
Ký ức đau buồn
Anh Q.P.T., sinh sống gần hiện trường xảy ra vụ tai nạn chìm tàu du lịch Dìn Ký vào tối 20-5-2011 trên sông Sài Gòn, làm 16 người thiệt mạng vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại: Trước khi xảy ra vụ việc khoảng 1 tiếng đồng hồ, trời vẫn trong xanh, nhưng bất chợt gió lớn, giật mạnh, mưa nặng hạt không ngớt. Chỉ ít phút sau nhiều người dân trong khu vực nghe tiếng ồn ào, tò mò chạy ra hiện trường thì thấy tàu chìm hẳn, để lại nỗi đau dai dẳng cho nhiều gia đình. Vì nỗi ám ảnh này, hơn chục năm nay anh T. không dám lên các du thuyền ăn uống, vui chơi giải trí... Sau đó hơn 2 năm, ngày 2-8-2013, lại xảy ra một vụ chìm tàu do chở người vượt 2,5 lần cho phép xảy ra tại vùng biển Cần Giờ, TPHCM đã khiến 9 người tử vong. Tàu này do doanh nghiệp của Vũ Văn Đảo tổ chức đóng bằng vật liệu PPC khi Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế, đăng kiểm phương tiện. Nguyên nhân xảy ra vụ chìm tàu, ngoài quá số lượng người vượt quy định còn các nguyên nhân khác như: phương tiện hành trình không được phép hoạt động, người điều khiển phương tiện không phù hợp.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũ hiện còn nhiều bến đò ngang đang hoạt động, phục vụ nhu cầu của người dân khu vực giáp ranh với tỉnh Đồng Nai (bến đò Tân Uyên), mỗi năm chuyên chở hàng chục ngàn người qua lại. Chị Nguyễn Thùy D. (38 tuổi, quê tỉnh Đồng Tháp) làm việc lâu năm tại bến khách ngang sông An Sơn - Nhị Bình (còn gọi là bến đò An Sơn, phường Hưng Định, TPHCM) từng nghe đến vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký gây hậu quả thảm khốc nên khi vận hành bến đò, điều phối phương tiện tại đây, chị luôn cẩn trọng. Chị chia sẻ: Bến An Sơn có 3 phà, trong đó 2 chiếc hoạt động liên tục, 1 chiếc để dự phòng khi đông khách hoặc có phương tiện sửa chữa. Những ngày gió yên, sóng lặng thì phà chạy liên tục với tần suất 5 đến 10 phút/chuyến. Nhưng những ngày gần đây dông gió liên tục và rất bất thường, nhiều khi đang nắng nóng gay gắt đã chuyển ngay sang dông lốc, kéo theo sóng nước mạnh và dòng nước ngầm khó đoán, nên anh em vận hành cương quyết neo đậu tại bến, bất kể nhiều hành khách có hối thúc. Hiện trên phà An Sơn luôn có 3 người làm việc, trong đó có 1 lái chính, 1 lái phụ và 1 nhân viên phục vụ, với nhiệm vụ chính là mang áo phao đến từng hành khách hoặc mặc vào từng người nếu là trẻ em, khi đã đảm bảo an toàn, cửa lên xuống được khóa lại, phà mới được di chuyển.
Theo Nghị định 139/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, hành vi không mặc áo phao đi khi đò, phà bị phạt đến 2 triệu đồng; không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị, dụng cụ cứu sinh (áo phao...), cứu đắm cho người, hành khách trên phương tiện thì người lái phương tiện có sức chở đến 12 người bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng; không có bảng hướng dẫn cách sử dụng thiết bị, dụng cụ cứu sinh (áo phao), cứu đắm nếu tổ chức vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 -20 triệu đồng.
Áo phao để… bụi bám
Tại đặc khu Côn Đảo, TPHCM, hiện có một số tour, tuyến tham quan, trải nghiệm các hòn bằng ca nô do một số doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh du lịch vận hành. Để đảm bảo an toàn cho du khách, các ca nô đều phải kiểm tra chặt chẽ về số lượng người được phép chở trước khi xuất bến. Khi lên ca nô, toàn bộ khách và thuyền viên đều phải mặc áo phao và tuân thủ các hướng dẫn của thuyền viên. Theo lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, việc quản lý ra vào cảng tàu khách Côn Đảo được phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng hàng hải, Bộ đội Biên phòng và công an. Khi thời tiết bất lợi, có sóng to, gió lớn, khoảng cấp 5 là tất cả các phương tiện đều ngưng hoạt động đưa khách du lịch ra các hòn tham quan. Từ ngày 19-7, biển Côn Đảo có sóng to, gió lớn và các tàu đều ngưng hoạt động. Với việc vận chuyển hành khách bằng tàu cao tốc, đặc khu Côn Đảo đã có chỉ đạo Đồn Biên phòng Côn Đảo phối hợp với các lực lượng chức năng, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát du khách đến đảo theo quy định.
