Tomomi Inada là tân Bộ Trưởng quốc phòng Nhật Bản. Bà được bổ nhiệm trong cuộc cải tổ nội các của Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng 8 và là một trong 3 nữ bộ trưởng của Nhật Bản. Tuy mới nhậm chức nhưng sự quyết đoán của bà đã khiến giới truyền thông đặt cho bà tên là “bà đầm thép”.
Sự nghiệp chính trị khởi đầu muộn
Bà Inada sinh năm 1959 tại tỉnh Fukui, miền Trung Nhật Bản. Bà là con gái của ông Yasuo Tsubakihara, nhà giáo nghiêm khắc và là người tích cực tham gia các phong trào chính trị cho đến khi ngã bệnh cách đây vài năm.
Inada có tính cách độc lập từ rất sớm. Không nghe theo lời cha, bà theo học luật tại Đại học Waseda ở Tokyo, thay vì ở trường đại học gần quê nhà thời thơ ấu ở Kyoto. Bà cũng không nghe theo lời khuyên của cha khi quyết định kết hôn với Ryuji, cựu sinh viên Đại học Waseda. Khi biết con gái theo con đường chính trị, ông Yasuo Tsubakihara đã phản đối dữ dội. “Tôi giận dữ và đã khóc. Thậm chí, tôi còn tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ với đứa con gái này”, ông Tsubakihara tiết lộ điều này vào năm 2010. Sau đó, ông cười và nói thêm rằng: “Nhưng nó cứng đầu như tôi ấy mà”.
Năm nay 57 tuổi, bà Inada cũng công khai số tài sản riêng lên tới 181,78 triệu yên (1,8 triệu USD). Đây được xem là số tài sản lớn nhất trong số 120 thành viên nội các, với số tài sản trung bình ở mức khiêm tốn là 40,18 triệu yên (395.000 USD). Phần lớn tài sản của bà Inada thuộc về bất động sản, ở cả Tokyo và quê nhà tại tỉnh Fukui, gần biển Nhật Bản.
Theo các nhà phân tích, bà Inada trở thành Bộ trưởng Quốc phòng nhờ xu thế nổi lên của các nhà lãnh đạo nữ trên khắp thế giới, từ ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton đến Thủ tướng Anh Theresa May cho đến người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn. Nhiều nhà phân tích thậm chí còn cho rằng, không loại trừ khả năng bà Inada sẽ trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản trong tương lai. Tại một hội nghị chuyên đề vào tháng 2, Thủ tướng Abe cũng công khai mô tả bà Inada là “ứng cử viên nặng ký” cho chức thủ tướng. Bản thân bà Inada từng phát biểu rằng, thủ tướng là mục tiêu của mọi chính trị gia.
Ít ai biết rằng bà Inada chỉ mới bắt đầu sự nghiệp chính trị từ năm 46 tuổi, khi thắng cử nghị sĩ và sau đó trở thành Giám đốc chính sách của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, rồi đến Bộ trưởng về cải cách hành chính. Chồng bà, ông Ryuji Inada, là người mà bà đã gặp trong một khóa thực tập môn pháp lý vào đầu những năm 1980. Ông Ryuji Inada nhớ lại thời điểm vợ mình bắt đầu sự nghiệp chính trị “cực kỳ khó khăn”; trong chiến dịch tranh cử đầu tiên của bà vào Quốc hội năm 2005, khi đó bà thắng cử chỉ với tỷ lệ sít sao.
Bà Inada cũng là một phần của chương trình “Womenomics” mà Thủ tướng Abe xem là hình mẫu để khắc phục tình trạng bất bình đẳng giới đã có từ lâu ở Nhật Bản. Mục tiêu của Womenomics là nâng cao tỷ lệ lao động nữ từ 68% lên 73% vào năm 2020.
Chính sách quyết đoán
Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản đã tăng từ nhiều năm qua và được cho là để đương đầu với sự trỗi dậy từ Trung Quốc. Bà Inada còn chủ động yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng kỷ lục để chống lại các hoạt động quân sự của Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi đang có sự tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Từ tháng 4 đến tháng 6, máy bay và tàu Trung Quốc vào không phận và hải phận gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tăng kỷ lục, giữa lúc Tokyo tiếp tục bác bỏ yêu cầu của Bắc Kinh đàm phán về quần đảo tranh chấp. Trong tháng 9-2016, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Nhật Trịnh Vĩnh Hoa để phản đối các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực này.
Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Inada trong chuyến thăm căn cứ quân sự của Nhật Bản chống cướp biển ở Djibouti
Cũng chứng tỏ sự quyết đoán của mình, chỉ 3 ngày sau khi cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc và Nga khởi động tại biển Đông (từ ngày 12-9) với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đã tức tốc đến Mỹ. Trong bài diễn thuyết tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington, bà Tomomi Inada cho biết, luôn ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Mỹ trong những vấn đề liên quan, muốn Mỹ đóng vai trò lớn hơn tại biển Đông và sẽ đẩy mạnh tuần tra chung với Mỹ cũng như các nước xung quanh tại vùng biển này, hỗ trợ các nước trong khu vực về năng lực quốc phòng trên biển.
Bà Tomomi Inada còn nhấn mạnh, nếu cộng đồng quốc tế im lặng trước những hành vi đi ngược lại quy tắc chung thì thế giới sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, Nhật Bản cương quyết hợp sức với Mỹ để chống lại sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc, để bảo vệ quyền tự do đi lại trên hải phận quốc tế.
Quyết định của Nhật Bản tham gia với Mỹ tuần tra chung ở biển Đông được xem là một trong những dấu ấn đầu tiên của bà Inada trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản. Ngoài ra, Nhật Bản cũng quyết định tập trận hải quân nhiều hơn với Mỹ và các quốc gia khác ở biển Đông. Nữ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đang trình dự toán ngân sách lên 5,17 ngàn tỷ yên (50,78 tỷ USD) trong tài khóa từ tháng 4-2017 đến tháng 4-2018. Nếu ngân sách này được thông qua, sẽ đánh dấu sự gia tăng 2,3% so với năm 2015 và là mức tăng năm thứ 5 kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên nắm quyền vào cuối năm 2012. Một trong những trọng tâm chiến lược của quân đội Nhật Bản là phát triển lực lượng đổ bộ cơ động - mô phỏng theo các quân đoàn của Hải quân Mỹ, có thể đáp ứng nhanh chóng việc triển khai quân đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản muốn tập trung kinh phí hơn 100 tỷ yên (1 tỷ USD) để nâng cấp hệ thống tên lửa Patriot Advanced của Nhật Bản (PAC-3). Đây được xem là hệ thống phòng thủ hiện đại nhất để chống lại khả năng một cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân hoặc thông thường từ Triều Tiên.
Nhật Bản cấp bách nâng cấp PAC-3 trong bối cảnh Triều Tiên đang cho thấy tiến bộ trong việc chế tạo tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công vào Nhật Bản, bao gồm cả tên lửa phóng từ tàu ngầm. Để cải thiện khả năng tuần tra các đảo, nhiều quan chức quân sự Nhật Bản muốn mua 6 tên lửa Lockheed Martin cùng máy bay chiến đấu tàng hình F-35, trực thăng vận tải Bell-Boeing V-22 Osprey và trực thăng Chinook.
KHÁNH MINH (tổng hợp)