Làm sao dạy và học tiếng Anh hiệu quả?
| |
Tuy mặt bằng trình độ tiếng Anh của học sinh TPHCM được đánh giá là cao nhất nước, nhưng tỷ lệ học sinh đạt chuẩn tiếng Anh vẫn còn thấp so tổng số học sinh toàn thành phố. Việc đầu tư, mở rộng dạy và học tiếng Anh theo chuẩn còn nhiều rào cản, thách thức.
Những năm gần đây, một bộ phận học sinh các cấp ở TPHCM có điều kiện học sớm trong môi trường tiếng Anh tốt ở trường học, cộng thêm đầu tư học ở các trung tâm có yếu tố nước ngoài uy tín, đều tự tin, giao tiếp bằng tiếng Anh. Riêng những học sinh theo học chương trình tăng cường tiếng Anh của thành phố từ bậc tiểu học lên THCS đều đạt chuẩn đầu ra theo yêu cầu đặt ra với từng cấp học. Đặc biệt, có nhiều học sinh từ bậc THCS đến THPT đã đạt được chuẩn trình độ cao, lấy chứng chỉ quốc tế với điểm số cao như IELTS, TOEFL, SAT… Thực tế này đã chứng minh dạy và học tiếng Anh theo chuẩn (bốn kỹ năng: nghe - nói - đọc - viết) thì mới có thể sử dụng lưu loát. Còn học mà không hành - “học chay”, chỉ nghiêng về ngữ pháp, từ vựng, rập theo khuôn mẫu sách giáo khoa như trước đây thì người học tiếng Anh khi giao tiếp với người nước ngoài cứ mãi ú a ú ớ.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn trong giờ thực hành với giáo viên nước ngoài
Học thụt lùi
Thế nhưng, vì học theo chương trình chuẩn quốc tế, có cơ hội giao tiếp với thầy giáo bản ngữ, số học sinh này đều than trời khi quay về học chương trình sách giáo khoa tiếng Anh theo kiểu Việt mà Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) biên soạn. Và đã từ lâu, phụ huynh lẫn học sinh đành chấp nhận thực tế song hành là vừa tiến vừa lùi. Đó là, một: học tiếng Anh để sử dụng và hai: học tiếng Anh chỉ để kiểm tra, thi cử. Nhưng khổ nỗi, đã học theo chuẩn, phát âm chuẩn, các em không thể chịu được những giờ học tiếng Anh thụt lùi kiến thức và sai chuẩn. Nhiều em tâm sự: “Giờ học tiếng Anh ở trường chán lắm vì nhiều thầy, cô phát âm sai nhiều từ, lại thêm phải học nhiều từ vựng, ngữ pháp và mẫu câu xơ cứng. Nhiều bạn giỏi tiếng Anh không thèm nghe bài giảng và làm việc riêng cho hết giờ…”.
Điều đáng nói là ngay cả khi TPHCM đã đột phá, thí điểm thành công với chương trình tăng cường tiếng Anh từ hơn 10 năm nay và đang mở rộng nó, nhưng kết quả của môn học này cũng chỉ để tham khảo. Dù có kết quả học giỏi, xuất sắc, các học sinh vẫn phải học chương trình của Bộ GD-ĐT để lấy điểm, thi cử theo quy định. Mới đây, TPHCM cũng thí điểm, mở rộng chương trình tiếng Anh tích hợp - dạy các môn toán, khoa học bằng tiếng Anh, nhưng học sinh vẫn không được miễn chương trình tiếng Anh của Bộ GD-ĐT. Lý do mà các trường đưa ra là chưa có quy định nào hướng dẫn được phép bỏ môn học bắt buộc này để thay thế bằng môn học tiếng Anh tích hợp. Và thế là học sinh từ cấp tiểu học đến trung học phải học pha trộn giữa những giờ học theo chuẩn quốc tế đầy hào hứng, sôi động với những tiết học “nhạt như nước ốc”. Cụ thể, nhiều học sinh lớp 6 đã học chương trình tiếng Anh Cambrigde từ tiểu học, lấy bằng tiểu học theo chuẩn quốc tế nhưng lên lớp 6 phải học sách tiếng Anh của Bộ GD-ĐT biên soạn với những bài học giản đơn, những câu chào hỏi dành cho người mới làm quen với tiếng Anh. Nhiều học sinh vừa chán học vừa bức xúc - không hiểu tại sao các em phải học theo kiểu thụt lùi và pha trộn chẳng giống ai như thế? Còn phụ huynh thì thấy rối và băn khoăn khi thấy con mình được đánh giá cao khi học với người nước ngoài nhưng ở trường thì điểm số thấp.
