An toàn thực phẩm trường học còn nhiều nỗi lo

Trong 3 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại nhiều trường học trên cả nước. Trong đó, riêng tại TPHCM, trong tháng 2 và 3 đã xảy ra hai vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đối với cả trăm học sinh của các trường tiểu học, THCS. Đây thực sự là hồi chuông báo động, bởi thực tế một số bếp ăn trong trường học có tổ chức bán trú hoặc ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn bên ngoài vẫn còn bỏ ngỏ, quà vặt trước cổng trường chưa được kiểm soát nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm.
An toàn thực phẩm trường học còn nhiều nỗi lo

Trong 3 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại nhiều trường học trên cả nước. Trong đó, riêng tại TPHCM, trong tháng 2 và 3 đã xảy ra hai vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đối với cả trăm học sinh của các trường tiểu học, THCS. Đây thực sự là hồi chuông báo động, bởi thực tế một số bếp ăn trong trường học có tổ chức bán trú hoặc ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn bên ngoài vẫn còn bỏ ngỏ, quà vặt trước cổng trường chưa được kiểm soát nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm.

An toàn thực phẩm trường học còn nhiều nỗi lo ảnh 1

Bữa ăn của các bé học bán trú tại một trường mẫu giáo. Ảnh: BẢO NGỌC

Liên tiếp các vụ ngộ độc

Giữa tháng 3 vừa qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TPHCM đã kết luận về vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra ngày 10-3 tại Trường Tiểu học Trần Quang Khải (phường Tân Định, quận 1) với 44 học sinh phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nôn ói liên tục, choáng váng… Sự việc bắt nguồn từ bữa cơm trưa bán trú tại nhà trường với các món thịt xá xíu, canh khoai mỡ nấu thịt bằm, su su xào với cà rốt, bông cải và một món tráng miệng.

Trường Tiểu học Trần Quang Khải không có bếp ăn tập thể nên đặt suất ăn công nghiệp từ một đơn vị cung cấp ở quận Thủ Đức. Hàng ngày, công ty này cung cấp dao động trong khoảng 200 suất ăn cho học sinh bán trú của trường.

Trước đó chỉ 2 tuần, một vụ ngộ độc tập thể tương tự đã xảy ra với học sinh của Trường THCS Lê Quý Đôn (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức). Ngày xảy ra sự việc, học sinh chỉ học một buổi, nhà trường không tổ chức ăn uống nên nhận định có thể các em bị ngộ độc do ăn uống đồ ăn bên ngoài cổng trường. Tuy vụ ngộ độc không để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng và quan ngại về tình trạng mất an toàn thực phẩm “bủa vây” con em mình…

Thực tế, đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn ở trong trường học. Điển hình như vụ gần 100 học sinh Trường Tiểu học Long Bình (phường Long Bình, quận 9) bị nôn ói, chóng mặt, đau đầu phải nhập viện xảy ra cách nay chưa lâu. “Thủ phạm” chính là món cơm chiên dương châu được phục vụ tại căn tin nhà trường. Trong khi đó, tình trạng hàng rong, quán cóc, quà vặt vẫn nhan nhãn vây quanh các cổng trường học. Tại cổng Trường Tiểu học L.Đ.C. (quận 3), cứ mỗi buổi tan trường có rất nhiều cô gái chào mời bán bánh ngọt trên những cái khay mà chẳng hề biết nguồn gốc. Hay trước các cổng trường trên đường Ngô Thời Nhiệm (quận 3), Nguyễn Thái Học (quận 1)... là những gánh - xe đẩy bán phá lấu bò, bò khô bánh tráng trộn, xoài trộn, cóc trộn… không đảm bảo ATVSTP.

Trách nhiệm… bỏ ngỏ!

Theo Chi cục ATVSTP TPHCM, hiện thành phố có trên 2.820 trường học mầm non, tiểu học, THCS, THPT, đại học, cao đẳng, trung cấp có dịch vụ ăn uống. Trong đó, 1.620 trường có bếp ăn tập thể, trên 880 trường có căn tin, gần 320 trường hợp đồng với cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, trong các năm qua, năm nào cũng có ngộ độc thực phẩm trong trường học; ngành y tế nhiều năm qua đã phối hợp với ngành giáo dục kiểm soát ATVSTP trong trường học nhưng xem ra vẫn chưa triệt để.

Bữa ăn tại lớp của một trường mầm non ở TPHCM

Đối phó với nguy cơ mất ATVSTP trong trường học gia tăng, Sở GD-ĐT TPHCM vừa có công văn yêu cầu trưởng phòng GD-ĐT quận, huyện; hiệu trưởng các trường học tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn, căn tin trường học.

Theo đó, đối với trường tổ chức bếp ăn bán trú tại trường, phải có chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP còn hiệu lực; cơ sở vật chất phục vụ bán trú đảm bảo đúng quy định bếp một chiều, thức ăn nấu chín phải có dụng cụ che đậy. “Chỉ ký hợp đồng mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng với các công ty có tư cách pháp nhân và hóa đơn tài chính hợp lệ; sản phẩm động vật phải có giấy chứng nhận vệ sinh, an toàn…”, công văn của Sở GD-ĐT TPHCM nêu rõ. Trường hợp ký hợp đồng với đơn vị cung cấp từ bên ngoài, chỉ được hợp đồng với những cơ sở cung cấp suất ăn đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP; bảo đảm vệ sinh, đúng quy trình chế biến thực phẩm một chiều; xe vận chuyển thực phẩm đến trường phải có thùng kín, dụng cụ đựng thức ăn phải chuyên dụng, bảo đảm ATVSTP.

Theo Thạc sĩ Cao Văn Trung, Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm thuộc Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trên 47% ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể trường học là do vi sinh vật (E.coli, Salmonella, tụ cầu vàng), hơn 5% do độc tố tự nhiên (histamine trong cá, độc tố trong nấm), trên 5% do hóa chất bảo vệ thực vật và hơn 42% chưa xác định được căn nguyên. “An toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học vẫn còn phức tạp, vẫn còn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân do nguồn thực phẩm, nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể trong các trường rất đa dạng, khó kiểm soát”, ông Trung nhìn nhận.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục