
Trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết hôm 20-6: “Đây là một ngày tuyệt vời cho châu Phi và, thành thật mà nói, là một ngày tuyệt vời cho thế giới!”.
Thỏa thuận hòa bình cũng có thể mở đường cho các lợi ích kinh tế của Mỹ trong khu vực, vì nước này nhắm đến việc tiếp cận các khoáng sản quan trọng của CHDC Congo. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã chủ trì lễ ký kết thỏa thuận hòa bình giữa Ngoại trưởng CHDC Congo Thérèse Kayikwamba Wagner và người đồng cấp Rwanda Olivier Nduhungirehe. Ông Rubio gọi đây là “thời điểm quan trọng sau 30 năm chiến tranh”.
Hơn 7.000 người đã thiệt mạng và khoảng 1 triệu người khác phải di dời kể từ tháng 1, khi lực lượng dân quân M23 tiến hành cuộc tấn công mới chống lại quân đội CHDC Congo, giành quyền kiểm soát 2 thành phố lớn nhất ở phía Đông CHDC Congo. Cuộc khủng hoảng ở miền Đông CHDC Congo, khu vực có chung đường biên giới với Rwanda và là nơi chứa nhiều khoáng sản quan trọng, được dự báo có thể ảnh hưởng đến nguồn cung đất hiếm cho sản xuất thiết bị điện tử toàn cầu.
Theo nhà nghiên cứu người Congo Daniel Kubelwa, căng thẳng giữa CHDC Congo và Rwanda có nguồn gốc sâu xa từ các tranh chấp biên giới thời kỳ thuộc địa, căng thẳng khu vực chưa được giải quyết và hậu quả của cuộc diệt chủng Rwanda năm 1994. Trong cuộc diệt chủng đó, hàng trăm ngàn người Tutsi và người Hutu ôn hòa đã bị lực lượng dân quân người Hutu giết hại. Rwanda chỉ trích CHDC Congo vì đã đưa một nhóm dân quân người Hutu bị cấm vào quân đội để chống lại lực lượng M23 - chủ yếu là người Tutsi. M23, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2012, là một trong những lực lượng dân quân nổi bật nhất đang đấu tranh giành quyền kiểm soát nguồn tài nguyên khoáng sản của CHDC Congo. Lực lượng này cũng tuyên bố bảo vệ lợi ích của người Tutsi và các nhóm thiểu số Congo khác có nguồn gốc từ Rwanda.
Các chuyên gia của Liên hợp quốc và phần lớn cộng đồng quốc tế tin rằng Rwanda ủng hộ M23 và hỗ trợ quân nổi dậy, khiến quốc gia này rơi vào tình trạng bờ vực chiến tranh với CHDC Congo. M23 chiếm đóng các thị trấn khai thác chiến lược ở các tỉnh phía Đông của CHDC Congo là Bắc Kivu và Nam Kivu. Chính phủ Rwanda không thừa nhận tuyên bố này, nhưng khẳng định đang tự bảo vệ trước lực lượng dân quân Hutu hoạt động tại CHDC Congo.
Trong báo cáo tháng 12-2024, nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc về CHDC Congo cho biết, tìm thấy bằng chứng khoáng sản “đã bị xuất khẩu gian lận từ CHDC Congo sang Rwanda” và trộn lẫn với sản lượng của Rwanda. Trong khi đó, thỏa thuận hòa bình do Washington làm trung gian có các điều khoản về “toàn vẹn lãnh thổ và ngừng chiến sự”. Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi thỏa thuận này, theo đó cho phép Mỹ có được nhiều quyền khai thác khoáng sản từ CHDC Congo, liên kết cả hai quốc gia CHDC Congo và Rwanda với Chính phủ Mỹ và các nhà đầu tư Mỹ.
Tuy nhiên, liên minh phiến quân Alliance Fleuve Congo, trong đó M23 là thành viên chủ chốt, tuyên bố không tham gia vào tiến trình hòa bình giữa hai Chính phủ Rwanda và CHDC Congo do Mỹ làm trung gian. Thay vào đó, liên minh phiến quân Alliance Fleuve Congo muốn tham gia một tiến trình đàm phán riêng do Qatar làm trung gian tại thủ đô Doha của nước này. Vì thế, dư luận thế giới vẫn lo ngại về một nền hòa bình mong manh.