉnh, huyện nghèo, nơi cơ sở vật chất nhà trường rất thiếu thốn, khó tìm ra hồ bơi để dạy bơi cho học sinh. Do vậy đề án phổ cập bơi lội cho học sinh vẫn cứ bị “treo”. Thiết nghĩ phổ cập bơi lội cho học sinh là vấn đề rất cấp thiết, do vậy Bộ Giáo dục - Đào tạo cần có kế hoạch triển khai quyết liệt hơn. Nên chú trọng việc đầu tư xây dựng bể bơi để dạy bơi cho học sinh ở từng quận - huyện.
Thực tế cho thấy phần lớn số vụ trẻ chết đuối là do cha mẹ bận bịu, bất cẩn, không quan tâm quản lý và nhắc nhở con trẻ tránh xa sông nước. Việc cho trẻ học bơi là yêu cầu đặc biệt quan trọng để phòng tránh hiểm họa chết đuối, tuy nhiên gia đình không thể trông chờ, phó mặc trách nhiệm dạy bơi cho nhà trường.
THU HƯỜNG