70 năm vững vàng “miền Nam đi trước”

70 năm vững vàng “miền Nam đi trước”

Tiếng súng mở đầu ngày 23-9-1945 ở thành phố Sài Gòn đã làm nên một tinh thần Nam bộ kháng chiến bất diệt. 70 năm đã qua đi, nhưng tinh thần “ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…” vẫn vang vọng. Trò chuyện với Báo SGGP, đồng chí Trần Hữu Phước, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam, nguyên Thư ký của đồng chí Lê Đức Thọ (Bí thư Trung ương Cục miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp), đã xúc động trở về với những kỷ niệm của mình trong quá khứ.

* PV: Có thể nói miền Nam đi trước về sau, bắt đầu từ sự kiện ngày 23-9-1945 ấy?

* Đồng chí TRẦN HỮU PHƯỚC: Đúng vậy, chỉ 21 ngày sau khi khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, giặc Pháp dựa vào quân Anh để nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai.

Sáng ngày 23-9-1945, Xứ ủy Nam bộ và Ủy ban nhân dân Nam bộ đã họp liên tịch khẩn cấp tại đường Cây Mai (Chợ Lớn), hội nghị chủ trương phát động nhân dân kiên quyết kháng chiến, Ủy ban kháng chiến Nam bộ và Ủy ban kháng chiến Sài Gòn được thành lập. Từ ấy đến ngày 19-12-1946, nhân dân Nam bộ tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước ngày toàn quốc kháng chiến 15 tháng. Thế nên, nói “miền Nam đi trước về sau” hay “30 năm đi trước về sau” là nói đến sự kiện đặc biệt của 15 tháng “đi trước” ấy.

Đó cũng là nguyên nhân giải thích vì sao tháng 2-1946, Bác Hồ thay mặt Chính phủ tặng cho đồng bào Nam bộ danh hiệu “Thành Đồng Tổ Quốc” vẻ vang. Nói một cách khác, giá trị tinh thần truyền thống của nhân dân ta được thể hiện mãnh liệt trong khí phách “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và trong tinh thần chấp nhận mọi hy sinh để “đi trước về sau” của nhân dân Nam bộ trong cuộc kháng chiến thần thánh.

Đồng chí Lê Đức Thọ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam (hàng đầu trên chiếc xuồng thứ nhất) và các cán bộ giúp việc đang đi giữa Đồng Tháp Mười

* Như ông đã nói, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam bộ đã để lại nhiều bài học lịch sử quý giá, trong đó nổi bật là gì, thưa ông ?

* Có rất nhiều bài học quý. Trong đó, có hai bài học được mọi người tâm đắc và thường xuyên vận dụng. Đó là bài học về công tác xây dựng Đảng và công tác dân vận.

Nhờ quan tâm công tác xây dựng Đảng nên chúng ta đã tổ chức được một đội ngũ cán bộ, đảng viên kiên định về lập trường, quan điểm, trong sạch về phẩm chất và đạo đức. Hồi đó, cán bộ, đảng viên đi kháng chiến với hai bàn tay trắng, chỉ có cái ba lô và chiếc nóp trên vai. Không sợ hy sinh gian khổ, không hề có tư tưởng tư lợi.

Nhờ có quan điểm quần chúng tốt và làm công tác dân vận khéo, nên cán bộ thời đó luôn gắn bó với quần chúng, sống hòa với dân như cá với nước, được nhân dân hết lòng nuôi nấng, đùm bọc, chở che. Có những nơi khi địch càn quét, đồng bào che giấu cán bộ bằng mọi cách, cho dù bị địch bắt và tra tấn, họ vẫn bảo vệ cán bộ đến cùng, thà chết chứ không khai báo.

* 70 năm qua, tinh thần “miền Nam đi trước” đó cần được vận dụng, phát huy như thế nào để lại góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng Tổ quốc, thưa ông?

* Điều mà tôi thích thú nhất là cho đến nay giá trị tinh thần truyền thống của Nam bộ kháng chiến vẫn còn nguyên vẹn, nóng bỏng tính thời sự và có sức sống vượt thời gian. Nếu như trước đây chúng ta “đi trước về sau” trong cuộc kháng chiến chống Pháp thì ngày nay, chúng ta càng phải nỗ lực phấn đấu vươn lên để cùng với cả nước “đi trước về trước” trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới đất nước.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chúng ta là phải tận dụng những kinh nghiệm quý báu trong công tác xây dựng Đảng của thời kỳ kháng chiến chống Pháp để giải quyết vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng theo tinh thần nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nhằm tích cực ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Chúng ta còn cần phải nỗ lực vận dụng những bài học kinh nghiệm quý giá về công tác dân vận trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp để nâng cao tính hiệu quả của công tác dân vận trong giai đoạn cách mạng mới nhằm tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ta phải “thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân” như trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XII đã thể hiện rõ.

* Xin cảm ơn ông!

HỒNG HIỆP - KHIẾT NHUNG
(thực hiện)

Tin cùng chuyên mục