Những ngày gần đây, đường dây nóng Báo SGGP nhận được nhiều cuộc gọi của bạn đọc tại TPHCM phản ánh về chuyện có nhiều trường hợp người lười lao động giả danh là “người dân miền Trung bị lũ gây thiệt hại nặng, đói khổ, phải dạt về thành phố” để xin ăn.
Nhấn chuông kể khổ để xin tiền
Chị Nguyễn Kim Chiều (ngụ đường Hoa Lan, quận Phú Nhuận) kể: “Trưa chủ nhật vừa qua, có một người phụ nữ khoảng 50 tuổi đến nhấn chuông cửa, rồi vừa khóc vừa nói mình quê Bình Định bị lũ cuốn sạch tài sản, phải dắt díu cả gia đình vào TPHCM kiếm ăn. Nghĩ thương cảm, tôi an ủi và giúp 200.000 đồng. Đến chiều, do có việc đi ngang cầu Bình Triệu, tôi bất ngờ khi thấy phụ nữ lúc trưa vừa chạy xe máy vừa trò chuyện điện thoại rất rôm rả hứa hẹn đi ăn nhậu với ai đó, không có vẻ gì khổ sở như lúc đến nhà tôi xin tiền…”.
Một đối tượng giả danh người dân vùng lũ miền Trung xin tiền trước cổng Trường THCS Hồng Bàng (quận 5)
Ông Nguyễn Hữu Kiên (ngụ đường Hàn Hải Nguyên, quận 11) cũng phản ánh: “Chừng một tuần nay, trong xóm xuất hiện nhóm người lạ, xưng là dân Quảng Bình, Quảng Nam, Phú Yên bị lũ, tới từng nhà gọi cửa xin tiền. Họ trình bày hoàn cảnh rất thương tâm, mùa màng thất thu vì lũ, nước lũ tràn vào ngập nhà, mọi thứ trở thành đống đổ nát, đói khổ nên phải vào TPHCM xin tiền để gửi về giúp người thân khắc phục hậu quả thiên tai, kịp đón Tết Nguyên đán. Chúng tôi cho tiền thì họ lấy, còn ngỏ ý giúp công việc thì họ tìm cách từ chối. Nhìn điệu bộ tôi đoán những người này nhập cư từ lâu, lười lao động, giả danh để lừa bịp”.
Cũng như mọi năm, dịp cận tết là thời điểm người xin ăn lại tái xuất tại nhiều nơi trên địa bàn TP, trong đó tập trung đông nhất trên tuyến đường Châu Văn Liêm (quận 5); cầu Calmette, cầu Bông, cổng chợ Tân Định (quận 1); ngã tư Hàng Xanh, cây xăng Thị Nghè (quận Bình Thạnh)… Tại khu vực cầu Chữ Y (nối quận 5 và quận 8) cũng thường xuyên xuất hiện một người đàn ông với dáng vẻ mệt mỏi, ngồi xin tiền bất chấp nắng mưa. Chúng tôi hỏi thăm tên tuổi, quê quán, thì người này im lặng, liên tục cúi đầu chìa tay xin tiền. Tại giao lộ Mai Chí Thọ - Lương Định Của (quận 2), mới đây cũng xuất hiện một bé trai chừng 10 tuổi dắt theo một người đàn ông đội mũ sụp che mặt như người mù để xin tiền người đi đường. Một số người còn tập trung cả ở cổng trường học, dùng nước mắt, tỉ tê tâm sự với học sinh để các em động lòng cho tiền.
Sẽ nhắc từng địa phương rà soát, xử lý
Nắm được tình hình người ăn xin gia tăng và phức tạp hơn trong thời điểm cận tết, ngay từ đầu tháng 10-2016, Sở LĐTB-XH TPHCM đã chủ động chỉ đạo Phòng LĐTB-XH các quận, huyện tham mưu cho UBND quận, huyện khảo sát, kiểm tra thường xuyên trên địa bàn để kịp thời phát hiện các trường hợp người ăn xin sống lang thang; vận động người dân không cho tiền người ăn xin, mà thông báo hoặc hướng dẫn họ tới các tổ chức bảo trợ xã hội của TPHCM; duy trì số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin từ người dân mọi lúc mọi nơi. Riêng với các Trung tâm Bảo trợ xã hội, sở yêu cầu thực hiện tốt việc tiếp nhận, xác minh nơi cư trú và quản lý hồi gia, thường xuyên kiểm tra những đối tượng ăn xin không có nơi cư trú nhất định sau khi gia nhập cộng đồng.
Ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB-XH TPHCM) cho biết, trong năm 2015, sở phát hiện và tiếp nhận 2.099 đối tượng, tính đến hết tháng 11-2016 tăng lên 2.174 đối tượng. Với những đối tượng này, Trung tâm Bảo trợ xã hội tiến hành xác minh nơi cư trú, nếu có địa chỉ cư trú thì cho về và yêu cầu địa phương thường xuyên kiểm tra, quản lý. Trường hợp các đối tượng không có nơi cư trú, sẽ chuyển vào các trung tâm bảo trợ chuyên môn, những nơi có đủ điều kiện để nuôi dưỡng, phù hợp với từng trường hợp. Sở LĐTB-XH TPHCM và các phòng bảo trợ xã hội quận, huyện cũng triển khai nhiều biện pháp để phát hiện các đối tượng giả là người khuyết tật bán vé số, lợi dụng tình thương của người đi đường để xin tiền. Với người bị bệnh thì trực tiếp đưa vào bệnh viện để kiểm tra, hỗ trợ điều trị…, từ đó sẽ sàng lọc được các đối tượng giả danh.
Về trường hợp giả danh người dân vùng lũ miền Trung vào TPHCM xin ăn, ông Lê Chu Giang khẳng định: “Đây là chiêu mới mà các đối tượng có thể áp dụng rầm rộ dịp cuối năm nay. Từ thông tin của Báo SGGP, chúng tôi sẽ nhanh chóng thông báo về các quận, huyện yêu cầu rà soát các đối tượng này. Giai đoạn trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu - 2017, chúng tôi sẽ trực tiếp nhắc nhở, đôn thúc các quận, huyện quyết liệt hơn nhằm chấn chỉnh, không để tình trạng người ăn xin nở rộ”.
THU HƯỜNG