Không cho xe máy chạy xăng lưu thông trong vành đai 1 Hà Nội: Hướng tới mục tiêu đô thị xanh - văn minh - hiện đại

Theo Chỉ thị số 20/CT-TTg về giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, từ ngày 1-7-2026, Hà Nội sẽ chính thức không cho xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực vành đai 1. Lộ trình này hướng tới việc dừng hẳn xe máy xăng tại toàn bộ nội thành vào năm 2030.

Ô nhiễm không khí cao

Theo các chuyên gia môi trường, ngoài các yếu tố về thời tiết, hoạt động xây dựng, công nghiệp thì phát thải từ xe máy, ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch là thủ phạm chính gây ô nhiễm môi trường, nhất là làm gia tăng nồng độ bụi mịn PM2.5.

P5b.jpg
Nội thành Hà Nội thường xuyên bị ùn tắc và ô nhiễm do quá tải ô tô, xe máy chạy xăng, dầu

Thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam, ước tính Hà Nội hiện có trên 9 triệu phương tiện, trong đó khoảng 7 triệu xe máy với phần lớn đã sử dụng hơn 10 năm, gây áp lực lớn trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường đô thị. Bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, cho rằng, Hà Nội thường xuyên nằm trong nhóm những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, đặc biệt là bụi mịn. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng mà còn gây tổn hại tới hình ảnh của một thủ đô đang hướng đến mục tiêu xanh - văn minh - hiện đại.

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tại Nghị quyết số 04 được HĐND TP Hà Nội thông qua ngày 4-7-2017, TP Hà Nội đã đặt ra lộ trình từng bước hạn chế hoạt động của xe máy ở một số khu vực, và dừng hoạt động xe máy ở khu vực nội thành vào năm 2030. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh lộ trình (có hiệu lực từ ngày 1-7-2026) đang khiến người dân rất lo lắng khi chưa rõ phương tiện nào sẽ thay thế xe máy chạy xăng trong điều kiện thu nhập còn thấp, vận tải công cộng còn hạn chế và cơ sở hạ tầng cho xe điện vẫn còn khiêm tốn.

Không cho xe máy chạy xăng đi vào vành đai 1 Hà Nội từ tháng 7-2026 thì không chỉ người dân sinh sống tại khu vực vành đai 1 bị ảnh hưởng mà những người làm việc, kinh doanh buôn bán từ bên ngoài vành đai 3, vành đai 2 vào vành đai 1 cũng sẽ phải chuyển sang xe điện hoặc chuyển sang đi lại bằng xe công cộng.

Có lộ trình và chính sách hỗ trợ

Theo các chuyên gia, một trong những rào cản rất lớn khi chuyển đổi từ xe chạy xăng, dầu sang xe chạy điện ở Hà Nội là hệ thống trạm sạc, tuổi thọ pin và hệ thống bãi gửi xe để đảm bảo an toàn cháy nổ. Với số lượng xe máy chạy xăng như hiện nay ở thủ đô, nếu chuyển đổi sang xe điện trong 1 năm tới, đòi hỏi Hà Nội phải nhanh chóng phát triển mạng lưới trạm sạc phủ khắp các khu dân cư và phải thực sự đảm bảo an toàn, bởi thực tế đã có không ít vụ cháy, nổ nghiêm trọng xảy ra ở Hà Nội có nguyên nhân từ xe điện. Hơn nữa, với hàng triệu xe máy chạy xăng hiện nay, nếu bỏ đi sẽ dẫn tới lãng phí và tốn kém cho người dân.

P1f.jpg
Phần lớn người dân Hà Nội vẫn sử dụng xe máy, ô tô chạy xăng làm phương tiện đi lại hàng ngày

Bà Bùi Thị An cho rằng, việc tới đây Hà Nội không cho xe máy chạy xăng lưu thông là cần thiết, nhưng phải có lộ trình và chính sách hỗ trợ rõ ràng. Nếu làm gấp gáp, sẽ dẫn đến phản ứng tiêu cực và gây khó khăn cho người dân. Hơn nữa, nếu không kiểm soát tốt, thị trường xe điện có thể bị thổi giá, tạo nên làn sóng đầu cơ và trục lợi chính sách.

Trước các vấn đề liên quan tới dân sinh khi chuyển đổi sang phương tiện xanh, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết, thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TP Hà Nội đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thu đổi khoảng 450.000 xe máy sử dụng xăng, dầu của người dân sống trong vành đai 1, trước khi thành phố thực hiện không cho lưu thông phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch ở trong vành đai 1 từ tháng 7-2026. Chính sách hỗ trợ sẽ được xây dựng dựa trên kết quả rà soát kỹ lưỡng theo từng nhóm người sử dụng và từng loại xe. UBND TP Hà Nội sẽ báo cáo Thành ủy và trình HĐND TP Hà Nội xem xét ban hành chính sách hỗ trợ gần như toàn bộ chi phí liên quan đến việc chuyển đổi, như: lệ phí trước bạ, phí đăng ký xe điện mới...

- Ông NGUYỄN CÔNG HÙNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam:

Vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là các cơ quan chức năng sẽ kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, chất lượng xe máy điện và các thiết bị sạc như thế nào để tránh nguyên nhân cháy nổ. Hiện thị trường đang có nhiều loại xe điện cả sản xuất trong nước và nhập khẩu, trong đó không ít loại xe giá rẻ, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh đó, điều kiện hạ tầng tại các khu chung cư cũng rất đáng lo ngại.

Trước đây, mỗi chung cư chỉ có vài chục xe máy điện, nếu tỷ lệ xe máy điện tăng lên 80%-100%, chắc chắn mạng lưới điện sẽ bị quá tải, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nhất là các khu chung cư cũ. Đây sẽ là bài toán lớn cho công tác quản lý đô thị. Một tòa chung cư thường có 200-300 căn hộ, nếu không quản lý chặt chẽ thì hậu họa khó lường.

- TS kinh tế VŨ ĐÌNH ÁNH:

Tôi ủng hộ chủ trương tăng tốc tiến độ kiểm soát khí thải tại vùng lõi của Hà Nội, vì vấn đề ô nhiễm đã ở mức cấp bách. Tuy nhiên cần phải đồng thời thực hiện biện pháp kiểm soát khí thải đối với ô tô trong khu vực vành đai 1, vì ô tô cũng là loại phương tiện phát thải mạnh. Việc kiểm soát khí thải ô tô cùng với xe máy sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, công bằng hơn với các chủ phương tiện, tránh tâm lý bức xúc khi người nghèo bị tác động trước.

Tin cùng chuyên mục