Cán bộ vào việc, bộ máy vào guồng
Bắt chuyến đò từ bến Tắc Xuất ra Thạnh An những ngày đầu tháng 7 mà lòng người rộn ràng. Trên mỗi chuyến đò, câu chuyện không còn là giá cá tôm, con nước lên xuống mà là chuyện sáp nhập tỉnh, chuyện chính quyền địa phương 2 cấp. Người thì vui mừng vì từ nay không phải ngược xuôi lên huyện xa, người háo hức kể về lớp cán bộ mới từ đất liền ra đảo nhận nhiệm vụ.

Sau chuyến đò dài 40 phút, chúng tôi đặt chân lên xã đảo Thạnh An, nơi vừa được giữ nguyên là đơn vị hành chính cấp xã mới. Ngay trụ sở UBND xã, vốn là trụ sở xã cũ được cải tạo lại, không khí làm việc hối hả, cán bộ công chức đang tất bật bài trí lại máy móc, sắp xếp hồ sơ, nhưng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả vẫn vận hành đều đặn. Trong không khí khẩn trương đó, ai cũng muốn nhanh chóng ổn định, đưa bộ máy mới đi vào nền nếp.
Ông Bùi Ngọc Tùng, công chức văn phòng thống kê, người có gần 10 năm gắn bó công tác tại xã đảo, vừa tiếp đón chúng tôi vừa tất bật gõ tài liệu chuẩn bị cho cuộc họp vào đầu giờ chiều. Phòng làm việc chưa bài trí xong, hồ sơ chất chồng nhưng mỗi cán bộ công chức đều nâng cao tinh thần trách nhiệm, lao ngay vào việc để chuẩn bị chu toàn nhất công tác vận hành chính quyền mới. Hiện nay, xã Thạnh An mới có 3 ấp gồm Thạnh Bình, Thạnh Hòa và Thiềng Liềng với 1.161 hộ dân, 4.218 nhân khẩu.
Chúng tôi tìm đến nhà cụ ông Hồ Văn Luông, gần 70 tuổi, sinh ra và gắn bó cả đời người với xã đảo. Nhìn con đường trải nhựa phẳng phiu với điện được áp ngầm thông thoáng, ông tâm tình, sau ngày giải phóng, Thạnh An rất nghèo. Nhiều bà con ở đây còn không biết “Sài Gòn” ở đâu, vì đi lại rất khó khăn. Từ năm 2010 trở đi, thành phố bắt đầu có đà phát triển, rồi thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... đời sống người dân dần được nâng lên.
Theo ông Luông, hiện nay, chủ trương cách mạng tinh gọn bộ máy hành chính là cột mốc quan trọng. “Bộ máy chính quyền giờ chỉn chu về trình độ, đạo đức, đáp ứng nhu cầu phát triển. Xã mạnh thì thành phố mạnh, thành phố mạnh thì trung ương mạnh. Người dân mình chỉ mong chính quyền mới phát huy, thực hiện các chủ trương, chính sách cho sát với thực tế để cuộc sống người dân ở đây phát triển bền vững, theo kịp với các phường xã khác”, ông Luông chia sẻ.
Theo lãnh đạo UBND xã Thạnh An, trụ sở của xã đang chia làm 3 nơi: UBND xã làm việc tại trụ sở cũ; Đảng ủy được bố trí tạm tại Nhà văn hóa ấp; Mặt trận Tổ quốc bố trí tại địa điểm trước đây là trụ sở công an xã. Về thực tế, số lượng cán bộ, công chức tăng lên hơn 20 người, khiến cơ sở hiện hữu không đáp ứng đủ. Dù vậy, lãnh đạo xã đã triển khai các phương án tạm để đảm bảo ai cũng có chỗ làm việc. Thời gian tới, xã sẽ đề xuất thành phố xây mới trụ sở UBND - HĐND để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Với đội ngũ lãnh đạo mới của xã đảo Thạnh An, điểm thuận lợi của xã đảo là cuộc sống yên bình, người dân nghĩa tình nên việc vận hành chính quyền mới không quá nhiều thách thức. Tuy nhiên, vì xã không sáp nhập, không thành lập trung tâm hành chính công nên hiện vẫn đang hoạt động theo phương thức cũ kết hợp những nội dung mới được TPHCM triển khai.
Dù vận hành thử nghiệm trước đó cho thấy hệ thống phần mềm hoạt động ổn định, nhưng Thạnh An lại không có văn phòng HĐND, UBND, không có các phòng chuyên môn, dẫn đến khó khăn khi xử lý văn bản, cập nhật hệ thống dùng chung. Xã đã phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM thiết lập quy trình riêng trong khi chờ hướng dẫn của cấp trên. Xã đã chủ động thành lập 3 tổ chuyên môn để đảm bảo công việc vận hành theo chỉ đạo.
Tâm thế dấn thân
12 giờ trưa, một quán cơm bình dân trên con đường rực đỏ cờ Tổ quốc là nơi tập thể cán bộ, công chức xã đảo Thạnh An thường chọn để ăn trưa. Đa số là anh em cán bộ từ đất liền ra đảo công tác, xa nhà ra đảo khơi, cùng chung mâm cơm, cùng chung mục tiêu dấn thân, phấn đấu vì sự vươn mình của nhân dân xã đảo.

Ông Hồ Hồng Thành Tính, Chủ tịch UBND xã Thạnh An, là một trong 26 cán bộ, công chức từ đất liền ra xã đảo công tác, vui vẻ ngồi ăn cơm cùng cán bộ, công chức xã. Ông Tính trước là Chủ tịch UBND xã Tam Thôn Hiệp, cũng là người con của quê hương rừng ngập mặn Cần Giờ. Do đó, khi nhận quyết định công tác ở xã đảo, ông có nhiều cung bậc cảm xúc. Vừa vui và trân trọng sự tín nhiệm, tin tưởng của lãnh đạo huyện và thành phố, nhưng ông cũng trăn trở về nơi công tác mới với đặc thù địa lý khá đặc biệt. Nhưng bỏ qua những trăn trở, cũng như tất cả cán bộ, công chức còn lại, ông đặt cho mình tâm thế sẵn sàng đoàn kết nỗ lực vượt qua mọi khó khăn.
Ông Tính kể, cứ đúng 6 giờ 30, bến đò Tắc Xuất lại đông đúc cán bộ, công chức của xã đảo, chưa kể viên chức là giáo viên, công nhân viên... sang làm việc. Di chuyển qua lại mỗi ngày với số lượng chuyến đò ít ỏi nên khi có những công tác, sự vụ đột xuất, cán bộ sẽ chọn ở lại cơ quan qua ngày. Ông Tính vừa nói vừa chỉ về chiếc vali của mình, vừa được mang qua từ hôm 1-7, để chuẩn bị tâm thế luôn sẵn sàng phục vụ cho công việc. Không chỉ ông Tính, mà còn rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức khác cũng hàng ngày gác lại chuyện gia đình, dấn thân về xã đảo công tác.
Vượt qua những thiếu thốn ban đầu về cơ sở vật chất, những bất cập do đặc thù hành chính, tập thể cán bộ công chức xã Thạnh An hôm nay với tâm thế “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” phục vụ người dân, để mạch sống chính quyền mới giữa trùng khơi không chỉ duy trì, mà phải mạnh mẽ vươn lên cùng TPHCM trong hành trình mới.