Ai định hướng cho học trò học nghề?

Mới đây, đến thăm một học trò cũ học lớp 11 nhưng xin nghỉ học vì gặp một sự cố không vui ở trường, một hiệu trưởng trường THCS-THPT ở TPHCM cảm thấy day dứt vì nhà trường chưa quan tâm đến việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ bậc THCS.
Ai định hướng cho học trò học nghề?

Mới đây, đến thăm một học trò cũ học lớp 11 nhưng xin nghỉ học vì gặp một sự cố không vui ở trường, một hiệu trưởng trường THCS-THPT ở TPHCM cảm thấy day dứt vì nhà trường chưa quan tâm đến việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ bậc THCS.

Thay vì lo sợ học trò của mình đi vào ngõ cụt sau khi nghỉ học, cô hiệu trưởng rất vui khi nhìn thấy cô học trò lạc quan vì tìm được niềm vui, định hướng tương lai ở một trường dạy nghề. Em đã chọn học nghề vẽ, thiết kế thời trang vì đam mê, thích thú. Cô học trò này cũng bộc bạch rằng “theo học nghề em cảm thấy nhẹ nhàng, ít áp lực hơn học chữ. Hơn nữa, em sẽ sớm tìm được việc làm và thu nhập phụ giúp cha mẹ vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn”. Từ câu chuyện thực tế này, cô hiệu trưởng càng hiểu rõ và lập tổ tư vấn riêng cho những học trò có học lực trung bình khá, khuyên các em không nên cố sức thi vào lớp 10. Dù nhà trường xới lên với ý tưởng tốt đẹp và mong muốn học trò của mình đi đúng hướng, chọn đúng nghề phù hợp với năng lực học tập nhưng… rất ít phụ huynh, học sinh ủng hộ. Mang tư duy cũ, học nghề là ngõ cụt, học nghề là thua kém, nhiều phụ huynh dù không có khả năng về kinh tế cũng nhất quyết cho con vào tiếp bậc THPT cho bằng bạn, bằng bè… “Tuy khó nhưng nhà trường vẫn kiên trì tư vấn, định hướng tương lai cho các em bằng con đường học nghề phù hợp nhất”, cô hiệu trưởng chia sẻ tâm huyết của mình.

Ở một lớp học vẽ

Có thể nói tư duy cũ của nhiều bậc phụ huynh chính là rào cản đối với công tác định hướng phân luồng học sinh từ lớp 9 ở tất cả các trường THCS thuộc các quận, huyện. Dù có học lực trung bình khá hoặc yếu nhưng gần như số học sinh này vẫn chỉ chọn hướng học tiếp lên bậc THPT. Và nếu không đậu lớp 10 công lập thì gia đình cũng đăng ký cho con em họ học ở trường ngoài công lập. Và cứ sau mỗi mùa tuyển sinh vào lớp 10 công lập, ngành GD-ĐT lại phân bua sự “bất lực” kéo dài vì việc phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS không đạt hiệu quả, tỷ lệ thấp. Còn hiệu trưởng các trường THPT thuộc tốp dưới có đầu vào tuyển sinh thấp tiếp tục than thở rằng có một bộ phận học sinh càng học càng đuối dần, thậm chí bỏ học giữa chừng. Thực tế tuyển sinh này ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu suất đào tạo. Theo các chuyên gia giáo dục, giá như học sinh bậc THCS được phân loại kỹ về trình độ, năng lực học tập, khả năng thích ứng với bậc học cao hơn thì các em có học lực trung bình trở xuống sẽ chọn ngã rẽ học nghề thay vì bước tiếp lên bậc THPT. Nhiều trường dạy nghề ở TPHCM được đầu tư bài bản, chất lượng đào tạo tốt nhưng thiếu nguồn tuyển sinh, bị học sinh quay lưng, trong khi thị trường lao động đang cần nhiều “thợ” hơn “thầy”.  Thậm chí, do chạy theo bằng cấp, đổ xô vào đại học, cao đẳng, nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp lại phải quay về học nghề, bổ sung kỹ năng nghề. Như thế lỗi tại ai và bao giờ thực trạng này mới có hướng giải quyết căn cơ nếu giáo viên chủ nhiệm và nhà trường vẫn xem nhẹ công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ khi còn học bậc THCS đến THPT?

Kinh nghiệm từ các nước có nền giáo dục phát triển cho thấy, học sinh từ bậc THCS đã được các trường học tư vấn, định hướng việc chọn nghề, ngành học rất kỹ lưỡng. Vì thế, ai có năng lực trình độ thì mới bước tiếp vào bậc THPT và phát triển năng lực vượt trội, sở trường riêng, còn không đều rẽ sang trường nghề, trường cao đẳng cộng đồng để học một nghề phù hợp. Bài học kinh nghiệm này đã xới lên từ lâu nhưng bao giờ trở thành hiện thực ở Việt Nam?

 HÀ KHÁNH

Tin cùng chuyên mục