Quá ít môi trường chuẩn
Phải thừa nhận trường nào có điều kiện về cơ sở vật chất, triển khai nhiều lớp tăng cường tiếng Anh và đầu tư nhiều sân chơi thực hành bằng tiếng Anh cho học sinh, thì ở đó sinh ngữ phát huy hiệu quả. Điển hình như Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10) - nơi có đầu vào tuyển sinh tốt và nhà trường mở được 14/23 lớp học tăng cường tiếng Anh ở các khối lớp. So với mặt bằng chung ở TPHCM, thì trường này thuộc số ít trường có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn trình độ theo khung tham chiếu châu Âu CEFR (B2) khá cao (50%). Ngoài việc có môi trường học tốt tại trường, đa phần các em còn được gia đình đầu tư học thêm, luyện nghe nói với giáo viên nước ngoài ở các trung tâm ngoại ngữ. Và để giúp học sinh có thêm sân chơi bổ ích, nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, vận dụng những điều đã học vào thực tế, nhà trường đã tiên phong tham gia đề án “Danh hiệu trường học hợp tác quốc tế tích cực - ISA” do Bộ GD-ĐT và Hội đồng Anh tổ chức.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Tố trong giờ học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài.
Chứng kiến học sinh hào hứng tham gia dự án, tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh, giao lưu kết nối với học sinh của nhiều nước trên thế giới mới thấy hành trang tiếng Anh quan trọng như thế nào. Tương tự, tại Trường THPT Lê Quý Đôn, mô hình trường học tiên tiến hội nhập quốc tế đầu tiên của TPHCM, cũng tạo ra môi trường học và thực hành môn ngoại ngữ “vua” - tiếng Anh - khá chuẩn. Không chỉ tăng thời lượng học tiếng Anh gấp đôi quy định của Bộ GD-ĐT, tự soạn giáo trình nâng cao, nhà trường còn mở ra nhiều cơ hội cho học sinh học chương trình A - Level (điều kiện để bước vào trường đại học của Anh); kết hợp với Hội đồng Anh bồi dưỡng, nâng cao kiến thức để học sinh thi lấy chứng chỉ IELTS, dạy các môn toán, khoa học bằng tiếng Anh… Cô Đỗ Thị Thanh Trúc, Tổ trưởng Tổ tiếng Anh của trường, cho biết: “Để giúp học sinh tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh, trường tạo nhiều điều kiện thực hành, thuyết trình bằng tiếng Anh, ca hát, đóng kịch bằng tiếng Anh; mở rộng kết nối, giao lưu với học sinh nước ngoài…”. Và yếu tố tạo nên sự thành công trong việc trang bị kỹ năng ngoại ngữ, giúp học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn sau khi tốt nghiệp THPT đạt điểm chuẩn bình quân IELTS 5.5 phải kể đến đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh 100% đạt trình độ chuẩn và vượt chuẩn C1. Đây là điều lý tưởng mà rất ít trường ở TPHCM đạt được. Ngoài ra, còn nhiều trường THCS và THPT thuộc top trên, có thương hiệu trên địa bàn TPHCM đã quan tâm đầu tư, tạo ra môi trường dạy và học tiếng Anh hiệu quả, thành lập các câu lạc bộ tiếng Anh, học sinh được tiếp xúc với người bản xứ ít nhất 2 tiết/tuần… nên cơ hội thực hành giao tiếp bằng tiếng Anh cũng khá hơn.
Thế nhưng, nhìn mặt bằng chung, số trường ở TPHCM có điều kiện dạy tiếng Anh tốt, tiếp cận chuẩn chưa nhiều, trong đó tỷ lệ học sinh tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh vẫn còn hạn hẹp, khiêm tốn và mảng tối học nhưng không thể sử dụng vẫn lấn át.
KHÁNH BÌNH
>> Bài 2: Đích đến còn xa, nếu chậm trễ…