Tuy vậy, thực tế cho thấy vẫn còn tình trạng thờ ơ với việc đảm bảo an toàn khi đi qua sông, trên biển. Tại bến phà Tân Uyên nối đôi bờ sông Đồng Nai (phường Uyên Hưng, TP Tân Uyên, Bình Dương trước đây), phà di chuyển đều đặn 5-10 phút/chuyến. Tại đây, áo phao được treo phía dưới buồng lái và bám nhiều bụi bặm, sờn cũ, cho thấy chúng ít khi được trang bị cho hành khách. Một người dân sống ở khu vực bến đò này nói: Người dân đi đò thường chủ quan, không mặc áo phao, trong khi đoạn sông này cũng thường xuyên đối mặt thời tiết bất thường nên cần cơ quan chức năng tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân cùng chủ phương tiện khi vận hành, phòng tránh các sự cố bất ngờ xảy ra.
Trưa 21-7, chúng tôi mua vé xuống phà đi từ Vũng Tàu - Cần Giờ. Khi phà chạy, trời mưa lớn, gió giật mạnh nhưng không một nhân viên nào nhắc nhở hay đưa áo phao cho hành khách. Đáng chú ý, trên phà có 13 xe ô tô nhưng có ít nhất 3 xe vẫn có người ngồi trong xe dù phà đang chạy trong điều kiện thời tiết mưa to, gió lớn.
Tại xã Long Sơn (TPHCM), nơi có một số bến thủy nội địa tự phát chủ yếu phục vụ đưa khách du lịch ra các làng bè, nhà hàng nổi trên sông, ông Nguyễn Trọng Thụy, Chủ tịch UBND xã, cho biết, đã cho kiểm tra và yêu cầu các đơn vị báo cáo tình hình để xử lý nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho việc đi lại của người dân, du khách và thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Gia Hồng, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Bà Rịa - Vũng Tàu (đơn vị đang phối hợp quản lý 5 tuyến vận tải hành khách gồm: phà biển Vũng Tàu - Cần Giờ, tàu cao tốc Vũng Tàu - Côn Đảo, tàu cao tốc Vũng Tàu - TPHCM, tuyến Vũng Tàu - Vàm Láng và một tuyến tàu du lịch ở khu vực biển Vũng Tàu) cho biết thêm: Hiện các phương tiện đều được đăng ký, đăng kiểm và trang bị đầy đủ các thiết bị cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy. Theo quy định, khi lên phà, tàu, nhân viên phải hướng dẫn hành khách cách mặc áo phao, thoát hiểm khi gặp sự cố.
“Chúng tôi mới ban hành kế hoạch triển khai rà soát, kiểm tra phương tiện hoạt động ở các tuyến thủy nội địa sau vụ lật tàu chở khách ở Quảng Ninh”, ông Hồng nói.
Trưa 23-7, quan sát của phóng viên tại bến phà sông Cửa Lớn (xã Năm Căn, tỉnh Cà Mau), áo phao thì có nhưng chủ phà cột thành từng bó treo hai bên phà, khá cao so với tầm với của khách và… bị bám đầy bụi. Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn còn khoảng 10 bến khách ngang sông tập trung trên tuyến sông Phụng Hiệp, sông Trẹm… hoạt động chưa đúng quy định. Sắp tới đơn vị sẽ làm việc với các xã và các đơn vị liên quan xem xét, nếu những bến không đảm bảo hoạt động thì kiên quyết đình chỉ, không cho hoạt động.
Theo ông Tạ Huỳnh Vĩnh Trường, Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch Đất Mũi (một trong những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Cà Mau), trong quá trình phục vụ khách tham quan tuyến xuyên rừng đơn vị luôn đặt công tác an toàn lên hàng đầu. Phương tiện không được chở quá số lượng quy định được đăng ký, đăng kiểm, còn người điều khiển phải có chứng chỉ hành nghề. Vì tuyến tham quan xuyên rừng bằng đường thủy và khu vực biển nên khách phải mặc áo phao tàu mới được xuất bến. Còn những lúc thời tiết xấu, phải dừng hoạt động tham quan bằng phương tiện ca nô, vỏ lãi.