Mẩu tin đăng trên một tờ báo mới đây khiến nhiều người giật mình: Ông chồng say xỉn, về nhà, gục đầu bên thành giếng. Lúc này ông chỉ bất tỉnh. Thấy vậy, bà vợ đã đi mua 4 lít xăng về đốt chồng và phi tang tất cả xóa dấu vết. Vài ngày sau, bà vợ ra đầu thú cơ quan công an. Nguyên nhân, theo như lời của kẻ thủ ác: Chồng cứ say xỉn hoài! Đây như hồi chuông báo động về tệ ăn nhậu, mà kẻ gánh chịu không ai khác hơn là những người vợ, những đứa con thơ…
Khi bàn đến vấn đề tiết kiệm trong thời buổi lạm phát, người ta nói nhiều về tiết kiệm điện, nước, nói nhiều về “rổ hàng hóa” ngày càng ít đi của bà nội trợ… nhưng ít ai nghĩ đến những kẻ vẫn thờ ơ với lạm phát: ăn nhậu. Thật vậy, thời buổi khó khăn, ai cũng tối mặt lo toan với đồng lương, đi chợ, mua sắm nhưng những hàng quán ăn nhậu trong và ngoài thành phố vẫn ồn ào náo nhiệt khi thành phố lên đèn.
Ở những khu vực ven thành phố, khu công nghiệp, đa số khách là đối tượng bình dân, lao động phổ thông. Chi phí ăn nhậu, theo lời một số người cho biết, chiếm 50-70% thu nhập gia đình. Trong khi nhiều ông chồng vẫn say xỉn thì các bà vợ, bà mẹ vừa tăng ca vừa phải đầu tắt mặt tối lo chạy ăn từng bữa và không hề biết mặt đồng lương của chồng. Ở nội thành, các quán nhậu bình dân vẫn là nơi lui tới của giới lao động, giới văn phòng. Nhà hàng, nói không ngoa, là nơi lui tới của nhiều cán bộ dùng để “tiếp khách”. Nhiều nhân viên phục vụ nhà hàng cho biết, đã quá quen với những hóa đơn tính tiền lên đến cả chục triệu đồng. Người lao động bình dân ăn nhậu, hậu quả là gia đình xào xáo do cảnh thiếu trước hụt sau. Cán bộ ăn nhậu chi phí đều được hợp thức hóa bằng hóa đơn “tiếp khách”.
Có lẽ hơn bao giờ hết, muốn tiết kiệm và chống lạm phát, nhìn ở góc độ xã hội, nhà nước cần mạnh tay với tệ ăn nhậu hiện nay. Một chỉ thị “nói không với ăn nhậu” ở thời điểm này là rất cần thiết. Ở nông thôn ngoại thành, các tổ chức chính trị như hội phụ nữ, mặt trận… có thể vào cuộc chống ăn nhậu và sẽ đạt hiệu quả cao như các phong trào xã hội khác. Ở nội thành, các cơ quan đoàn thể, công sở… cũng nên xem việc không ăn nhậu như một chỉ tiêu thi đua, không khoan nhượng với các hóa đơn “tiếp khách” và đây là biện pháp thiết thực trong tiết kiệm.
Trong khi cả xã hội đang chắt chiu tiết kiệm thì tệ ăn nhậu tồn tại như một mảng tối, một vết chàm lây lan… Người dân rất mong nhà nước sớm “tuyên chiến” với tệ nạn này để tạo bầu không khí trong lành cho xã hội.
HUỲNH ANH (quận 7)
>> Chú trọng tăng năng suất lao động