Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc trình độ đào tạo. Đây là tấm giấy thông hành theo suốt cuộc đời của người học và lẽ dĩ nhiên nó không có bất kỳ một sai sót hay chỉnh sửa nào.
Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều cơ sở đào tạo lẫn cấp quản lý phôi bằng đã mắc những lỗi cơ bản khi cấp phát, chỉnh sửa ngay trên mảnh bằng của người học. Việc làm này đẩy người học vào nỗi oan bị nghi ngờ “sử dụng bằng giả” hoặc bị nhà tuyển dụng xếp hồ sơ qua một bên vì… bằng có vấn đề!
Nộp bản sao tấm bằng tốt nghiệp để xin vào làm việc tại một trường đại học, P.Đ. và nhiều sinh viên tốt nghiệp hệ vừa làm vừa học Trường Quốc tế Hồng Bàng đã bị hiểu nhầm khi nhà tuyển dụng cho rằng các anh chị cố ý điều chỉnh trên văn bằng.
Bức xúc trước nỗi oan này, P.Đ. đã đem tấm bằng để mọi người cùng xem. Đúng là oan thật vì P.Đ. học hệ vừa học vừa làm nhưng ở mục loại hình đào tạo trên bằng tốt nghiệp có ghi dòng chữ in hoa “Chính quy - Vừa làm vừa học”. Thế nhưng, khi sự việc được phản ánh, đại diện nhà trường cho rằng do phôi bằng của Bộ GD-ĐT ghi vậy nên… phải thêm vào bốn chữ “Vừa làm vừa học”. Nhiều người nói vui rằng chắc do trường quốc tế nên người ta muốn ghi gì trên bằng thì ghi!
Trước sự việc này không lâu, gần 700 tấm bằng tốt nghiệp của sinh viên Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ) bị in sai so với quy định của Bộ GD-ĐT do thiếu năm, thiếu danh hiệu kỹ sư, cử nhân, kiến trúc sư... Ở phần xếp loại tốt nghiệp bằng tiếng Anh, trường cũng điền trật lất so với quy định. Chẳng hạn như sinh viên tốt nghiệp loại khá, bộ quy định phải dùng từ “Credit” thì trường lại tự ý dùng từ “Fair”; loại trung bình khá ghi “Strong - pass” thì lại ghi “Over-average”...
Mới đây, ngày 22-6, thí sinh Lê Hữu Nhựt Tân cầm mảnh bằng tốt nghiệp THPT (do Sở GD-ĐT TPHCM cấp ngày 10-10-2010) đến Văn phòng 2 Bộ GD-ĐT tại TPHCM thất thểu nhờ đơn vị này xem giúp tấm bằng “vì em thấy nó kỳ kỳ” bởi vì sở này “xé rào” khi gạch xóa và chỉnh sửa lỗi của chính mình ngay trên bằng tốt nghiệp của Tân.
Thứ nhất, ở phần họ tên, sở này đã ghi sai tên đệm từ “Nhựt” thành “Nhật” và vô tư dùng bút mực sửa lại thành “Nhựt”. Thứ hai, để chú thích cho phần “sáng kiến” của mình, cán bộ điều chỉnh còn ghi rất rõ “Đ/c tên đệm: Lê Hữu Nhựt Tân” và kèm theo chữ ký của mình...
Rõ ràng, một cơ sở đào tạo hay đơn vị quản lý không thể không nắm rõ Quy định 33 (Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân). Và khi văn bằng bị sai với những lỗi sơ đẳng nói trên thì không thể đổ lỗi “do nhân viên đánh máy” mà chung quy đó là cách làm... ẩu.
Bởi lẽ, tấm bằng khi đến tay người nhận đã qua rất nhiều khâu và khâu quan trọng nhất là người thủ trưởng cơ sở đó ký tên.
THANH MINH