Đang vào mùa thi cử, nhiều học sinh (HS) dù đã thi xong học kỳ 2 hoặc đang chuẩn bị bước vào kỳ thi chuyển cấp, nhất là thi vào đại học - cao đẳng, đều cảm thấy áp lực học hành, thi cử đè nặng.
Học để thi
Chị Hoàng Thị Oanh nhà ở quận Bình Thạnh tâm sự: “Tuy lớp 6 đầu cấp không thi tuyển nhưng áp lực thi đạt điểm cao để được xét tuyển đối với HS lớp 5 trong học kỳ 2 rất lớn. Để con mình được xét tuyển vào những trường có thương hiệu tôi không thể làm khác là cho con đi học thêm thật nhiều”. Chạy theo ước muốn của mẹ, bé Nguyễn Phương Vy ngày học bán trú ở trường, tối về lại đến lớp học thêm môn toán, văn và Anh văn đến gần nửa đêm. Chị Oanh hy vọng Vy sẽ đủ sức đậu vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Áp lực đẩy con vào trường chuyên rõ là do chị tự ràng vào người. Học như thế sau mùa thi cử liệu cháu có bị stress?
Tương tự, nhiều phụ huynh, HS lớp 9 đang như rơi vào “chảo lửa” - sục sôi với việc chọn lựa - thậm chí có thể coi là “cá cược” với nguyện vọng 1, 2, 3. Phụ huynh đứng ngồi không yên mà ban giám hiệu nhiều trường cũng lo tỷ lệ HS của trường lọt vào trường công thấp. Thế là, từ nhà trường đến phụ huynh, HS đều phải đua nước rút.
Một HS lớp 9 tâm sự trên blog: “Chắc mình phát điên quá. Ngày nào cũng phát ngộp vì bài vở ở trường, rồi đến lớp học thêm. Đến lớp thì thầy cô luôn miệng nhắc nhở các em phải học, phải vững kiến thức để làm bài thi đạt điểm cao. Còn mẹ mình cứ ra rả, đây là kỳ thi quyết định tương lai của con. Con phải kiếm được một chỗ học ở trường tốp trên (nghĩa là tối thiểu phải đạt 39-40 điểm trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10)… Mệt quá, tại sao ai cũng gây áp lực cho mình thế nhỉ?”. Vậy đó, ai hiểu hết tâm sự con trẻ?
Không ít HS lớp 10, lớp 11 cảm thấy mệt mỏi sau chặng đường dài 9 tháng học hành. Vừa thi xong học kỳ 2, em Lê Hằng lớp 10 ở một trường THPT quận 3 bộc bạch: “Thế là chấm dứt một năm học. Thi xong là trả hết kiến thức cho thầy cô. Nhớ làm gì cho mệt đầu…”.
Khảo sát cho thấy phần đông HS đều chịu áp lực học hành thi cử rất căng. Rất ít em cảm thấy việc học là thoải mái, tự nhiên, như một nhu cầu. Với HS lớp 11 và lớp 12 thì áp lực càng lớn hơn khi nhà nhà, người người đều kỳ vọng con mình sẽ đậu đại học nên dù khó, dù khổ, dù tốn kém cho hành trình luyện thi họ đều chen chân.
Đừng ép học sinh đến đường cùng
|
Mặc dù Bộ GD-ĐT tuyên bố giảm tải chương trình nhưng trên thực tế, nội dung chương trình học vẫn rất nặng và cách thi cử vẫn chưa đổi mới nên HS buộc phải học để thi chứ không phải để biết, để thực hành.
Một HS Trường Bùi Thị Xuân, quận 3, cho biết: “Vào mùa thi, áp lực học các môn xã hội như Sử, Địa, Sinh khiến bọn em mệt mỏi và chán ngán. Học môn sử chủ yếu giúp hiểu rõ tinh thần dân tộc, có kiến thức, nhớ sự kiện quan trọng một cách có hệ thống. Thế mà khi thi thì đề cương nêu toàn con số, chi tiết nhỏ lẻ, làm sao nhớ nổi?”. Vì thế, dễ hiểu khi các em thi xong là chữ thầy trả lại thầy!
Nhiều HS còn cho rằng chương trình học quá nặng về kiến thức hàn lâm, cộng thêm phương pháp giảng dạy xơ cứng của giáo viên khiến chuyện học luôn là gánh nặng.
Chính kiểu dạy học nhồi nhét kiến thức và không biết HS có thích tiếp nhận hay không đã làm thui chột ham thích, hứng thú học tập của các em. Vì sao cứ phải ép HS học? Ngoài việc phụ huynh muốn con mình vào trường danh tiếng hay trường chuyên thì bệnh thành tích trong ngành giáo dục cũng là nguyên nhân.
