Ba lần gặp Bác

Đã gần 60 năm trôi qua nhưng những kỷ niệm về những lần gặp Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc năm nào vẫn còn in đậm trong ký ức của bác Phạm Ngọc Trình. Chúng tôi đã gặp bác Trình tại nhà riêng ở TPHCM, khi bác Trình đang cùng một người bạn say sưa câu chuyện vượt Trường Sơn ra Việt Bắc và được gặp Bác Hồ năm nào.
Ba lần gặp Bác

Đã gần 60 năm trôi qua nhưng những kỷ niệm về những lần gặp Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc năm nào vẫn còn in đậm trong ký ức của bác Phạm Ngọc Trình. Chúng tôi đã gặp bác Trình tại nhà riêng ở TPHCM, khi bác Trình đang cùng một người bạn say sưa câu chuyện vượt Trường Sơn ra Việt Bắc và được gặp Bác Hồ năm nào.

Lần đầu gặp Bác

Cuối mùa khô năm 1952, đoàn chúng tôi xuất phát từ chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh) bắt đầu hành trình ra Bắc. Trưởng đoàn là đồng chí Lê Duẩn, lúc đó là Bí thư Xứ ủy Nam bộ. Tôi và đồng chí Ngô Long Minh đều là thư ký cho đồng chí Lê Duẩn cùng đoàn cán bộ miền Nam ra Bắc. Sau gần 7 tháng vượt Trường Sơn gian khổ, cuối cùng đoàn cũng ra đến Việt Bắc. Một chiều đầu năm 1953, chúng tôi được đưa đến một hội trường lớn giữa núi rừng Việt Bắc (sau đó chúng tôi mới biết đó là Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc).

Ông Phạm Ngọc Trinh (bên phải) và ông Nguyễn Văn Rê đang nhớ về những kỷ niệm gặp Bác Hồ cách đây gần 60 năm

Ông Phạm Ngọc Trinh (bên phải) và ông Nguyễn Văn Rê đang nhớ về những kỷ niệm gặp Bác Hồ cách đây gần 60 năm

Ở đó có nhiều đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng, chính phủ và cán bộ chiến sĩ từ khắp nơi về. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các anh hùng, chiến sĩ thi đua từ trong chiến dịch Tây Bắc cũng về dự tại đây. Đoàn của Nam bộ đến sau, nên khi tới nơi thì hội trường đã chật kín. Chúng tôi cũng không biết nói chuyện với ai và những người ở đây cũng không biết chúng tôi là ai. Nhưng tất cả mọi người ai cũng có điểm chung là hướng lên hội trường và im phăng phắc. Tôi nghe tiếng ai đó thì thào: “Hôm nay có Bác Hồ đến”. Khi đó tôi rất hồi hộp.

Rồi có tiếng vọng lại từ phía trước: “Bác Hồ đến, Bác Hồ đến…”. Cả hội trường đứng bật dậy và hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!...” trong tiếng vỗ tay vang dậy. Bác giản dị quá! Quen thuộc như trong những tấm ảnh về Bác đã hằn sâu trong tâm trí tôi bấy lâu. Cảm xúc lúc ấy chợt vỡ òa trong tôi.

Đó là giây phút hạnh phúc chưa từng có trong đời tôi. Bác bước lên sân khấu, cả hội trường im phăng phắc, Bác nói: “Hôm nay có các cháu từ Nam bộ ra. Các cháu Nam bộ đâu, đứng dậy cho Bác xem”. Rất xúc động, từ phía sau chúng tôi đứng cả dậy và ai cũng muốn mình được đứng cao hơn để nhìn thấy rõ Bác và để được Bác thấy mình. Không khí trong hội trường lại thêm sôi động với những tràng pháo tay vang rền, bao nhiêu ánh mắt đổ dồn về phía chúng tôi.

