Duyên nợ với nghề
Từ khi đang học ngành y, cô sinh viên Hương Lan đã tích cực tham gia công tác xã hội, đi nhiều nơi, gặp nhiều bệnh nhân nhi có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh.
Bác sĩ Hương Lan tâm sự: “Đó cũng là bài học vỡ lòng đối với bác sĩ nhi khoa. Các thầy cô đã dạy chúng tôi rất kỹ rằng muốn giỏi nghề phải tích cực tham gia công tác xã hội. Đấy là những bước đi chập chững của tôi trong sự nghiệp phục vụ bệnh nhi”.
Đến khi rời ghế nhà trường, bác sĩ Hương Lan tham gia Trung tâm Nhi khoa - một tổ chức xã hội chuyên trách khám và điều trị bệnh nhi. Với bản tính hiền lành, chân chất, chịu khó…, bác sĩ Hương Lan thực sự thấy công việc chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhi phù hợp với mình.
Đôi lần theo đoàn bác sĩ đến Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật - mồ côi Thị Nghè khám chữa bệnh cho các cháu, xúc động khi thấy nhiều bệnh nhi có hoàn cảnh rất thương tâm, bác sĩ Hương Lan quyết định xin về công tác tại đây để góp sức lo cho các cháu.
Kỷ niệm đầu tiên và rất ấn tượng với bác sĩ Hương Lan tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật - mồ côi Thị Nghè là một tình huống rất sốc. Khi khám bệnh cho một em trai bị bệnh down, bác sĩ đặt ống nghe thì em này đột ngột giơ tay tát mạnh vào mặt bác sĩ.
Cái tát khiến bác sĩ Hương Lan choáng váng, bật ngửa. Một bà sơ ở gần đó đã đỡ bác sĩ Hương Lan dậy và nói nhỏ nhẹ: “Cô đừng hiểu lầm! Tội cháu! Biểu hiện mừng vui của mấy đứa trẻ bị bệnh down là vậy đó!”.
Mà thật vậy, liên tiếp những ngày sau đó, bác sĩ Hương Lan đã có dịp kiểm chứng. Sáng nào em trai đó cũng đứng ở cổng trung tâm để đón bác sĩ Hương Lan đến. Khi thì em bắt tay, lúc thì ôm ấp và thậm chí là hôn tay một cái. Bác sĩ Hương Lan kể: “Ấn tượng ban đầu “mãnh liệt” vậy đó! Ở trung tâm, đó là người thương tôi nhất. Cháu đã lớn nhưng vẫn chưa phát triển trí tuệ. Nói không được mà cháu vẫn cố gắng ngọng nghịu gọi tôi là “A… Ma…!”.
Bác Lan là cách gọi thân mật của chúng tôi. Các cháu đều dành tình cảm đặc biệt với bác Lan. Sáng ngày vừa mở mắt thức dậy đã chạy xuống sân đón bác Lan. Làm gì thì làm, có đứa phải nắm tay hay ôm hôn bác Lan một cái mới chịu ăn uống, sinh hoạt”.
Vui với niềm vui của trẻ
Khi đi thăm các phòng, cuộc trò chuyện của bác sĩ Hương Lan với chúng tôi liên tục bị ngắt quãng. Khi thì chị phải tiếp chuyện điện thoại, khi thì trả lời các thắc mắc của điều dưỡng, y tá. Chị tươi cười, vỗ về, nựng nịu khi thấy các cháu đi ngang cúi chào.
Trong ánh mắt của các cháu, chúng tôi có thể cảm nhận được rằng với các cháu “má Lan” là người có thể xoa dịu vết thương, cơn đau hay tổn thương tinh thần cho mình. Các cháu nói không thành lời, diễn đạt khó khăn, nhưng chỉ cần nhìn điệu bộ, cử chỉ, ánh mắt của các cháu là má Lan biết các cháu cần gì.
Có khi chỉ cần má Lan cặp miếng bông gòn tẩm cồn xoa vào vết trầy nhỏ hay vỗ đầu, nựng má… là các cháu gật gù sung sướng. Quản lý chăm sóc đến 350 cháu, nhưng bác sĩ Hương Lan nhớ rõ từng tên, thuộc từng tính nết, biết rõ bệnh tật của từng cháu.
Không ít cháu bị bệnh thận rất nặng, bệnh viện trả về, nhưng bác sĩ Hương Lan vẫn cố gắng giành giật từng phút, từng giây mạng sống cho các cháu. Bác sĩ Lan tâm sự: “Không ít lần có cháu đã đến lúc thập tử nhất sinh, tôi vẫn không bỏ cuộc, đã tổ chức “hội chẩn online” để nhờ bạn bè hỗ trợ tìm liệu trình, thuốc men tốt nhất cứu chữa”.
Nhiều cháu ở Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật - mồ côi Thị Nghè chào đời với thân thể tàn tật, đau yếu, bị cha mẹ bỏ lại bệnh viện, đến khi vào trung tâm đã được đặt cho tên rất đẹp, tên của người nổi tiếng.
Bác sĩ Hương Lan chia sẻ: “Các cháu sinh ra đời với hoàn cảnh bất hạnh như vậy, do vậy chúng tôi luôn mong mỏi, hy vọng các cháu được vui tươi, hạnh phúc và may mắn, nên đặt cho các cháu những cái tên đẹp, tốt lành. Vài năm nữa, tôi phải nghỉ hưu, thời gian dành cho các cháu không còn nhiều, nhưng tôi tâm niệm và tự hứa với lòng là khi nghỉ hưu vẫn sẽ thường xuyên ghé trung tâm để hỗ trợ các vấn đề về y tế, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm”.