Ai là người dễ mắc bệnh ung thư gan?

 Phát hiện bị ung thư gan giai đoạn đầu, ai là người dễ mắc bệnh này và điều trị như thế nào?

Bạn đọc: NGUYỄN PHẠM HUY, 387A Lê Văn Khương, phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM: Ba tôi được phát hiện bị ung thư gan giai đoạn đầu, gia đình rất lo lắng. Xin bác sĩ cho biết, ai là người dễ mắc bệnh này và điều trị như thế nào?

TS-BS TRẦN CÔNG DUY LONG, Trưởng Đơn vị Ung thư gan mật, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM: Ung thư gan là một trong những căn bệnh nguy hiểm phổ biến trên thế giới. Trong giai đoạn đầu, bệnh có diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ rệt khiến người bệnh chủ quan, phát hiện muộn nên tỷ lệ tử vong rất cao.

Ung thư gan gồm: nguyên phát (tế bào gan trở nên bất thường) và thứ phát (tế bào ung thư ở bộ phận khác đi vào gan). Các tế bào ung thư phát triển gây ảnh hưởng đến mô liền kề và có thể lan sang các vùng khác của gan, thậm chí là các cơ quan khác ngoài gan.

Những người mắc các bệnh về gan mạn tính như: viêm gan B mạn, viêm gan C mạn và xơ gan thường có nguy cơ cao bị ung thư gan. Ngoài ra, với những người có tiền sử gan nhiễm mỡ, đái tháo đường type II hoặc do các yếu tố khác như di truyền, nghiện rượu, nghiện thuốc lá… cũng thuộc nhóm có nguy cơ bị ung thư gan. Khi phát hiện bệnh trong giai đoạn đầu, có thể điều trị ung thư gan triệt để với các phương pháp: đốt khối u bằng sóng cao tần (khi kích thước khối u nhỏ hơn 3cm), phẫu thuật loại bỏ phần gan mang khối u và phẫu thuật ghép gan.

Tuy nhiên, khi bệnh tiến đến giai đoạn tiến xa hoặc giai đoạn muộn, người bệnh sẽ được chỉ định liệu pháp điều trị toàn thân. Ngoài liệu pháp cổ điển hóa trị: bơm hóa chất và làm thuyên tắc mạch nuôi khối u (TACE), y học hiện nay đã có những liệu pháp tân tiến khác như: liệu pháp nhắm trúng đích (ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư), liệu pháp miễn dịch (kích hoạt hệ thống miễn dịch cơ thể tự tiêu diệt tế bào ung thư), liệu pháp kháng sinh mạch máu (ức chế sự phát triển các mạch máu ở khối u).

Bạn đọc có thắc mắc về tình hình sức khỏe, cách phòng chống bệnh, vui lòng gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Khoa giáo - Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5 quận 3, TPHCM; hoặc qua email: thanhson@sggp.org.vn.

Tin cùng chuyên mục