Bác Hồ trong trái tim tôi…

Trong những ngày tháng 5, phóng viên Báo SGGP đã tìm đến nhà ông Nguyễn Xuân Côi - 88 tuổi đời, 65 tuổi Đảng - tại chung cư của Công ty Thép miền Nam trên đường Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận, quận 7. Tuy đã tuổi cao sức yếu nhưng nhắc đến Bác Hồ, ông Côi lại bồi hồi xúc động nhớ về kỷ niệm những lần vinh dự được gặp Bác. Phóng viên Báo SGGP ghi lại lời kể của ông về những kỷ niệm trong những lần gặp Bác Hồ…
Bác Hồ trong trái tim tôi…

Trong những ngày tháng 5, phóng viên Báo SGGP đã tìm đến nhà ông Nguyễn Xuân Côi - 88 tuổi đời, 65 tuổi Đảng - tại chung cư của Công ty Thép miền Nam trên đường Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận, quận 7. Tuy đã tuổi cao sức yếu nhưng nhắc đến Bác Hồ, ông Côi lại bồi hồi xúc động nhớ về kỷ niệm những lần vinh dự được gặp Bác. Phóng viên Báo SGGP ghi lại lời kể của ông về những kỷ niệm trong những lần gặp Bác Hồ…

Mỗi lần được gặp Bác Hồ, tôi đều có cảm giác như gặp người cha thân yêu của mình vì Bác rất đỗi giản dị, gần gũi, thân thương và hòa đồng với mọi người… Kỷ niệm nào với Bác cũng đáng nhớ vì mỗi lần gặp Bác tôi đều có được những bài học quý giá trong cuộc đời.

Ông Nguyễn Xuân Côi cùng con gái và cháu.

Quê tôi ở Long An, sau trôi dạt ra Bình Định làm ăn. Cha mẹ tôi làm nghề vận chuyển, buôn bán trên sông nước, rày đây mai đó khắp các tỉnh thành phía Nam. Gia đình tôi có 14 anh em, trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cứ ai lớn là thoát ly theo cách mạng. Năm 1954, gia đình tôi tập kết ra Bắc, cha tôi làm thợ điện ở Nhà máy điện Yên Phụ (Hà Nội), 14 anh em đa số tham gia vào ngành quân giới chế tạo và sửa chữa vũ khí. Một người anh xung phong vào chiến trường miền Nam chiến đấu và hy sinh. Sống giữa lòng thủ đô Hà Nội trong những năm kháng chiến, cũng như bao người dân miền Nam tập kết khác, gia đình tôi luôn được Bác Hồ dành cho tình cảm đặc biệt.

Vào dịp Tết năm 1962, gia đình tôi được báo Bác sẽ đến thăm và chúc tết. Theo kế hoạch thì Bác đến vào buổi chiều, nhưng Bác lại đến vào buổi sáng vì muốn bất ngờ để nắm bắt tình hình thực tế chính xác. Lúc đó cha tôi đang đi trực ở nhà máy không có nhà, chỉ có mẹ tôi tiếp khách. Khi đoàn của Bác đến thăm, ai nấy đều tập trung vào phòng khách để nói chuyện nhưng lạ thay không thấy Bác. Mọi người tìm quanh thì thấy Bác đang cầm đèn pin xem xét khu nhà bếp, nhà vệ sinh của công nhân để biết mọi người ăn ở thế nào. Khi trở lên phòng khách, Bác tỏ ra hài lòng vì thấy nơi ăn chốn ở của công nhân khá sạch sẽ, gọn gàng. Bác còn mở tủ thức ăn của gia đình xem, thấy có bánh chưng và hỏi mẹ tôi: “Tết gia đình cháu có nấu bánh chưng không?”. Mẹ tôi thưa: “Dạ có nấu ạ!”. Bác hỏi vui: “Thế bánh chưng miền Bắc khác bánh tét miền Nam ở chỗ nào?”. Mẹ tôi đáp: “Thưa Bác, bánh chưng miền Bắc gói bằng lá dong, còn bánh tét miền Nam gói bằng lá chuối nhưng đều ngon như nhau cả ạ…”. Bác cười vui và bảo Bắc - Nam luôn là một, không gì có thể chia cắt được. Nghe tin Bác đến thăm, lũ trẻ con trong xóm chạy đến vây quanh. Bác chia bánh kẹo cho từng em bé và dặn phải học giỏi, chăm ngoan. Kể từ tết năm đó cho đến khi Bác mất, năm nào gia đình tôi cũng nhận được  tấm thiệp chúc Tết của Bác Hồ gửi tặng. Nghĩa cử này chính là thông điệp gửi gắm tình thương yêu vô bờ bến của Bác dành cho đồng bào miền Nam ruột thịt, trong đó có gia đình tôi.

Lần khác tôi vinh dự được gặp Bác tại Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (Hà Nội) khi Bác đến thăm hỏi, động viên công nhân sản xuất giỏi để chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Nghe tin có Bác đến thăm, ban giám đốc nhà máy trang hoàng hội trường để đón Bác. Thế nhưng khi đến, Bác không vào hội trường ngay mà đi thẳng xuống bếp để xem khẩu phần ăn của từng công nhân như thế nào. Khi trông thấy thức ăn bày trên bàn mà không đậy lồng bàn, Bác nhắc nhở: “Các cô chú nấu ăn để phục vụ công nhân, phải đậy lồng bàn để đảm bảo vệ sinh, giữ gìn sức khỏe của công nhân”. Trước sự quan tâm tận tình chu đáo của Bác, ngay ngày hôm sau ban giám đốc cho người đi mua lồng bàn về để đậy thức ăn cho công nhân.

Lần thứ ba tôi được gặp Bác ở khu Mỏ Thiếc (tỉnh Cao Bằng), khi Bác đến thăm hỏi công nhân ngành thiếc. Lúc nào Bác cũng hòa mình thân thiện với công nhân như người cha. Nghĩa cử của Bác là nguồn sức mạnh lớn lao thôi thúc chúng tôi vững bước trên con đường cách mạng. Đến nay đã trọn đời theo Đảng và Bác Hồ, tôi luôn tự hào vì lúc nào Bác cũng luôn trong trái tim tôi, nhắc nhở động viên tôi vượt qua mọi khó khăn gian khổ và sống xứng đáng với tấm lòng của Bác dành cho dân, cho nước.

MINH NGỌC (ghi)
 

Tin cùng chuyên mục