
Ngày 18-12, Joseph Barbera, người còn lại của bộ đôi huyền thoại Hanna - Barbera (Mỹ), “cha đẻ” của những Tom & Jerry, Gấu Yogi, Gia đình Flintstones, chó Scooby- Doo… đã mãi mãi ra đi ở tuổi 95.
Trong thế giới hoạt hình thế kỷ 20, tên tuổi Hanna- Barbera chỉ thua mỗi bậc thầy Walt Disney. Và cảm động hơn cả chính là một tình bạn keo sơn hiếm có, gắn bó Hanna- Barbera suốt từ khi họ gặp nhau năm 1937 cho đến khi Hanna qua đời ngày 22-3-2001.
Sự kết hợp Hanna- Barbera
Joseph Barbera sinh ngày 24-3-1911 tại Manhattan và lớn lên ở khu Flatbush, bang New York, Mỹ. Barbera có khiếu vẽ nhưng thoạt đầu, Barbera không nghĩ mình sẽ trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. Từng kinh qua nhiều nghề, từ làm việc trong ngân hàng, đến viết kịch bản, và thậm chí thượng đài đấu quyền Anh nghiệp dư.
Sau đó, phấn khởi vì bán được tranh cho tạp chí Collier, Barbera quyết định chọn nghề họa sĩ hoạt hình làm sự nghiệp của mình và hăm hở viết thư gởi đến Walt Disney ở California để xin việc, nhưng lá thư rơi vào quên lãng.

Không nản chí, Barbera tự mình khởi nghiệp ở vùng duyên hải miền Đông nước Mỹ. Sau 4 ngày thử việc với nhà làm phim hoạt hình Max Fleischer, chàng thanh niên 21 tuổi Barbera được nhận vào xưởng phim Van Beuren.
Bốn năm sau, xưởng phim đóng cửa, nhưng lúc này, nhờ tay nghề đã khá cứng cáp nên Barbera được xưởng phim Terrytoon ở New York mời về làm việc. Năm 1937, Barbera đầu quân cho chi nhánh hoạt hình của hãng Metro-Goldwyn-Mayer (MGM) ở thành phố Culver, bang California.
William Hanna (sinh ngày 14-7-1910 tại bang New Mexico, Mỹ) bắt đầu sự nghiệp cũng từ sự tình cờ. Năm 1932, vì cần việc nên khi hay tin Leon Schlesinger- nhà sản xuất phim hoạt hình cho hãng Warner Bros- tuyển nhân sự, anh thanh niên 22 tuổi Hanna vốn theo học kỹ sư và báo chí đã đánh liều nộp đơn.
Bất ngờ, Hanna được nhận dù chưa từng qua trường lớp đào tạo hoạt hình nào. Nhận thức rõ điều này nên Hanna luôn nỗ lực phi thường và chẳng bao lâu sau đã lên chức trưởng bộ phận. Năm 1933, hai giám đốc sản xuất Hugh Harman và Rudolph Ising rời Schlesinger và Warners để thành lập công ty độc lập Harman-Ising chuyên sản xuất hoạt hình cho MGM. Hanna cũng ra đi theo họ.
Năm 1936 là năm đáng nhớ với Hanna khi To Spring - phim hoạt hình đầu tiên do Hanna đạo diễn- ra đời. Năm 1937, MGM quyết định ngừng hợp tác với Harman-Ising và thành lập bộ phận sản xuất hoạt hình riêng. MGM đánh tiếng mời Hanna về làm đạo diễn.
Chính nơi đây, Barbera đã gặp William Hanna.
64 năm thăng trầm có nhau
Hanna từng nhận xét: Tôi chưa bao giờ là một họa sĩ giỏi, nhưng Barbera thì khác, Barbera có năng khiếu bẩm sinh trong việc nắm bắt và thể hiện cái thần của nhân vật qua các bản phác thảo giỏi hơn bất cứ ai mà tôi biết.
