(SGGP). – Ngày 17-10, tại TP Vinh (Nghệ An) đã diễn ra “Hội nghị xúc tiến đầu tư vào khu vực Bắc Trung bộ”. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành trung ương; đại diện các tổ chức thương mại - tài chính, 20 đại sứ quán; lãnh đạo các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế tham dự hội nghị.
|
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cho biết tính đến tháng 9-2011, số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn các tỉnh Bắc Trung bộ là 189 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 19,1 tỷ USD, chiếm gần 10% tổng số vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Hiện nay đã có 27 đối tác nước ngoài đầu tư vào khu vực này, lớn nhất là Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Singapore; tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch và dịch vụ.
Bên cạnh những lợi thế sẵn có, những thành tích đã đạt được, các tỉnh Bắc Trung bộ vẫn còn những bất cập như chiến lược thu hút đầu tư tập trung nhiều vào phát triển công nghiệp nặng, cảng biển, du lịch… mà chưa phát huy được tiềm năng lớn ở lĩnh vực nông - lâm nghiệp, khai thác thủy hải sản. Nguồn nhân lực của khu vực nhiều nhưng thiếu về chất lượng do chưa được đào tạo bài bản và tập trung. Thu hút đầu tư của các tỉnh trong vùng chưa đồng đều. Các dự án FDI lớn về lọc dầu, luyện thép chủ yếu tập trung vào các khu kinh tế của Thanh Hóa và Hà Tĩnh, trong khi đó các dự án phụ trợ, phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng… vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cho các trung tâm nói trên.
Hội nghị cũng đã nghe 9 tham luận của đại diện các bộ ngành trung ương, các hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn trong nước nhằm thúc đẩy hơn nữa hiệu quả thu hút đầu tư cho các tỉnh Bắc Trung bộ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thời gian gần đây, với tiềm năng sẵn có cùng với chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các khu kinh tế Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây… thu hút nhiều dự án lớn. Thời gian tới, để phát huy tiềm năng sẵn có, các tỉnh cần cải thiện môi trường đầu tư, tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển quy hoạch vùng, hợp tác để xây dựng thương hiệu vùng… Ngoài ra, trong định hướng phát triển cần tập trung vào một số khu vực, lĩnh vực có thế mạnh, tránh đầu tư dàn trải. Các tỉnh Bắc Trung bộ cần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư, chú ý tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên… Không những chú trọng thu hút các doanh nghiệp lớn mà cần thu hút cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa.
D.CƯỜNG - KH.THÀNH