Một số giáo viên thừa nhận, nếu không cố thúc ép HS học nhiều và thi cử đạt điểm cao thì lớp mất thành tích, giáo viên mất danh hiệu giáo viên giỏi và thương hiệu nhà trường có tỷ lệ HS đạt khá giỏi cao… Theo các chuyên gia giáo dục, các nhà tâm lý học, chỉ khi nào HS cảm thấy việc học là hứng thú, bổ ích thì việc truyền đạt kiến thức mới mang lại hiệu quả.
Ngược lại, mọi sự gượng ép, cố gắng nhồi nhét kiến thức sẽ trở nên vô nghĩa. Không những thế việc thúc ép, gây áp lực học hành, thi cử căng thẳng đã dẫn đến nhiều hệ quả khó lường như HS chán học, bỏ học hoặc mệt mỏi, trầm cảm. Thậm chí những trường hợp bị stress và áp lực quá sức chịu đựng thì các em dễ tìm đến cái chết để giải thoát. Đó là lời cảnh tỉnh cho toàn xã hội.
Khánh Bình
Khổ vì kiểu học ngày nay
Dù chưa đến cuộc họp phụ huynh cuối năm để thông báo kết quả học kỳ 2 nhưng ở lớp con tôi, hầu hết các cháu đều đã biết thứ hạng. Học kỳ 2 cháu được xếp hạng 6, so với hạng 10 hồi học kỳ 1. Dẫu không đạt được ước mơ vào tốp 5 của lớp nhưng bản thân tôi cũng như cháu đều mừng thầm vì cháu đã vượt qua một học kỳ đầy gian nan và kết quả này “ngó xuống vẫn hơn nhiều người”.
Lớp con tôi học là lớp 8 của một trường THCS tại quận trung tâm thành phố. Việc học trong lớp khá căng thẳng, các cháu tranh đua nhau từng 0,1 điểm và để “tồn tại” nhiều cháu trong lớp phải tranh thủ đi học thêm. Sau giờ học chính khóa, gần 2/3 cháu trong lớp đều phải ăn vội cơm hộp hay bánh mì để đến các lớp học thêm môn Toán, Anh Văn, Lý, Hóa, Văn… Có phụ huynh cho biết, nhiều cháu về đến nhà phải sau 9 giờ tối.
Có không ít cháu vừa học thêm môn Toán tại nơi khác vừa phải học tại lớp dạy thêm do thầy trong trường mở cho “chắc ăn”. Điểm số các lần kiểm tra đều cải thiện rõ rệt nhưng tôi tự hỏi học như vậy thì thời gian đâu để các cháu vui chơi, thư giãn. Thấy con em mình oằn lưng với con chữ như vậy chẳng ai cam lòng nhưng nếu không học thêm thì khó vượt qua được các kỳ kiểm tra.
Ôn thi học kỳ 1, riêng môn Văn các cháu được phát đề cương gồm 15 đề văn, chưa kể hàng chục đề yêu cầu viết một đoạn văn ngắn, rồi phần tiếng Việt… Môn Anh văn, cô giáo giao cho làm gần 50 trang bài tập. Môn Địa Lý, phải ôm thêm atlas, biểu đồ…
Học kỳ 1 trôi qua, như cá vượt vũ môn, phải tiếp tục vào học kỳ 2 với nhiều bài vở. Có tuần, cháu phải chuẩn bị 3 bài luận mà toàn là văn nghị luận - thể loại văn mà thế hệ chúng tôi trước đây chỉ được học khi lên cấp 3 – trong khi chưa kịp xoay trở cho các môn khác. Dù con tôi chỉ học thêm 2 môn (Toán và Hóa) nhưng cháu cũng không đủ thời gian và bù đầu với khối lượng bài tập.
Đi làm, tôi tranh thủ cắt xén giờ giấc để đưa rước và phụ cháu tìm kiếm tài liệu để trôi bớt mớ bài tập chưa kịp làm. Học kỳ 2 trôi qua, cả cha lẫn con thở phào nhẹ nhõm là vậy. Chưa nghỉ hè nhưng các thầy cô đã mời chào sẽ mở lớp dạy thêm vào đầu tháng 6 vì lẽ “sang năm là năm cuối cấp THCS rồi”. Thêm một nỗi ám ảnh!
Ngành giáo dục nói giảm tải như cách xoa dịu dư luận nhưng thực tế gánh nặng chương trình vẫn oằn trên vai các em. Thấy con đạt học sinh giỏi và nằm trong tốp 10 của lớp, mặt vui nhưng lòng không vui bởi lẽ kiểu học ngày nay “được quyền trợ giúp” và khái niệm “tự học”, “độc lập tư duy” như một điều xa lạ…
Huỳnh Lê (P.5, Q.3)