
Một thông tin làm giới kinh doanh ẩm thực phải suy nghĩ: kéo dài 6 năm rồi nhưng mô hình “buffet gánh” tại khách sạn 3 sao Bông Sen lúc nào cũng đông khách (ảnh). Từ ý tưởng ban đầu là tái hiện những gánh hàng rong, những món ăn đường phố, xe nước mía dân dã… của Sài Gòn xưa những năm 1970, dọn ra bàn tiệc khách sạn 3 sao – ngõ hầu thử nghiệm mang lại một nét sinh khí mới cho ẩm thực Việt Nam. Không ai ngờ dân thành phố thời đại công nghiệp đã hưởng ứng nhiệt liệt!

Ẩm thực quê trên bàn tiệc 3 sao
Người ta đổ về Bông Sen để thưởng thức từ món chuối chiên nóng hổi, chén chè trôi nước bột báng Nam bộ đến các món nướng truyền thống, bún riêu, bún ốc nóng hổi… Từ lịch bán chiều thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, buffet gánh của Nhà hàng Mangostine “nở nồi”: bán tất cả các buổi chiều tối trong tuần. Hơn 1 năm gần đây, buffet gánh lại tiếp tục được “điều chỉnh” chút đỉnh để bán luôn cả buổi trưa. Và hiện nay, sức sống của buffet gánh và những món ăn hè phố dân dã trên bàn tiệc 3 sao làm người ta phải kinh ngạc. Mỗi ngày có đến vài ba trăm khách đến Bông Sen dùng buffet gánh, buổi tối cuối tuần khó mà tìm được một chỗ ngồi vừa ý nếu không điện thoại đặt trước. Tất nhiên buffet gánh vẫn đang cải tiến. Bạn đến đặt sinh nhật ở buffet gánh, nhà hàng sẽ dành cho bạn những giây phút chia vui thật ấm áp trên nền nhạc Happy Birthday. Việt kiều về thăm quê sẽ được sống lại những phút thư giãn yên ả bên bờ chuối, lu nước, ao sen… Còn những ai nhớ nhung thời thơ ấu, chợt thèm gói xôi gói lá chuối thơm lừng với vị ngọt của đường, đậu xanh nghiền, vị béo của dừa… có thể tìm đến Bông Sen để lặng lẽ thưởng thức và hồi tưởng.
Ngày 10-12-2004 này, KS Bông Sen sẽ kỷ niệm 6 năm buffet gánh. Một lễ hội dân dã với ổ bánh kem dành tặng cho 200 khách đến dự tiệc, sẽ đánh dấu năm thứ 6 tồn tại của một loại hình ẩm thực dân dã đường phố. Song trên hết, sự tồn tại lâu bền của loại hình ẩm thực này minh chứng một điều: nghệ thuật ẩm thực có cái hồn riêng của nó, người ta tìm đến buffet gánh không chỉ để ăn, mà còn để nhớ, để tìm lại chút hồn quê đang mất dần giữa cuộc sống bộn bề thời công nghiệp hóa…
ĐĂNG HUY