An toàn đến đâu, nới lỏng đến đó

Tối ngày 6-9, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM tham gia chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” số đặc biệt. Đồng chí đã trực tiếp đối thoại với người dân về định hướng, kế hoạch của TP trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu chính quyền TP đối thoại trực tiếp với người dân thông qua mạng xã hội.

Bằng mọi biện pháp, kiểm soát dịch trước ngày 15-9

Mở đầu chương trình, đồng chí Phan Văn Mãi nhắc lại lời hứa trước cử tri, trước nhân dân TPHCM khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND TP trong bối cảnh khó khăn dịch bệnh. Đó là sẽ đem hết sức mình cùng tập thể UBND TP chống dịch hiệu quả và chăm lo an sinh cho người dân. Đồng thời, xây dựng kế hoạch bài bản hiệu quả hơn để TP thích ứng trong tình hình dịch, phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội.

“Giờ này tôi đang tập trung thực hiện lời hứa của mình, trước mắt là thực hiện các biện pháp chống dịch của TP”, đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ.

An toàn đến đâu, nới lỏng đến đó ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trong chương trình đối thoại "Dân hỏi - Thành phố trả lời"

Trước câu hỏi được đông đảo người dân quan tâm về thời điểm nới lỏng giãn cách, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, đây là mối quan tâm của tất cả người dân TP, lãnh đạo TP, người dân cả nước và bạn bè quốc tế. Đồng chí xác nhận những hạn chế, khó khăn của người dân khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và TP thực hiện các biện pháp giãn cách siết chặt. Tuy nhiên, TP vẫn chưa thể hết dịch vì 2 nguyên nhân: biến chủng Delta phức tạp và việc thực hiện giãn cách ở một số nơi chưa nghiêm. Thời gian gần đây, TP thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”, xét nghiệm tìm F0, tách F0 ngăn chặn đường lây thì diễn biến tương đối tốt. “Khi chúng ta thực hiện hiện tốt hơn, đồng bộ hơn, quyết liệt hơn thì sẽ cải thiện được tình hình”, đồng chí nhấn mạnh.

An toàn đến đâu, nới lỏng đến đó ảnh 2 Đồng chí Phan Văn Mãi lắng nghe câu hỏi từ người dân gửi đến chương trình tối ngày 6-9

Chính phủ có Nghị quyết đến ngày 15-9 TPHCM phải kiểm soát được dịch bệnh, TP đang làm tất cả những biện pháp quyết tâm đạt được mục tiêu này, bao gồm thực hiện giãn cách, xét nghiệm khẩn trương, chăm sóc và điều trị F0, giảm tử vong, đảm bảo an sinh, tiêm vaccine. Nếu làm tốt các vấn đề trên được thì sau ngày 15-9, TP có cơ sở và lộ trình để nới lỏng. TP sẽ đánh giá lại và chuẩn bị các phương án sẽ triển khai nếu sau ngày 15-9 đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh.

An toàn đến đâu, nới lỏng đến đó

“Nếu không đảm bảo an toàn và sức khỏe người dân, nếu ảnh hưởng tính mạng người dân thì nới lỏng giãn cách không ý nghĩa. Phải giãn cách theo tinh thần an toàn dịch bệnh”, đồng chí Phan Văn Mãi nêu, đồng thời khẳng định, từ nay đến ngày 15-9, về cơ bản sẽ tiếp tục các biện pháp giãn cách mà TP đã áp dụng từ ngày 23-8. Tuy nhiên, có 2 điểm điều chỉnh: hệ thống siêu thị, chuỗi cung ứng sẽ mở ở cấp xã, phường, thị trấn. Ở vùng đỏ, shipper sẽ đi chợ giúp dân. Ở vùng xanh, người dân đi chợ 1 lần/tuần, khuyến khích người trong gia đình đã tiêm vaccine là người đi chợ, để an toàn.

Người đứng đầu chính quyền TP cho biết, trước mắt TPHCM chưa mở lại chợ truyền thống nhưng sẽ tổ chức lại 2 điểm trung chuyển là chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn. Từ đây sẽ cung ứng thực phẩm, hàng hóa đến hệ thống phân phối cho người dân. Ngoài ra, nếu kiểm soát được dịch, TP sẽ có kế hoạch mở lại nhiều hoạt động nếu ngành nghề, địa bàn, người tham gia an toàn. Thời điểm nào được mở thì phụ thuộc vào tình hình diễn biến dịch.

Thực phẩm từ khắp các tỉnh thành trên cả nước gửi về cho người dân TPHCM

Việc tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 là một trong những điều kiện an toàn để hoạt động sinh hoạt, sản xuất cùng với 5k và các tiêu chí khác. Dù vậy, người dân TP vẫn phải tuân thủ 5k, hình thành thói quen mới để hạn chế nguy cơ mắc bệnh cho mỗi người. “Tiêm đủ 2 mũi vaccine không phải điều kiện duy nhất và an toàn nhất”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Thành phố nhận lỗi về để thiếu sót các trường hợp khó khăn

Khi dịch bệnh phức tạp, TP bắt đầu giãn cách, người dân bị mất việc, mất thu nhập, đời sống khó khăn. Để hỗ trợ người dân, TP cũng đã rất nỗ lực. Dù vậy, đồng chí Phan Văn Mãi nhìn nhận, các gói hỗ trợ của TP liên tục được mở ra nhưng chưa đáp ứng đầy đủ đối tượng cần hỗ trợ. Một trong những nguyên nhân là TP nghiên cứu chưa đầy đủ nên chính sách đưa ra chưa thống nhất giữa các đợt hỗ trợ.

Chủ tịch UBND TP cũng gửi lời cảm ơn đến những chia sẻ của đồng bào cả nước với nhân dân TP, và sự đùm bọc của bà con TP trong lúc gian khó nhất.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, thành phố đã chi khoảng 6.000 tỷ (trong đó ngân sách TP chi 4.800 tỷ đồng và 1.200 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa). TP cũng đã trao trên 1,6 triệu túi an sinh và gạo cho bà con khó khăn. Thời gian tới, TP sẽ có thêm các hình thức hỗ trợ bao gồm tiền mặt hàng tháng cho từng người (mức chi đang cân đối), 15kg gạo/tháng/người, trao túi an sinh và các hình thức khác như vận động giảm tiền nhà trọ, giảm tiền điện nước… Các trường hợp khó khăn phát sinh, thiếu sót sẽ được lập danh sách bổ sung và được cấp thêm, không yêu cầu bất kỳ giấy tờ chứng minh gì cho các gói hỗ trợ của TP.

“Không để bất kể người nào, hộ dân nào thiếu đói, không nhận hỗ trợ là mục tiêu của TP. Nhưng TP 10 triệu dân có lúc sự bao quát của chính quyền chưa đầy đủ, nên có lúc thiếu sót, tôi xin nhận lỗi với bà con”, đồng chí Phan Văn Mãi bày tỏ.

Về sự đồng hành của TP đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ sau khi TP mở cửa hoạt động trở lại, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TP đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước về gói chính sách như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay cho các doanh nghiệp.

TP cũng đã chủ động có chương trình hỗ trợ lãi suất, khởi động lại các quỹ để hỗ trợ một phần về nguồn vốn cho các cơ sở kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, có gói chính sách hỗ trợ về chi phí mặt bằng, điện, nước cho các doanh nghiệp.

Trong quá trình xây dựng, TP sẽ trao đổi với các hiệp hội và sẽ lắng nghe các doanh nghiệp để hình thành chính sách cho sát và sẽ công bố trước 15-9.

Tin cùng chuyên mục