Từ năm học 2010 - 2011, TPHCM đã đồng ý tăng thêm biên chế giáo viên tâm lý cho các trường để mở rộng mạng lưới tư vấn học đường. Thế nhưng, làm thế nào có đủ nguồn giáo viên chuyên về tâm lý, công tác xã hội để tuyển? Đó là bài toán chung chưa có lời giải đối với việc chăm sóc “phần hồn”, giải tỏa bức xúc, ngăn chặn bóng đen bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng.
Thiếu nơi “xả van” căng thẳng...
Khi được hỏi “nếu có chuyện khó nói và bức xúc cần giãi bày thì em có tìm đến phòng tư vấn học đường của trường hay không”, em N.H. học lớp 9 Trường PTCS chuyên Nguyễn Du, quận Gò Vấp, trả lời: “Trường em không có phòng tư vấn học đường. Mà nếu có thì bọn em cũng không tìm đến nơi đó để tư vấn vì thấy kỳ lắm…”.
Tương tự, em Thanh Vy, học sinh lớp 11 Trường THPT Diên Hồng (quận 10), bộc bạch: “Nếu có chuyện gì thắc mắc, tìm hiểu về giới tính, kỹ năng sống… thì bọn em tự trao đổi với nhau hoặc tìm thông tin trên mạng, chứ ít tìm đến thầy, cô chủ nhiệm để chia sẻ, tư vấn”.
Em Nhã Uyên đang học lớp 10 ở một trường THPT ở quận trung tâm bộc bạch: “Nhà trường thường nhắc đến khẩu hiệu lắng nghe và chia sẻ với học sinh nhưng mỗi khi chúng em đụng chuyện gì khó nói, thậm chí có bức xúc liên quan đến học hành, thi cử thì không được ai quan tâm tháo gỡ, giải tỏa ngay…”.
Khảo sát một số học sinh đang học lớp 9 và cấp 3 ở các trường THCS và THPT trên địa bàn TP, chúng tôi nhận thấy các em không mặn mà với hoạt động tư vấn học đường cũng như kỳ vọng được chia sẻ, giãi bày những điều muốn nói với nhà trường. Theo các em, những chuyện khó nói, bức xúc về áp lực học hành, cách giảng dạy cũng như ứng xử chưa thuyết phục, thiếu tâm lý của một số thầy cô, giám thị ở trường… ít khi được ban giám hiệu lắng nghe, chia sẻ một cách cởi mở.
Chính vì thế, sợi dây thân thiện, nhịp cầu thầy trò từ lớp học đến sân trường đôi khi trở nên xa cách. Trong nhiều trường hợp, khi thấy học trò bồng bột, phản ứng tiêu cực vì không được giải tỏa tâm lý hoặc có biểu hiện vi phạm đạo đức, đánh nhau vì những mâu thuẫn, xích mích rất nhỏ, nhiều thầy cô chủ nhiệm mới giật mình, không thể tin vào sự thật.
Một thầy chủ nhiệm khi thấy học trò của mình giết bạn vì lý do rất vụn vặt, bồng bột ở tuổi mới lớn đã rơi lệ: “Giá như thầy gần gũi và hiểu các em hơn thì bây giờ đâu phải thấy máu chảy ở sân trường…”.
Theo Bộ GD-ĐT, trong năm 2009 - 2010 cả nước xảy ra 1.600 vụ học sinh đánh nhau, trong đó có nhiều học sinh bị khiển trách, bị buộc thôi học. Làm sao tạo ra môi trường học đường thân thiện, biết chia sẻ - lắng nghe những lời thổ lộ, bộc bạch của học trò thì khó có thể ngăn chặn được hành vi tiêu cực, bạo lực của các em. Thực tế cho thấy, nhu cầu được chia sẻ, được lắng nghe và giải tỏa tâm lý ở lứa tuổi mới lớn, nhất là độ tuổi 14 - 17, rất lớn.
Khó tuyển được giáo viên tâm lý
Thầy Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Diên Hồng, cho biết: “Trước đây, trường chúng tôi cũng có phòng tư vấn học đường nhưng bây giờ không còn vì giáo viên phụ trách đã nghỉ việc. Còn tuyển giáo viên có tâm lý, kinh nghiệm về lĩnh vực này thì rất khó. Công việc tư vấn, giải tỏa những chuyện bức xúc của học sinh tạm giao cho tổ giám thị. Khi phát hiện những trường hợp học sinh cá biệt hoặc có vấn đề bất thường thì tổ giám thị cùng với thầy, cô chủ nhiệm, ban giám hiệu sẽ tìm hiểu sự việc và tìm cách chia sẻ, giải quyết ngay”.
Thầy Nguyễn Xuân Cảnh, Hiệu trưởng Trường THCS chất lượng cao Hồng Bàng (quận 5), trăn trở: “Hiện nay, Trường Hồng Bàng không có giáo viên nào chuyên về tâm lý đảm nhiệm công việc tư vấn học đường cho học sinh vì không có biên chế. Ngay cả giám thị cũng thiếu nên việc quản lý học sinh cũng gặp khó khăn. Còn giáo viên chủ nhiệm - người gần gũi các em nhất - lại bận chuyên môn và không có thời gian để chia sẻ với các em mọi vấn đề…”.
Như thế, trường nào cũng nhận thấy hoạt động tư vấn học đường cho học sinh là cần thiết nhưng việc lập phòng tư vấn, tuyển giáo viên tâm lý thì chưa thể vì nhiều lý do như thiếu cơ sở vật chất, thiếu biên chế.
Hơn nữa, có trường đã thành lập phòng tư vấn học đường nhưng hoạt động không hiệu quả vì không có giáo viên chuyên về tâm lý, có kinh nghiệm mà phải lấy giám thị kiêm công việc này. Chính vì thế, học sinh ngại tìm đến để tư vấn, giãi bày những điều cần được chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: “Sắp tới sở sẽ có cuộc họp bàn về chủ đề quan trọng và bức thiết này. Việc thiếu biên chế giáo viên tâm lý như các trường phản ánh đã được TP giải quyết và mỗi trường sẽ có 1 giáo viên chuyên trách về tâm lý”.
Cái khó hiện nay là tìm đâu ra nguồn tuyển chuyên nghiệp vì giáo sinh mới ra trường thường chê công việc này lương thấp. Trong khi ngành giáo dục vẫn bị động vì thiếu nhân sự, tuyển không đủ giáo viên tâm lý thì mối lo ngại ai sẽ giúp học sinh giải tỏa nỗi niềm bức xúc vẫn là bài toán khó.
KHÁNH BÌNH