Thấy chúng tôi đang đứng ở phía sau, Bác liền bảo: “Bây giờ các chú ở bốn hàng ghế phía trước lùi về phía sau để nhường tất cả các cháu Nam bộ lên ngồi phía trước gần Bác!”. Trong tiếng cười vui vẻ của mọi người, chúng tôi sung sướng, không ai bảo ai tất cả đều chạy ùa lên phía trước, xúc động trào nước mắt. Bác đưa mắt nhìn chúng tôi thật trìu mến. Khi chúng tôi ổn định chỗ ngồi, bằng giọng ấm áp, rõ ràng Bác nói từng lời thấm vào lòng mỗi người chúng tôi: “Hôm nay muôn dặm một nhà/Cho người thấy mặt để ta thỏa lòng”.

Bác hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, rồi động viên từng người. Tiếp đó nhà thơ Tố Hữu đi ra hội trường cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi đọc bài thơ Hồ Chí Minh được đăng trên báo “Đuốc dân quân” vừa đọc vừa rơi nước mắt. Bác hỏi tôi: “Quê cháu ở đâu?”. Tôi trả lời: “Quê cháu ở Nam Định nhưng cháu sinh ra ở Sài Gòn”. Bác Hồ cười bảo: “Vậy là Nam kỳ lai rồi” và tất cả đều cười vang.

Nhớ lời Bác dặn

Khoảng 1 tháng sau đó, Hội đồng Chính phủ đãi tiệc. Khi chúng tôi đến thì cuộc họp chưa xong. Chúng tôi được bố trí ngồi nghỉ tại nhà khách là một căn nhà lá. Những người trong đoàn đang nghỉ thì bất ngờ Bác Hồ tới. Ai nấy chưa kịp định thần thì Bác giơ tay lên chào và cất tiếng: “Các cháu Nam bộ tập hợp một hàng!”. Bác dẫn đoàn đi vào đến hội trường và dừng lại ở cửa rồi cất tiếng: “Báo cáo Hội đồng Chính phủ, các cháu  Nam bộ đã đến”. Chúng tôi vào bàn ăn mà không ai ăn được vì cảm động, cứ nhìn nhau.

Bác cười và nói: “Các cháu là những nhà quân sự, chiến đấu xong là phải thu dọn chiến trường cho sạch và ở đây cũng vậy”. Bác dặn dò: “Các cháu ở Nam bộ đánh giặc sớm quá, chưa có điều kiện đi học. Ra đây các cháu phải gắng đi học để sau này trở lại xây dựng Nam bộ cho bằng người ta”. Rồi Bác bắt nhịp bài ca “Kết đoàn” cho mọi người cùng hát.

Lần thứ ba chúng tôi được gặp Bác cách đó khoảng nửa tháng. Đó là dịp Tổng cục Chính trị tiếp đoàn miền Nam ra báo cáo thành tích. Tôi nhớ đồng chí Nguyễn Văn Rê (lúc đó ở Tiểu đoàn 302, phân liên khu miền Đông Nam bộ) lên báo cáo thành tích đánh vào tổng hành dinh của Trịnh Minh Thế tiêu diệt hơn 100 tên sĩ quan địch. Khi báo cáo xong, Bác hỏi đồng chí Rê: “Cháu bố trí cách đánh như thế nào?”. “Dạ chúng cháu đi vịt ạ”. Mọi người cùng cười và thắc mắc không hiểu. Bác nói với anh Rê: “Cháu biểu diễn cho mọi người cùng xem nhé”. Nói rồi bác bảo các đại biểu ngồi ở 4 hàng đầu lùi xuống để cho anh Rê biểu diễn. Và mọi người rất thán phục kiểu “đi vịt” nhanh như sóc, trên vai còn vác thêm cái ghế (thay quả bộc phá) của anh Rê.

Dù đã gần 60 năm trôi qua nhưng kỷ niệm về những lần gặp Bác vẫn còn in đậm trong tôi. Những lời dặn dò của Bác đã theo tôi suốt cả cuộc đời…

HỒ THU (ghi theo lời kể của ông Phạm Ngọc Trình)

Tin cùng chuyên mục