Trong lúc đó, Barbera thì hết sức khâm phục khả năng nhạy bén của Hanna khi dựng phim, lồng tiếng và tạo tính cách nhân vật. Có thể nói chính số mệnh đã kết hợp bộ đôi này lại để họ có thể phát huy tối đa thế mạnh của mình.

Thoạt đầu, hai người cùng làm việc cho loạt phim dựa theo truyện tranh Katzenjammer Kids. Một ngày nọ, khi đang ngồi chờ dọn xưởng vẽ, Barbera bỗng cảm thấy chán việc phải theo khuôn mẫu có sẵn nên quay sang ướm thử Hanna: Tại sao chúng ta không thử làm một bộ phim hoạt hình của chính mình?
Nói là làm, cả hai bắt tay vào việc và năm 1940 cho ra đời phim ngắn “Puss Gets the Boot”, khai sinh nhân vật hoạt hình mèo Tom và chuột Jerry (ban đầu có tên là mèo Jasper và chuột Jinx).
Phim này lập tức nhận được đề cử Oscar phim hoạt hình hay nhất. Trong 17 năm sau đó, loạt phim về cuộc đuổi bắt mèo- chuột, tuy có cảnh bị cho là mang màu sắc bạo lực, nhưng nhờ được thể hiện với thủ pháp hài hước cường điệu nên đã lôi cuốn nhiều thế hệ già trẻ say mê theo dõi và giành được 7 giải Oscar trong số 13 lần được đề cử.
Nhờ thành công của Tom & Jerry, năm 1955, Barbera và Hanna được hãng MGM cho phụ trách bộ phận phim hoạt hình. Thế nhưng chỉ 2 năm sau, MGM đóng cửa bộ phận này và giao Tom & Jerry cho êkíp khác thực hiện.
Không để bị nhấn chìm trong sự hụt hẫng, bộ đôi dồn sức cho công ty riêng H-B Enterprises (sau đổi tên là Hanna- Barbera Productions), chuyên sản xuất phim hoạt hình trên truyền hình, bắt đầu với loạt phim “The Ruff & Ready Show” trên kênh NBC tháng 12-1957. Năm 1958, loạt phim “The Huckleberry Hound Show” ra đời, mang lại một giải Emmy và trình làng nhân vật Gấu Yogi.
Năm 1960, Hanna-Barbera cho ra đời “The Flintstones”, một sự đột phá trong công nghệ hoạt hình. “The Flintstones” được thực hiện dạng sitcom 30 phút mỗi tập mang phong cách mới mẻ, kết hợp giữa các nhân vật được vẽ một cách đơn giản nhưng đầy màu sắc với kỹ thuật lời thoại gây cười.
Đây là lần đầu tiên có hài kịch hoạt hình, xuất hiện vào giờ vàng trên kênh truyền hình ABC. 166 tập phim “The Flintstones” đều đặn phát sóng 6 năm liên tiếp.
Trong những năm tiếp theo, Hanna- Barbera tiếp tục sáng tạo thêm nhiều phim hoạt hình nổi tiếng khác, như “The Jetsons”, “Jonny Quest”, “Atom Ant”, “Scooby-Doo”… Riêng “Scooby-Doo” được trình chiếu trong 17 năm, lập kỷ lục là bộ phim hoạt hình được phát sóng lâu nhất trên truyền hình; đến năm 2002, 2004 được dựng thành phim có người thật đóng cũng rất ăn khách.
Năm 1991, Hanna-Barbera bán lại công ty cho tập đoàøn Turner với giá 320 triệu USD. Sau đó, hai ông vẫn tiếp tục cộng tác với nhau sản xuất phim hoạt hình cho Warner Bros và tình bạn keo sơn của họ chỉ chấm dứt khi Hanna qua đời vào năm 2001.
Trong 64 năm, bộ đôi Hanna-Barbera huyền thoại hoạt hình đã giành 7 giải Oscar, 8 giải Emmy và được lưu danh với những ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood và trong Phòng danh dự của Hàn lâm viện Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ.
(Theo NYT, Time)
BẢO TRÚC