Án hành chính chậm do việc tham gia phiên tòa của các chủ tịch tỉnh hạn chế

Theo Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc nể nang trong xử lý án hành chính là có thật, nhưng không nhiều. Án hành chính bị chậm do việc tham gia phiên tòa của các chủ tịch tỉnh hạn chế, và đây là nguyên nhân chính.
Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình trực tiếp trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình trực tiếp trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 21, sáng 20-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án.

Tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vẫn chưa đạt

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, ngành tòa án và ngành kiểm sát nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Đối với ngành tòa án, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong thời gian qua, mặc dù số lượng các loại vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều và có tính chất ngày càng phức tạp, song nhìn chung, chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của các tòa án ngày càng được nâng lên; tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan được hạn chế ở mức thấp…

Bên cạnh đó, còn những tồn tại, hạn chế nổi lên như vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan; tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; các phản ánh vướng mắc gửi về Tòa án nhân dân tối cao còn chậm; một số vấn đề cần ban hành quy phạm pháp luật có nội dung chuyên sâu, phức tạp hoặc thực tiễn chưa phát sinh còn chưa kịp thời; quy trình lựa chọn và phát triển án lệ vẫn cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, số lượng án lệ được ban hành trong một số lĩnh vực còn ít; việc đầu tư, lắp đặt trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến đồng bộ còn hạn chế…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu (ĐB) Quốc hội trên cơ sở nhìn thẳng vào các hạn chế, tìm ra những giải pháp phù hợp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác của ngành. Trong đó tập trung chất vấn các nhóm vấn đề: giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; công tác cán bộ của ngành tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của thẩm phán và các công chức ngành tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành tòa án; công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ; việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến.

Nể nang trong xử lý án hành chính là có thật

Sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trực tiếp trả lời chất vấn.

Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nhận định, tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao.

“Có phải một bộ phận thẩm phán còn nể nang, ngại va chạm bởi bên bị kiện chủ yếu là cơ quan hành chính?”, ĐB nêu chất vấn và nhận định, gần đây, các vụ án hành chính đang tăng về số lượng, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến đất đai. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang đề xuất đưa các tranh chấp đất đai sang tòa án giải quyết. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đánh giá gì về tính khả thi và nguồn lực của tòa án trong thực hiện đề xuất này?

ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu chất vấn

ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu chất vấn

Trả lời ĐB, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận, đang có nhiều tồn tại xung quanh án hành chính. “Quốc hội cho phép án hủy, sửa tỷ lệ 1,5% nhưng tỷ lệ này thực tế lên tới 4%. Và việc án hành chính không được thi hành nghiêm túc gây bức xúc cho người dân”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhìn nhận.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hòa Bình, việc nể nang trong xử lý án hành chính là có thật, nhưng không nhiều. Nguyên nhân chính, theo ông, là do việc cung cấp tài liệu của UBND các cấp cho người dân không đầy đủ, trong khi việc chuẩn bị tài liệu đủ hay không ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét xử.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân bởi sự tham gia của chính quyền các cấp trong các phiên tòa hành chính rất hạn chế. “Luật Tố tụng hành chính quy định chủ tịch UBND khi bị kiện phải ra tòa, nếu ủy quyền chỉ được ủy quyền cho cấp phó, nhưng ở cấp tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh thường rất nhiều việc nên thời gian ra tòa hạn chế, làm ảnh hưởng đến quyền của người dân”, Chánh án nói và nêu rõ, án hành chính bị chậm do việc tham gia phiên tòa của các chủ tịch tỉnh hạn chế, và đây là nguyên nhân chính.

Về giải pháp, Chánh án cho biết, từ nhiệm kỳ trước đã đổi mới tố tụng hành chính bằng cách, đối với vụ án mà huyện xử lý thì giao tỉnh xử; vụ án của tỉnh thì tỉnh vẫn xử. “Lần sửa đổi này chúng tôi sửa đổi có tòa chuyên trách, vụ án của tỉnh sẽ do tòa chuyên trách xử”, Chánh án nêu rõ

Về đề xuất tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề cập “tất cả tranh chấp về đất đai giao tòa án xử”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình phân tích, theo luật hiện hành, người dân có thể lựa chọn khiếu nại lên UBND hoặc kiện ra tòa. Do đó, nếu đưa hết ra tòa án sẽ hạn chế quyền của người dân trong việc lựa chọn hình thức xử lý.

“Nếu giải quyết tại UBND thì có lợi là UBND cấp dưới sai thì UBND cấp trên có thể sửa chữa ngay mà không cần đưa ra tòa, rất tiện cho người dân. Trong xu thế hiện nay, không nên đưa hết việc này cho tòa án. Đề nghị Quốc hội cân nhắc việc này”, người đứng đầu ngành tòa án phân tích và kiến nghị.

Rất cần xây dựng luật cho người chưa thành niên

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu chất vấn

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu chất vấn

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu vấn đề, thời gian qua, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) nhiều lần gửi văn bản cho lãnh đạo Quốc hội đề nghị ban hành luật tư pháp cho người chưa thành niên. Tòa án nhân dân tối cao đã trình hồ sơ đưa dự án luật này vào chương trình. Bà Thủy chất vấn: "Vậy việc ban hành đạo luật này có khắc phục được bất cập trong giải quyết các vụ án liên quan người chưa thành niên hay không?".

Chánh án Nguyễn Hòa Bình hồi âm, dự án luật này đang được Tòa án nhân dân Tối cao trình cấp có thẩm quyền. Hiện có 10 luật khác nhau quy định về tư pháp người chưa thành niên, nhưng xu hướng thế giới có đạo luật chuyên biệt cho đối tượng này vì có đặc thù riêng, không thể lấy tư pháp người lớn áp dụng cho trẻ em.

Theo Chánh án, việc xây dựng đạo luật riêng là rất cần thiết, thể hiện cam kết của Việt Nam về bảo vệ quyền trẻ em. Ở Đông Nam Á đã có 9 nước có đạo luật tư pháp cho người chưa thành niên và tư pháp thế giới có nhiều giải pháp nhân đạo cho đối tượng dễ tổn thương này.

Tin cùng chuyên mục