An toàn vệ sinh thực phẩm tết: Đáng lo ngại!

Qua đường dây nóng, bạn đọc Báo SGGP phản ánh: Tại các cửa hàng, chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM đang tràn ngập thực phẩm tết như mứt, củ kiệu, lạp xưởng... không rõ nguồn gốc xuất xứ.
An toàn vệ sinh thực phẩm tết: Đáng lo ngại!

Qua đường dây nóng, bạn đọc Báo SGGP phản ánh: Tại các cửa hàng, chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM đang tràn ngập thực phẩm tết như mứt, củ kiệu, lạp xưởng... không rõ nguồn gốc xuất xứ.

        Thấy chế biến, hết muốn ăn

Tại những địa chỉ sản xuất mứt mất vệ sinh trên địa bàn TPHCM mà báo chí đã nêu đích danh trong thời gian qua, việc sản xuất, gom hàng thực phẩm tết vẫn diễn ra khá tấp nập. Tại khu cư xá đường sắt (đường Lý Thái Tổ, phường 1, quận 3), nhiều lò mứt thủ công đang hoạt động nhộn nhịp. Từ đầu hẻm 290 kéo dài qua hướng đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), hàng chục hộ dân nhộn nhịp lột vỏ me, ai cũng mồ hôi nhễ nhại. Me sau khi lột được vứt vội vào rổ hoặc thau nhựa để trên nền đất cát bụi. Một số nam thanh niên mình trần, hì hục làm việc trong những căn nhà lụp xụp, cửa mở he hé. Thoáng thấy người lạ đi qua, cả đám thanh niên 4 - 5 người bất chợt dừng làm việc, hét lớn: “Ê chúng mày, có nhà báo, cẩn thận!”. Một người dân sống hơn 20 năm tại đây cho biết: “Xóm này nhỏ, dân sản xuất mứt quen nhau, nên người lạ tới là họ nghi ngay”. Ông Tống Văn Nam, một tay buôn trái cây đã giải nghệ, ngụ tại huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk, chuyên vận chuyển me, sầu riêng, mãng cầu… cho một số lò sản xuất mứt tại TPHCM, cho biết: “Hầu hết trái cây được chuyển đến các lò mứt đều chưa chín, có cả trái non. Muốn ép chín, tẩy trắng sản phẩm, các chủ lò chỉ việc dùng hóa chất bán tại chợ Kim Biên (quận 5)”.

Lạp xưởng không nhãn mác, không bao bì bày bán tại chợ Bình Tây.

Lạp xưởng không nhãn mác, không bao bì bày bán tại chợ Bình Tây.

PV đã đem những thông tin từ bạn đọc về hoạt động sản xuất mứt không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, phản ánh lại với ông Trần Thanh Túc, Phó Chủ tịch UBND phường 1 quận 3. Ông Túc cho biết: “Hiện nay, về cơ bản các hộ sản xuất mứt tết ở khu cư xá đường sắt đều có giấy phép đăng ký kinh doanh, hoạt động hợp pháp. Chỉ có vài điểm sản xuất nhỏ chưa được cấp phép”. Nhưng khi hỏi rằng ông chắc chắn chỉ có vài điểm không phép hoạt động, thì ông Túc lại ngần ngừ không xác nhận.

Dạo qua các sạp chuyên doanh hàng mứt tết, củ kiệu, lạp xưởng… tại chợ Bình Tây (quận 6), chợ Bến Thành (quận 1), chợ Nhật Tảo (quận 10), người tiêu dùng như lạc vào ma trận, với đủ lời chào mời “có cánh” của người bán. Chỉ vào mớ lạp xưởng không nhãn mác, để trần trụi, một tiểu thương tại chợ Bình Tây nhiệt tình giới thiệu: “Lạp xưởng này do cơ sở quen sản xuất, đặc sản Sóc Trăng. Chị muốn mua bao nhiêu cũng có. Sản phẩm có chứng nhận đảm bảo vệ sinh hẳn hoi”. Khi chúng tôi hỏi muốn đặt hàng trực tiếp tại cơ sở, người bán lúng túng chống chế rằng đợi cô ta liên lạc lại với chủ. Tại chợ Bình Tây, các mặt hàng thực phẩm muối chua làm sẵn bày bán khá nhiều, tràn ra hai bên hông khu vực chuyên doanh rau củ. Sản phẩm này được chứa trong những chậu nhôm, nhựa không che chắn bụi và ruồi. Đáng nói, đây là loại thực phẩm dùng ngay, không sơ chế lại, nên việc bày bán như vậy có nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Màu sắc thực phẩm cực kỳ hấp dẫn, củ kiệu, ngó sen trắng tươi, khi ăn có vị giòn tan; rau chua thập cẩm đủ màu xanh, đỏ, vàng… Do vậy người tiêu dùng không khỏi hoài nghi có sử dụng các loại hóa chất.

        Buông lỏng?

UBND quận 6 đã ban hành Công văn 398 về việc kiểm tra, phát hiện thực phẩm không đạt chất lượng an toàn vệ sinh. Trong công văn nêu rõ: Ban quản lý các chợ thuộc quận cần tuyên truyền tiểu thương kinh doanh thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ… Thế nhưng, thực tế tình trạng thực phẩm tết không nhãn mác và không rõ xuất xứ vẫn diễn ra bát nháo tại chợ Bình Tây. Ông Phạm Ngọc Trung, đại diện Ban quản lý chợ Bình Tây, cho rằng: “Do đây là chợ đầu mối, nên tiểu thương chợ Bình Tây thường mua hàng hóa với số lượng rất lớn, sau đó xé ra bán lẻ. Tuy vậy, sản phẩm đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”. Chưa thể an tâm với cách giải thích này, chúng tôi tiếp tục nêu thắc mắc với một cán bộ trong đội bảo vệ chợ Bình Tây, ông này thừa nhận: “Tiểu thương có thói quen bày bán xá các mặt hàng như khô mực, lạp xưởng, củ kiệu… Chúng tôi đã lập biên bản, xử lý cảnh cáo nhiều lần, nhưng tiểu thương vẫn coi thường. Họ chỉ sợ lực lượng kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm, chứ không sợ cán bộ chợ”.

Chẳng còn bao lâu nữa đến Tết Nguyên đán nhưng người tiêu dùng vẫn chưa thể an tâm trước tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh vẫn bày bán tràn lan như hiện nay. Để xảy ra điều này, phần lỗi không nhỏ thuộc về phía cơ quan chức năng. Các ban quản lý chợ, lực lượng bảo vệ chợ ở ngay trong chợ nhưng luôn bị động khi xử lý các chủ kinh doanh hàng trôi nổi, mất vệ sinh. Nếu như các lực lượng liên ngành chức năng chưa có biện pháp xử lý kiên quyết tình trạng thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng vẫn phải dùng những thực phẩm độc hại trong mùa tết này.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục