(SGGP).– Liên quan đến việc tuyển sinh vào lớp 1 của Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội, hôm qua 14-5, trao đổi với PV Báo SGGP, bà Lê Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Thực nghiệm cho biết, đã có 500 đơn xin học lớp 1, đây là con số tăng đột biến so với mọi năm.
Trả lời câu hỏi nhà trường sẽ nghiên cứu cải tiến phương thức tuyển sinh như thế nào trong những năm tới để tránh những áp lực, căng thẳng không đáng có, bà Hương cho hay, trước mắt nhà trường hoàn tất kỳ tuyển sinh năm nay. Sau đó sẽ bàn bạc, thảo luận để tìm ra phương thức tuyển sinh phù hợp nhất cho các mùa tuyển sinh tới. Với những góp ý của các chuyên gia giáo dục, cộng đồng xã hội về việc công nghệ hóa việc mua - bán đơn, trong đó có việc bán đơn xin học qua mạng.
Theo ông Nguyễn Lộc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đơn vị chủ quản của Trường PTCS Thực nghiệm Hà Nội, việc tuyển sinh vào lớp 1 của trường hàng năm đều trong tình trạng nhu cầu cao hơn khả năng đáp ứng. Tuy nhiên, năm nay có sự gia tăng đột biến nên xảy ra sự cố hỗn loạn như vậy.
Trong khi đó, hiện dư luận đang đặt câu hỏi tại sao mô hình trường thực nghiệm được người dân ủng hộ, ưa thích nhưng ngành giáo dục chưa nhân rộng? Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho rằng, chương trình thực nghiệm được áp dụng phương pháp giáo dục mang nhiều tính tích cực như đề cao tính tự quản, tôn trọng tính sáng tạo của học sinh... Tuy nhiên, không thể triển khai đại trà bởi theo Luật Giáo dục, Việt Nam chỉ có một chương trình học và một chương trình sách giáo khoa hiện hành. Còn chương trình thực nghiệm chỉ mang tính thí nghiệm. Nơi nào có nhu cầu thí điểm thì cứ tiến hành, Bộ rất khuyến khích. Việc có nhân rộng mô hình hay không là do Viện đề nghị lên Bộ (bởi đây là nghiên cứu của Viện), lúc đó Bộ mới xem xét”.
Lâm Nguyên