Vợ chồng tôi ly thân được 2 năm và đã hoàn tất thủ tục ly hôn. Lúc đó con trai đầu của chúng tôi được 7 tuổi và con gái sau mới 3 tuổi. Vì không muốn cuộc sống của các con bị xáo trộn, chúng tôi thỏa thuận tạm thời không bán nhà và để lại toàn bộ tài sản cho con cái khi chúng trưởng thành.
Sau khi ly hôn, chồng tôi dọn ra ngoài ở và chỉ về nhà thăm con vào dịp cuối tuần. Những lúc đó tôi thường ra ngoài, dành cả không gian riêng tư cho cha con thể hiện tình cảm. Nhiều lần được cha dẫn đi chơi, hai con tôi cứ nằng nặc bắt mẹ đi cùng. Chiều lòng con, tôi chấp thuận đi theo chúng và cố tỏ ra mọi chuyện bình thường. Chồng tôi “đóng kịch” cũng rất khéo và tỏ ra quan tâm đến mẹ của lũ nhỏ. Thấy con cái vui vẻ, hạnh phúc, chúng tôi tiếp tục vào “vai diễn” khá ăn ý.
Thế nhưng, khi con trai tôi 11 tuổi, cháu thường tỏ ra trầm tư, hay buồn bực. Không những thế, cháu xao nhãng việc học và kết quả học tập sa sút. Tôi gặng hỏi thì cháu òa khóc và thổ lộ: “Ba và mẹ đừng đóng kịch nữa! Con không cần xem kịch vào cuối tuần nữa đâu. Con cần đủ cả ba và mẹ như bạn bè cùng lớp…”. Thì ra lâu nay, chúng tôi cứ nghĩ con còn nhỏ nên chưa thấu hiểu nỗi buồn chia ly của gia đình. Rằng chúng tôi đã cố làm tất cả để hai con cảm thấy không bị hụt hẫng về tình cảm, nhưng sự thật không phải vậy. Dù đón nhận tình thương của ba lẫn mẹ nhưng các con tôi vẫn cảm nhận được sự hụt hẫng, tổn thương khi mái ấm bị xé lẻ.
Tôi đã dành nhiều thời gian gần gũi, giải thích cho con hiểu và chấp nhận hoàn cảnh của gia đình. Rằng ba mẹ không sống cùng một nhà nhưng vẫn dành tình yêu thương, chăm sóc cho các con. Tôi cũng luôn nói những điều tốt về cha để chúng không trách giận người sinh ra mình. Đây là cách mà chúng tôi đã áp dụng sau khi chia tay, dù có chuyện gì cũng không được nói xấu nhau trước mặt con cái. Dần dần con trai của tôi cũng nguôi ngoai và cháu đã đồng cảm với sự cô đơn của mẹ nhiều hơn. Khi con trai càng lớn, cháu càng hiểu vai trò đàn ông trong ngôi nhà thiếu vắng bóng người cha và sẵn sàng giúp mẹ những việc khó.
Từ bài học gãy gánh của mình, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm về cách ứng xử thân thiện và nhân văn của người lớn để con cái không bị hụt hẫng, nuôi dưỡng niềm tin vào cuộc sống.
Thanh Hương